Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2013 | 10:19

Tại Công ty Bicico: Lợi dụng công đoàn gây sức ép cho cấp trên?

KTNT- Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Bicico Lưu Thị Ánh, đã đứng ra tổ chức cho công nhân đình công nhằm bảo vệ cho Tổng giám đốc...

BÀI LIÊN QUAN:

>> Bài 1: Ai chỉ đạo Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever?
>> Bài 2: Nhiều uẩn khúc trong việc cách chức một giám đốc
>> Bài 3: Thêm bằng chứng vụ “Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever”

>> Bài 4: Unilever Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý vi phạm
>> Bài 5: Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ việc Bicico bán trộm nguyên liệu của Unilever
>> Bài 6: Bộ Công an đề nghị Bộ Công thương thanh tra vụ “bán trộm nguyên liệu tại Bicico”
>> Bài 7: Bộ Công thương sẽ “tăng tốc” xử lý vụ bán nguyên liệu tại Bicico
>> Bài 8: Vụ bán “trộm” nguyên liệu tại Bicico: Tiết lộ “động trời” của “người trong cuộc”!
>> Bài 9: Về vụ Bicico: Thanh tra Bộ Công thương “phớt lờ” đề nghị của Bộ Công an
>> Bài 10: Tiếp vụ Bicico: Bộ Công an sai hay Bộ Công thương cố tình bao che (?!)
>> Bài 11: Viết tiếp vụ Bicico: 463 phuy nguyên liệu của Unilever được “tuồn” ra ngoài như thế nào?


Đình công để bảo vệ Tổng giám đốc?


Theo đơn phản ánh của ông Bùi Văn Hiệp, Kế toán trưởng Công ty Bicico, vào ngày 08/5/2010, Đại hội cổ đông thường niên 2009 của Bicico không thông qua được Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010 vì kế hoạch này có nhiều dự án đầu tư mờ ám do ông Hải thực hiện (lúc đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty). Để bảo vệ ông Hải, cuối buổi họp bà Ánh tuyên bố là sẽ tổ chức cho công nhân đình công, lãn công.

Đúng như tuyên bố, ngày 10/5/2010, tại Xí nghiệp Bao bì và Xí nghiệp Hương Việt (thuộc Công ty Bicico) đồng loạt diễn ra đình công, lãn công. Theo ông Hiệp, việc cổ đông chưa thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh không ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, nhưng bà Ánh đã lợi dụng vấn đề này để kích động công nhân gây mất ổn định công ty.

Cũng theo ông Hiệp, vào ngày 07/07/2010, để phản đối việc chỉ đạo thực hiện luật doanh nghiệp của ông Nguyễn Quốc Tuấn (lúc này là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), bà Ánh đã tổ chức cho công nhân ở 2 xí nghiệp ra Nhà khách Bộ Công Thương (số 3Bis, Hàn Thuyên, Quận 1, TP.HCM) để gởi đơn tố cáo ông Tuấn. 

Vào ngày 28/11/2011, ông Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có cuộc làm việc với Bicico để xem xét xử lý kỷ luật ông Hải theo kết luận của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an vì “có dấu hiệu tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, bà Ánh đã tổ chức cho công nhân đình công gây áp lực cho đoàn công tác. Những hình ảnh ghi lại cho thấy, công nhân Bicico mang theo các khẩu hiệu ghi: “phản đối Nguyễn Đình Khang...”, “phản đối Nguyễn Quốc Tuấn muốn tư nhân hóa Bicico”, “Quyết tâm bảo vệ Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải”... Ngoài ra, theo đơn tố cáo, bà Ánh còn tổ chức đình công vào các thời điểm trước bầu cử Quốc hội, kêu gọi Đảng viên trả thẻ Đảng... nhằm mục đích gây sức ép cho cấp trên và cơ quan chức năng để bảo vệ “ghế” cho ông Hải.

Đặc biệt, tất cả các cuộc tổ chức, chỉ đạo đình công của bà Ánh, ông Hiệp đều cung cấp băng ghi âm và các bằng chứng kèm theo.

Hình ảnh các lần đình công tại Công ty Bicico cho thấy có sự bất thường.


Công đoàn “khóc mướn” cho Tổng giám đốc!

Theo hồ sơ của bà Lại Thị Nhung, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Bicico cung cấp cho phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ngày 22/2/2011, bà Ánh đại diện Công đoàn Bicico, cùng ông Lê Huy Hải, Phó tổng giám đốc và bà Lại Thị Nhung, Phó bí thư Chi ủy Công ty ký đơn đề nghị gửi Chủ tịch Công đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có nội dung: “Để giữ kỷ cương, phép nước, công bằng xã hội, nhằm đưa Bicico, một công ty cổ phần có cổ tức cao nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoát khỏi bế tắc, đồng thời bảo vệ sự trong sáng của Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải – người có công với doanh nghiệp, chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông quan tâm. Với mục đích bảo vệ người lao động cũng như những cán bộ chân chính của Bicico, có tác động để cơ quan thẩm quyền xem xét...”.

Sau đó, ngày 16/3/2011, bà Ánh đại diện Công đoàn Bicico, cùng ông Hải và bà Nhung cùng ký đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nội dung: “Chúng tôi cho rằng, ông Nguyễn Quốc Tuấn đang bằng mọi cách gián tiếp, kể cả mượn danh Cơ quan Công an để loại bỏ ông Đặng Hồng Hải và một số cán bộ công ty. Ông Tuấn tiếp tay dẹp bỏ sản xuất kinh doanh...”.

Ngày 10/12/2012, bà Ánh ký Công văn số 58-CĐ/2012 gửi Công đoàn Hóa chất Việt Nam, trong đó có đoạn: “Do quá bức xúc trước thông tin C48 sẽ đề nghị khởi tố Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải, người lao động Bicico đã yêu cầu bà Lại Thị Nhung, bà Lưu Thị Ánh giới thiệu và đề nghị Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam nhờ chủ tịch Đặng Ngọc Tùng giúp gặp Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ để phản ánh...”.

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của quyền lực Nhà nước, thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, bà Ánh vẫn “hồn nhiên” ký bản tổng hợp ý kiến người lao động gửi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung: “Đề nghị Tổng LĐLĐVN có văn bản đề nghị ngành Tòa án không giải quyết vụ án của nhóm cổ đông do bà Vương Ngọc Lan cầm đầu đang kiện ông Đặng Hồng Hải vì đã quyết định mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh... Hơn nữa, nếu TAND TP.Hồ Chí Minh cứ cố tình đưa vụ kiện ra xét xử nhằm phục vụ ý đồ của nhóm bà Lan, lúc đó các hạng mục đã đầu tư phải thu hồi, thì chúng tôi sẽ không có máy móc thiết bị để làm việc...”.

Cùng với công đoàn Công ty, ngày 30/9/2011, ông Đặng Hồng Hải ký Công văn số 303/HCVN-BGĐ/2011 gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang “tố” C48. Trong đó có nội dung: “Hai văn bản - CV 270/C48(P8) và CV 269/C48(P8) có dấu hiệu không bình thường... Được biết, nội dung Văn bản số 269/C48(P8) lập lờ như vậy là nhằm phục vụ ý đồ riêng của ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Cụ thể là tạo cớ để ông Tuấn xử lý hành chính bằng cách loại bỏ Tổng giám đốc Bicico...”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên./.

Khoản 4,  Điều 9, Luật Công đoàn 2012 quy định về Những hành vi bị nghiêm cấm ghi rõ: Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.



Nhóm PV Điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top