Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 10 năm 2016 | 2:32

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Lào Cai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn.

Thưa ông, ông có thể sơ qua một vài nét về tình hình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay, những kết quả và một số bài học kinh nghiệm đáng ghi nhận?

Ngay sau khi Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định 889/QĐ-TTG ngày 10/6/2013), tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành. Cùng với đó, UBND tỉnh nhanh chóng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện đề án trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; đồng thời ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,...

 Sau hơn ba năm triển khai đề án, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, bình quân đạt 6%/năm; cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng chăn nuôi tăng cao, chiếm 40,9% cơ cấu ngành nông nghiệp; các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa không ngừng được triển khai, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa chất  lượng cao, rau an toàn, dược liệu, chè VietGAP..., đưa giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 51,42 triệu đồng/ha, tăng 6,94 triệu đồng/ha so với năm 2013.

Việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được chúng tôi chú trọng triển khai, nhờ đó tổng sản lượng lương thực không ngừng tăng; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ, dịch bệnh được khống chế,...

Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh?

Lào Cai có vị trí địa lý quan trọng, là nơi giao thương thuận lợi, cầu nối giữa ASEAN và thị trường Tây Nam Trung Quốc; nơi đây có nhiều dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; hoạt động du lịch phát triển; thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp,... Tuy nhiên, Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn: diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 14% tổng diện tích tự nhiên; trình độ dân trí còn hạn chế, cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp không nhiều... Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu và một số nguyên nhân khác dẫn tới hệ thống nước mặt ngày một suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đến năng suất, chất lượng nông sản. Trước thực tế đó, chúng tôi xác định lấy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm bước đột phá tạo giá trị gia tăng. Tới nay, chúng tôi đã có trên 900ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Việc khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) đã đưa tỷ lệ che phủ rừng tăng nhanh, giữ ổn định ở mức 53,3%.

Để tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới địa phương sẽ ưu tiên, tập trung thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Song song với việc thực hiện những giải pháp cơ bản, chúng tôi sẽ quan tâm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đối với vùng cao như các huyện Sa Pa, Bắc Hà, chúng tôi tập trung xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời phát triển thêm một số vùng hàng hóa tập trung ở các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng và TP.Lào Cai nhằm cung cấp nhu cầu thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Phát triển các sản phẩm đặc hữu như: gạo Séng Cù, cá tầm nước lạnh, cây quả ôn đới, rau trái vụ...

Với những địa phương vùng thấp hay vùng có địa hình bằng phẳng, chúng tôi triển khai theo hướng thâm canh, tăng vụ, triển khai thêm nhiều mô hình cánh đồng một giống, hay mô hình ngô trồng dày.

Bên cạnh đó, phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý rừng theo FSC,... vẫn sẽ được chúng tôi duy trì và phát triển; xây dựng thêm một số nhãn hiệu tập thể của địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm của Lào Cai ra bên ngoài và thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương để khơi dậy tiềm năng nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Đình Hợi (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top