Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2015 | 8:0

TAND huyện Lâm Bình: Biến biên bản thỏa thuận thành hợp đồng vay vốn!

Các bên ký biên bản thỏa thuận nhưng nguyên đơn và TAND huyện lại khẳng định là hợp đồng vay vốn. Đây là một trong những tình tiết cần làm rõ trong vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang).

Biên bản thỏa thuận...

Ông Tuấn và TAND huyện Lâm Bình biến biên bản thỏa thuận thành hợp đồng vay vốn.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Nam (Công ty Khánh Nam) ở thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Na Hang (nay là huyện Lâm Bình), tỉnh Tuyên Quang, cho biết, ngày 5/6/2009, ông có ký biên bản thỏa thuận với ông Trần Anh Tuấn ở tổ 4, Hưng Thành, thị xã Tuyên Quang. Theo đó, ông Tuấn đồng ý đầu tư cho ông Khánh mua máy cuốc để thi công công trình. Phương thức đầu tư: vốn của ông Tuấn 100%, máy cuốc được mua sẽ đăng ký tên Công ty TNHH Thành Trung (do ông Tuấn làm Giám đốc - PV). Mọi chi phí như: đăng ký, mua bảo hiểm, chi phí hoạch toán lỗ, lãi… đều do ông Khánh chịu trách nhiệm.

Hàng tháng ông Khánh có trách nhiệm nộp các khoản gồm: lãi suất, bằng lãi suất thương mại của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thị xã Tuyên Quang theo thời điểm, cộng với 1% chi phí quản lý và lợi nhuận đầu tư của ông Tuấn; thuế thu nhập doanh nghiệp 200.000 đồng/tháng; từ tháng thứ 2 trở đi, ông Khánh chuyển trả gốc tối thiểu 1% trở lên; lãi + phí + gốc trả vào 25 hàng tháng.

Ông Khánh dùng GCNQSD đất mang tên ông và vợ là bà Lộc Thị Nự cùng toàn bộ tài sản xây dựng trên mảnh đất; giấy phép xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu cùng nhiều giấy tờ để thế chấp.

Với các nội dung thỏa thuận trên, nếu ông Khánh không thực hiện đúng mà không thương lượng thì ông Tuấn có quyền thu hồi máy để bán, phát mại mảnh đất trên và cây xăng để thu hồi gốc theo thỏa thuận. Biên bản thỏa thuận do cá nhân ông Tuấn ký.

Đến ngày 22/2/2011, giữa ông Tuấn và ông Khánh có biên bản làm việc. Nội dung như sau: Ông Khánh, Giám đốc Công ty Khánh Nam thanh toán số tiền nợ theo biên bản thỏa thuận ngày 5/6/2009, được ký giữa ông Tuấn và Công ty Khánh Nam để mua máy cuốc số tiền gốc là 840 triệu đồng; tiền phí bảo hiểm và phí chuyển tiền là 6.044.400 đồng; số tiền lãi từ ngày vay đến ngày 22/2/2011 là 557.925.000 đồng; số tiền đã trả là 674.000.000 đồng, số tiền còn nợ là 623.925.000 đồng. Số tiền nợ trên tương đương với giá trị còn lại của chiếc máy. Hàng tháng Công ty Khánh Nam phải trích trả gốc là 2% (gốc 623.925.000 đồng). Lãi suất hàng tháng theo lãi suất Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và cộng thêm 1%. Nếu Công ty Khánh Nam không trả được gốc và lãi thì số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng được chuyển sang là lãi quá hạn và tính bằng 150% lãi suất thỏa thuận. Nếu nợ kéo dài tới tháng thứ 3 thì ông Tuấn có quyền thu hồi chiếc máy cuốc trên bán thu hồi gốc và lãi.

Trên cơ sở biên bản làm việc, ông Tuấn và ông Khánh làm một hợp đồng vay tiền. Bên cho vay là vợ chồng ông Tuấn, bên vay là vợ chồng ông Khánh. Số tiền vay là 600 triệu đồng (vợ chồng ông Tuấn cho vợ chồng ông Khánh vay 600 triệu đồng để trả vào số tiền đã trả 674 triệu đồng như biên bản làm việc nói ở trên - PV). Thời gian vay từ 22/2/2011 đến 22/8/2011; điều khoản vay giống biên bản làm việc trước đó.

... Biến thành hợp đồng vay vốn

Được biết, trước thời gian ông Tuấn khởi kiện, ông Khánh đã trả cho ông Tuấn 140 triệu đồng tiền mặt. Chưa dừng lại ở đó, ông Tuấn đã lấy máy cuốc và 1 máy ủi của Công ty Khánh Nam. Ngày 1/7/2014, vợ chồng ông Tuấn khởi kiện vợ chồng ông Khánh ra TAND huyện Lâm Bình với số tiền nợ cả gốc lẫn lãi đến 31/3/2013 lên tới hơn 1,4 tỷ đồng.

Theo Bản án 03/2015/DS-ST ngày 7/5/2015 của TAND huyện Lâm Bình, ngày 5/6/2009, ông Tuấn cho ông Khánh vay số tiền 840 triệu đồng để mua máy cuốc. Hai bên thỏa thuận sau khi mua máy sẽ đăng ký quyền sở hữu Công ty Thành Trung, việc quản lý và sử dụng máy này sẽ do Công ty Thành Trung đảm nhiệm.

Việc ông Tuấn, bà Oanh khởi kiện ông Khánh, bà Nự ra tòa đối với hợp đồng vay tiền ngày 22/2/2011, số tiền gốc 600 triệu đồng, Hội đồng xét xử cho rằng, tuy vay nợ lần này bắt nguồn từ hợp đồng vay vốn 840 triệu đồng (không phải hợp đồng vay vốn mà là biên bản thỏa thuận - PV) giữa Công ty Khánh Nam và Công ty Thành Trung (không phải Công ty Thành Trung cho vay mà cá nhân ông Tuấn cho vay - PV). Tòa cho rằng hai hợp đồng này có đối tượng chủ thể khác nhau, việc vay 840 triệu đồng lần đầu là do Công ty Thành Trung cho Công ty Khánh Nam vay, còn 600 triệu ngày 22/2/2011 là cá nhân vợ chồng ông Tuấn cho vợ chồng ông Khánh vay.

Theo TAND huyện Lâm Bình, vợ chồng ông Tuấn chỉ khởi kiện hợp đồng vay tiền ngày 22/2/2011 chứ không khởi kiện hợp đồng vay 840 triệu đồng. Vì thế tòa cho rằng, ông Tuấn khởi kiện hợp đồng vay vốn ngày 22/2/1011 là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tòa tuyên ông Khánh, bà Nự phải liên đới trả nợ cho ông Tuấn, bà Oanh số tiền 940.875.000 đồng, trong đó tiền gốc là 600 triệu đồng, tiền lãi là 340.875.000 đồng. Ông Khánh phải trả 470.437.50 đồng; bà Nự có trách nhiệm phải trả 470.437.500 đồng.

Không đồng ý với bản án của tòa sơ thẩm, ông Khánh, bà Nự kháng cáo lên tòa án phúc thẩm.

Theo luật sư Hoàng Hải Bầu, Văn phòng luật sư Hoàng Minh (đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang), Biên bản thỏa thuận ngày 5/6/2009 có dấu hiệu không minh bạch, vì ông Tuấn lợi dụng ông Khánh không hiểu biết để làm văn bản thỏa thuận. Hợp đồng vay 600 triệu đồng ngày 22/2/2011 là hợp đồng ảo.

Luật sư Bầu đề nghị, toà phúc thẩm cần làm rõ việc tòa huyện tách phần 840 triệu đồng theo Biên bản làm việc ngày 5/6/2009 với Hợp đồng vay tiền ngày 22/2/2011 có đúng pháp luật không? Biên bản thỏa thuận, biên bản làm việc, hợp đồng vay vốn đã đúng với quy định pháp luật chưa?

Hoàng Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top