Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 9 năm 2016 | 7:49

Tài sản “quan tham” tẩu tán ra nước ngoài liệu có dễ thu hồi?

Một số tội phạm, đặc biệt tội phạm liên quan về chức vụ, tham nhũng, kinh tế…, trước khi bỏ trốn ra nước ngoài đã mang theo khối tài sản rất lớn.

tai san

Các cơ quan chức năng làm gì để thu hồi số tài sản “bẩn” này?

Khó chứng minh

Một nguyên cán bộ Interpol VN cho biết những đối tượng này tẩu tán tài sản dưới danh nghĩa lập các công ty, ký các hợp đồng làm ăn với nước ngoài (rửa tiền).

Để chứng minh đòi hỏi quá trình điều tra công phu, phối hợp giữa lực lượng cảnh sát của hai nước. Việc thu hồi tài sản phải căn cứ vào tội danh của đối tượng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền hai nước.

Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, nếu Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can thì có quyền ra quyết định kê biên tài sản.

Với những đối tượng chưa ra quyết định khởi tố, cơ quan chức năng phải chứng minh được những tài sản ở nước ngoài là do phạm tội mà có được. Việc này trên thực tế rất khó để chứng minh.

Theo một chuyên gia mạng, hiện nay với nguồn thông tin đa dạng về dịch vụ hỗ trợ cách chuyển tiền, hướng dẫn đầu tư để xin thẻ định cư, cách bảo mật thông tin... các đối tượng khi có dự tính ra nước ngoài sẽ có chuẩn bị trước.

“Họ tìm cách chuyển tiền bằng việc đầu tư, mua cổ phiếu, đưa con cháu đi du học ở nước dự tính định cư... Khi đó, đối tượng cũng đã có nền tảng, có vỏ bọc nhà đầu tư và được pháp luật bảo vệ tài sản của họ...” - chuyên gia này cho biết.

Không dễ thu hồi

Luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng Luật phòng chống rửa tiền quy định nếu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài từ 1.000 USD trở lên phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).

Các khoản ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài khác phải có lý do chính đáng, số lượng tiền chuyển cũng phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể.

“Tuy nhiên, các đối tượng tẩu tán tài sản thường lợi dụng việc mua sắm quốc tế, đầu tư ra nước ngoài để núp bóng chuyển số tiền lớn ra khỏi VN. Các đối tượng thường lập công ty ở các quốc gia, vùng lãnh thổ vốn là thiên đường trốn thuế” - luật sư Nông nói.

Khi đó, các đối tượng tiếp tục sử dụng để đầu tư vào các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Canada, Đức...) để hưởng quy chế định cư dài hạn và hợp pháp.

Trong một số trường hợp, việc thu hồi tài sản tẩu tán hết sức khó khăn nếu đối tượng bị truy nã và tài sản tẩu tán đang ở một nước mà VN không ký hiệp định tương trợ tư pháp.

Tuy nhiên, nếu có quyết tâm cao thì VN có thể thực hiện dẫn độ và thu hồi tài sản bằng việc truy nã quốc tế. Mặt khác, để thu hồi tài sản tẩu tán do tham nhũng, VN có thể vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng năm 2003.

Còn theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, pháp luật VN quy định tương đối đầy đủ để điều chỉnh, hạn chế và xử lý những hành vi liên quan đến rửa tiền, quản lý ngoại hối, đầu tư ra nước ngoài...

Nhưng từ thực tế những vụ án hình sự liên quan đến tín dụng ngân hàng, thương mại quốc tế, nếu ai đó có tài sản để ở nước ngoài thì việc tịch thu vô cùng khó khăn, tốn kém chi phí.

Để khắc phục, luật sư Nghiêm cho rằng quan trọng là ở công tác phòng chống, vì nếu để đến khi bị phát giác, bị truy nã... thì rất khó thu hồi.

“Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải hoạt động theo đúng luật định. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai tài sản quan chức để các thiết chế giám sát làm đúng chức năng.

Nếu ai đó kê khai gian dối và không giải trình được nguồn gốc với cơ quan thuế thì phải có chế tài, không loại trừ việc tịch thu sung công quỹ” - luật sư Nghiêm nói.

Rất nhiều ngoại tệ chảy ra nước ngoài

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có một cách chuyển tiền chính thức ra nước ngoài mà nhiều người đang sử dụng là lập công ty ở trong nước và câu kết với nhà xuất khẩu ở nước ngoài - thường là công ty liên kết qua việc nhập nguyên vật liệu, máy móc thiết bị.

Đơn cử công ty trong nước nhập lô hàng của công ty liên kết ở nước ngoài có trị giá thực chỉ là 100 USD. Nhưng công ty trong nước yêu cầu ngân hàng phát hành tín dụng thư tới 1.000 USD để thanh toán lô hàng.

Tình huống này khó ai có thể kiểm soát được vì đơn hàng thanh toán là 1.000 USD mà người mua trả đúng 1.000 USD nên ngân hàng không có lý do gì để từ chối cả.

Lợi dụng việc này, nhiều công ty trong nước đã chuyển số lượng rất lớn ngoại tệ ra nước ngoài một cách hợp lệ.

Quy định quản lý ngoại hối rất chặt chẽ nhưng vẫn bị những người không trung thực, cố ý gian lận, lách luật để chuyển số lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài./.

Theo Tuổi trẻ
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top