Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2015 | 6:17

Tận diệt thủy sản bằng xung điện ở Tuyên Quang: Cần sớm ngăn chặn

Mặc dù bị nghiêm cấm từ nhiều năm nay nhưng ở vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang và Thủy điện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn tồn tại nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Tình trạng này nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản.

Không khó bắt gặp hình ảnh người dân đánh cá bằng xung kích điện ở Na Hang và Chiêm Hóa.

Qua khảo sát một số nơi ở lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang (Na Hang) và lòng hồ Thủy điện Chiêm Hóa thấy, một số người dân dùng thuyền loại nhỏ, mang theo bộ kích điện để đánh bắt cá. Mỗi lần họ dí hai dòng điện xuống nước là nhiều loại cá (rô phi, cá quả, cá chép và các loài cá nhỏ) nổi trắng bụng lên mặt nước. Người ngồi sau cứ thế vớt số cá to, còn cá nhỏ thì để chết nổi dưới lòng hồ.

Không quá khó để sắm cho mình bộ dụng cụ đánh bắt cá bằng xung điện, chỉ cần bỏ ra khoảng 1,7- 2 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện cộng với hai cần tự chế. Anh L., người làm nghề đánh bắt cá lâu năm trên hồ đoạn qua xã Đà Vị cho biết, thiết bị điện dùng để bắt cá khá đa dạng, nhiều chủng loại, trong đó phổ biến nhất là loại kích điện hoạt động trên mặt nước từ 8-10m, độ sâu 10 - 50m. Tùy vào mục đích sử dụng mà người dùng có thể dùng bình ắc quy 24V để kích nâng dòng điện lên 220V và có khả năng sát thương cao hơn.

Còn anh H., ở tổ 15, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang) cho biết, hồi đầu cũng chỉ đánh bắt cá thủ công như dùng lưới đánh chài nhưng cách đây chừng chục năm, khi Nhà máy thủy điện Tuyên Quang tích nước, phong trào đánh bắt cá bằng xung điện bắt đầu rộ lên. Cách đánh cá này vừa khỏe mà lại thu được lợi nhuận cao gấp mấy lần so với đánh bắt thủ công.

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể số người sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định ở Na Hang và Chiêm Hóa. Tuy nhiên, việc đánh bắt bằng xung điện là cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài, phá hủy sinh thủy, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt. Bên cạnh đó, luật cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm người dân dùng điện đánh bắt thủy sản.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, thiết nghĩ UBND hai huyện Na Hang, Chiêm Hóa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời phải có hình thức xử phạt thích đáng đối với hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung kích điện.

Hoàng Tùng

 

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top