Lâu nay, việc lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng không nhỏ tới người đi bộ và mĩ quan đô thị. Mặc dù địa phương đã có nhiều đợt ra quân giải tỏa nhưng chỉ tạm lắng được một thời gian, sau đó các hộ dân lại tiếp tục lấn chiếm.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau một thời gian chính quyền ra quân giải tỏa, hiện nay, ở các trục đường trên địa bàn TP. Tuy Hòa (Phú Yên) như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Cao Vân, Lê Thành Phương..., vỉa hè đang bị tái lấn chiếm để kinh doanh hàng quán, cà phê... Điều này làm choán hết lối đi dành cho người đi bộ, mặt khác gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Bởi khi vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ, không còn cách nào khác phải đi xuống lòng đường bất chấp sự nguy hiểm.
Bà Huỳnh Thị Tân (ngụ P.5, TP. Tuy Hòa) cho biết, giao thông đường bộ quy định, vỉa hè là phần lề đường phụ dọc hai bên con đường để dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến phố tại Tuy Hòa, vỉa hè bị chiếm dụng sai quy định nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán... Hiện tại các quán cà phê Tùng, Hương Hương, Hiệp Yến, phòng tập gym Song Huy..., tình trạng lấn chiếm vỉa hè để để xe vẫn chưa được khắc phục triệt để, khiến người dân rất bất bình. Mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý mạnh để người tham gia giao thông được yên tâm.
Còn chị Nguyễn Thị Thảo bức xúc chia sẻ: “Tầm từ 16 giờ hàng ngày trên các tuyến đường chính, lưu lượng người, xe qua lại rất lớn. Song do vỉa hè bị lấn chiếm nên người dân phải đi xuống đường, làm cho bức tranh giao thông ở khu vực này càng thêm lộn xộn”.
Theo quan sát của phóng viên từ 16 giờ hàng ngày, rất nhiều người bán hàng bắt đầu bày bán, các dịch vụ ăn uống bày bàn ghế để lấn chiếm lề đường, vỉa hè trông rất bát nháo. Tại những vị trí này, người đi bộ không còn lối đi nên phải xuống lòng đường để đi rất nguy hiểm. Việc lấn chiếm lòng lề đường để dựng xe, buôn bán khiến mặt đường càng thêm chật chội và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Điều đáng chú ý khi phóng viên đi thực tế nắm bắt thông tin thì liên tục nhận cuộc điện thoại của ông Nguyễn Tô Huy, chủ phòng tập gym Song Huy - một trong những đơn vị sử dụng vỉa hè công cộng để làm nơi đậu xe cho người tập - dùng những từ lăng mạ, đe dọa phóng viên. Theo ông Huy, việc phòng tập sử dụng vỉa hè để làm nơi đậu xe là không sai vì nơi này “đường vắng” (Thực tế đường Trần Cao Vân - nơi có phòng tập này gần các trường học và là đường nối giữa hai đường có mật độ xe cộ rất đông là Lê Lợi và Trần Hưng Đạo nên có không ít người qua lại, nhất là vào giờ cao điểm - PV). Vả lại, “chỉ có Phòng Quản lý đô thị mới có tư cách hỏi về vấn đề này chứ báo chí thì không”, ông Huy gằn giọng.
Trước vấn đề nhức nhối nêu trên, rất mong chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết triệt để nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mĩ quan đô thị trên địa bàn.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc./.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.