Dự án kè Khâu Vàng (Bắc Kạn) với tổng kinh phí hàng tỷ đồng đã kéo dài nhiều năm nay chỉ bởi sự tắc trách của cơ quan chức năng, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân lâm vào cảnh... mỏi mòn.Khổ vì dự án
Dự án kè chống xói lở bờ sông Cầu đoạn Khâu Vàng thuộc phường Nguyễn Thị Minh Khai (TX. Bắc Kạn - Bắc Kạn) có tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng, triển khai từ tháng 3/2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hơn 3 năm qua, công trình gần như đắp chiếu bởi cách làm việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xem xét bền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho một hộ dân.
Chỉ đoạn công trình chậm tiến độ nhiều năm qua, ông Võ Đình Tân ở tổ 16 bức xúc: “Những ngày nắng còn đỡ, mỗi khi mưa lũ về, đường lầy lội như vũng trâu đầm, đi lại vô cùng khó khăn, khổ hơn cả là bọn trẻ luôn phải đánh vật với đường mỗi khi đến trường”.
Là một trong những hộ chấp hành tốt chủ trương giao đất phục vụ dự án, bà Trần Thị Vân rất phẫn nộ: “Suốt 5 năm qua, tôi vẫn mong ngày được thấy công trình hoàn chỉnh, nhưng kè chưa xong, đất của dân thì cứ nhúp dần”.
Ông Đặng Ngọc Chi ở tổ 4 chua xót hơn khi nhiều năm qua gom góp tiền, đội đơn gõ cửa khắp các cơ quan chức năng đòi quyền lợi. ông kể: “Lô đất nhà tôi rộng 190m2, có đầy đủ giấy tờ, sổ đỏ và được Nhà nước chứng nhận. Khi có dự án, Nhà nước lấy 107,3m2, còn lại 82,7m2. Nhưng không hiểu sao khi đo đạc lại chỉ còn 52,5m2. Tôi làm đơn khiếu nại gần 3 năm qua, hết đoàn này, đoàn nọ xuống thanh, kiểm tra, đo đạc xác định lại nguồn gốc đất nhưng đến nay vẫn chưa xong, kết quả không trùng khớp nhau”.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quế Anh, cán bộ địa chính phường Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng: “Việc dự án chậm tiến độ nhiều năm qua, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nguyên nhân chính là do kết quả đo, vẽ trên bản đồ chỉ giới sai với thực tế thửa đất gia đình ông Chi, nên không xác định được mốc giới thửa đất dẫn đến khiếu kiện kéo dài”. Còn ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND phường khẳng định: “Lỗi này là do các cơ quan cấp trên và đơn vị thi công dự án làm không đến nơi đến chốn”.
Cách làm tắc trách
Để giải quyết vướng mắc trong bồi thường GPMB với gia đình ông Chi, ngày 12/10/2007, đại diện chủ đầu tư, Ban GPMB thị xã Bắc Kạn, UBND phường Nguyễn Thị Minh Khai, đơn vị thi công đã có buổi làm việc với ông Chi. Theo đó, ông Chi đề nghị được thu hồi hết diện tích còn lại (52,5m2) và đền bù diện tích chênh lệch là 30,2m2. Tuy nhiên, ngày 13/11/2007, Ban bồi thường GPMB thị xã Bắc Kạn lại ra Công văn số 41 với nội dung: Chuyển nội dung vướng mắc đến Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Bắc Kạn và phường Nguyễn Thị Minh Khai giải quyết và yêu cầu ông Chi phải giao mặt bằng trước để phục vụ dự án.
Quá bức xúc, ông Chi đội đơn gõ cửa các cơ quan chức năng. Suốt từ cuối năm 2007. Nhưng mãi đến ngày 12/02/2009, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn mới chính thức vào cuộc. Kết luận 41/KL-TTr đã chỉ rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan: “Đối với Ban quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư) không giám sát đơn vị thi công nên để thi công lấn vào đất của dân, các số liệu đo, vẽ trên bản đồ sai với số liệu thực tế là trách nhiệm của Ban quản lý dự án”.
Tưởng mọi chuyển đã rõ ràng và trường hợp nhà ông Chi sẽ nhanh chóng được xem xét giải quyết. Nhưng chẳng hiểu cơ quan nào tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn mà hơn 1 năm sau đề xuất của ông Chi mới bắt đầu được xem xét. Ngày 02/03/2010, Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Kạn có Công văn số 44 đề xuất thu hồi 55m2 còn lại (lấy thêm phần rãnh trước nhà), ngày 05/03/2010, UBND tỉnh Bắc Kạn lập tức có QĐ 399/QĐ-UBND giải quyết cho nhà ông nhưng lại không đả đụng gì đến 30m2 đất “không cánh mà bay”.
Sự việc rất đơn giản và được sự ủng hộ của người dân nhưng chỉ bởi những lý do trời ơi, cách làm rùa bò của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn mà nhấn chìm dự án nhiều năm qua khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn cùng dự án. Đề nghị tỉnh Bắc Kạn làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và sớm hoàn thành dự án phục vụ dân sinh.
Thành Vinh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.