Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 9 năm 2021 | 15:59

Sức sống mới ở vùng sơn cước Bảo Lâm

Từ sự đầu tư hiệu quả của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn Bảo Lâm (Cao Bằng) như thay da đổi thịt, đồng bào các dân tộc có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ngày càng tin vào vào Đảng, Nhà nước.

img-3628.JPGThị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).

Đổi thay miền sơn cước

Tới trung tâm xã Lý Bôn của huyện Bảo Lâm và dừng lại trước cây cầu được xây vững chãi vắt qua hai bờ sông Gâm, những con đường ngoằn ngoèo, vắt chênh vênh lưng chừng núi trước mặt dẫn tới Phiêng Pẻn, giờ được bê tông phẳng phiu thay con đường đất gập gềnh, làm cho xóm không còn cách trở như trước.

Phiêng Pẻn có ông Tẩn Dấu Quẩy, dân tộc Dao, là Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nổi tiếng làm kinh tế giỏi, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua, được người dân trong xóm hết mực quý trọng. Ông là người đầu tiên của xóm đưa cây hồi về trồng và chưng cất tinh dầu, rồi trồng cây quế, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, 99% số hộ dân xóm Phiêng Pẻn học ông làm giàu, thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng hồi và chưng cất tinh dầu, thu nhập 50-70 triệu đồng/hộ/năm.

Chợt nhớ lần đến Phiêng Pẻn dịp cuối tháng 4/2021, ông Tẩn Dấu Quẩy đã xuống tận chân núi của xóm đón chúng tôi. Hôm đó, trên đường về nhà mình, ông Quẩy hồ hởi khoe, Phiêng Pẻn giờ đã đổi thay nhiều lắm. Được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông, xóm không còn cách trở, người dân đi lại thuận tiện, kinh tế vì thế cũng phát triển. Bây giờ câu chuyện thường ngày của người dân Phiêng Pẻn quê mình rôm rả nhất vẫn là về xây dựng nông thôn mới và thi đua lao động sản xuất để làm giàu. Nhờ đó, cuộc sống người dân không còn lo thiếu đói, bữa ăn không còn phải ăn ngô. Người dân Phiêng Pẻn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước.

Ông Tẩn Dấu Quẩy còn chân thành nói với chúng tôi: “Hôm nay, đón các anh lên thăm, mình nhắn vợ nấu cơm và đồ mèn mén (còn gọi là cơm ngô là một món ăn của người H’Mông, được làm từ ngô, xay nhỏ sau đó đem đồ giống như cách đồ xôi), có canh măng chua nấu cá để đãi các anh”.

Biết bữa ăn của người Phiêng Pẻn không còn phải ăn ngô như trước, lại được thưởng thức món mèn mén với canh măng chua nấu cá, món ăn của đồng bào dân tộc thật bình dị, giản đơn, với tôi lại độc đáo, đậm đà hương vị, trong đó còn chứa chan tình người với bao đổi thay nơi miền sơn cước.  

 
img-3392.jpg

Nhà máy Thuỷ điện Bảo Lâm I, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), có công suất 30MW, đóng góp 20 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

 

Sức sống mới

Tại xã Lý Bôn, chúng tôi thoả thích ngắm nhìn Nhà máy Thuỷ điện Bảo Lâm I được xây dựng bề thế, sừng sững trên dòng sông Gâm. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện có 4 nhà máy thuỷ điện: Bảo Lâm I, Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 3A, Mông Ân, đã vận hành hoà lưới điện quốc gia với tổng công suất 114 MW. Các nhà máy thuỷ điện đã khai thác hiệu quả nguồn thuỷ năng dồi dào trên sông Gâm và một phần sông Nho Quế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.

Trời mờ tối, phố núi lên đèn, chúng tôi thả bộ dạo quanh thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm) nhỏ bé, được bao bọc bởi những dãy núi đá, chạy dọc dòng sông Gâm. Nhịp sống ở đây không ồn ào, nhưng sống động, con người dường như sống lặng lẽ, bình thản và khép mình. Ánh đèn điện tỏa ra từ những căn nhà tầng có kiến trúc hiện đại và từ những cửa hàng, cửa hiệu dọc thị trấn như những chuỗi ngọc sắc màu, trang điểm cho phố huyện thêm tươi mới. Trong cái tươi mới của phố huyện hôm nay, tôi chẳng còn tìm thấy dấu tích của một tiểu khu Pác Miầu hưu quạnh, cách trở của hơn 20 năm về trước. Có chăng, còn là những nét đẹp văn hoá thuần hậu, những con người bình dị, thật thà, chất phác, hiếu khách và năng động thì vẫn vậy, tạo cho miền quê nơi đây một sức hút kỳ lạ.

Trên đường đưa chúng tôi đi cơ sở, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm Nguyễn Ngọc Quảng kể cho tôi nhiều câu chuyện vui về tuổi trẻ các dân tộc huyện Bảo Lâm tích cực đi đầu các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhất là phong trào thi đua Tuổi trẻ Bảo Lâm lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Nhiều thanh niên các xã vùng sâu, vùng xa của huyện đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. 

Tại UBND xã Mông Ân, chúng tôi gặp Bí thư Chi đoàn xóm Lũng Nặm Vừ Văn Lự, dân tộc Mông.  Anh Lự nói với tôi, thời gian trong quân ngũ, được đi cơ sở, được thấy các mô hình kinh tế hiệu quả đã cho mình kiến thức, kinh nghiệm làm ăn. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, mình vận dụng nó và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp do Đoàn và xã tổ chức vào đầu tư nuôi lợn đen, có thời điểm nuôi gần 200 con và trồng các cây quế, hồi, kết hợp chưng cất tinh dầu, mỗi năm cho thu nhập gần trăm triệu đồng. Giờ thì cuộc sống gia đình rất ổn định.

Chủ tịch UBND xã Mông Ân Hoàng Văn Đồng cho biết, người dân trong xã tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi đem lại hiệu quả. Nhiều hộ trồng quế, hồi, chưng cất tinh dầu, nuôi lợn đen, bò chọi, bò vỗ béo…có thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình là hộ các ông: Hoàng A Chẻ, xóm Đon Sài; Vừ Nhè Sinh, xóm Khau Trù; Dương Văn Dẻ, Lầu Nhè Sinh, xóm Khau Lạ…

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cũng vui mừng kể, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hiệu quả từ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, diện mạo nông thôn vùng cao huyện Bảo Lâm đã được đổi mới căn bản, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Hiệu quả nhất phải kể đến kết quả triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã thực hiện hỗ trợ hơn 84,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào 112 hạng mục, công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…, cho các xã đặc biệt khó khăn. Gần 3.670 lượt hộ đã được hỗ trợ cây trồng - vật nuôi, vật tư phân bón, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí hơn 27,7 tỷ đồng, cùng hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ hiệu quả thực hiện chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất… 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi được mọi người dân hưởng ứng tham gia, cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc quyết liệt, đạt kết quả đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. Chỉ tính từ đầu năm 2016, lúc đó cả huyện còn 62,97% hộ nghèo, đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 40,08% hộ nghèo. Công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được quan tâm; quy mô trường lớp được đầu tư, chất lượng giáo dục – đào tạo không ngừng nâng cao; công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân ngày càng được đảm bảo.

Sự đầu tư hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội làm diện mạo nông thôn vùng cao huyện Bảo Lâm sang trang mới, tạo cho đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập…

 

 

 
 
Ngọc Thủy - Quốc Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top