Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 3 năm 2021 | 7:19

TAND tỉnh Lâm Đồng “ngâm” hồ sơ nửa năm không chuyển TAND cấp cao tại TP. HCM

Không chấp nhận bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng, bị đơn kháng cáo. TAND tỉnh Lâm Đồng nhận đơn nhưng gần nửa năm trôi qua, hồ sơ vụ việc bị “quên” chuyển lên TAND cấp cao tại TP.HCM để xét xử phúc thẩm.

Ngày 31/8/2020, TAND tỉnh Lâm Đồng đã xét xử sơ thẩm vụ án “Yêu cầu chia tài sản thừa kế theo pháp luật, yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và yêu cầu hủy Quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức”.

Hai em gái kiện đòi chia tài sản do cha mẹ để lại

Nguyên đơn trong vụ việc là bà Nông Thị Nam (SN: 1961) và bà Nông Thị Thành (SN: 1962). Bị đơn là bà Nông Thị Lục (SN: 1954). Bà Lục là chị ruột của 2 nguyên đơn.

Hồ sơ vụ án thể hiện ngày 17/12/2018, bà Nam và bà Thành đã nộp đơn khởi kiện chị ruột ra TAND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chia thừa kế tài sản theo quy định. Tài sản tranh chấp ở đây là nhà và 888m2 đất tại số 33, đường Hàm Nghi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) do cha mẹ của họ là cụ Nông Công Vy và cụ Nguyễn Thị Xương khi còn sống tạo lập nên. Nhà đất trên do cả hai cụ cùng đứng tên. Cụ Xương cùng con gái là bà Lục đã sinh sống tại nhà đất nói trên từ trước tới nay.

Năm 1977, cụ Vy chết không để lại di chúc. Ngày 30/11/1992, cụ Xương có đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất nói trên. Và đến năm 1994, UBND huyện Đức Trọng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Xương, với diện tích 900m2

Khu nhà, đất mà bà Nam, bà Thành kiện đòi chia tài sản theo quy định pháp luật
Khu nhà, đất mà bà Nam, bà Thành kiện đòi chia tài sản theo quy định pháp luật.

Tháng 7/2010, cụ Xương đã làm hợp đồng tặng cho Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho con gái là bà Nông Thị Lục (hợp đồng được lập tại Văn phòng Công chứng Âu Lạc). Năm 2018, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho bà Nông Thị Lục với diện tích 896,30m2.

Tiếp đó, ngày 2/1/2019, bà Lục lập “Hợp đồng tặng cho Quyền sử dụng đất” khu đất nói trên cho chị Nông Thị Phương Thảo (hợp đồng được lập tại Văn phòng công chứng Nguyễn Đức Tuấn)… Việc tặng cho được thực hiện đúng quy định pháp luật và UBND huyện Đức Trọng đã đăng ký biến động đứng tên chị Thảo.

Bà Nam, bà Thành cho biết lý do khởi kiện là vì họ phát hiện bà Lục đứng tên trên các tài sản trên. Do tài sản trên là tài sản của cha mẹ để lại nên hai bà khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo quy định.

HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nam, bà Thành. Tòa xác định di sản thừa kế do cụ Nông Công Vy để lại có giá trị hơn 4,4 tỷ đồng (mỗi kỷ phần có giá trị hơn 739 triệu đồng).

HĐXX đã tuyên hủy các Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mà UBND huyện Đức Trọng đã cấp cho bà Nguyễn Thị Xương, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng cấp cho Nông Thị Lục; Hủy các hợp đồng cho tặng mà bà Xương đã ký cho tặng bà Lục; hợp đồng cho tặng mà bà Lục đã ký cho tặng bà Thảo.

TAND cũng tuyên cụ Xương, bà Nam, bà Thành được quyền quản lý, sở hữu, sử dụng căn nhà có diện tích 198,69m2 tọa lạc trên khu đất nói trên. Bà Nam, bà Thành có trách nhiệm liên đới thanh toán cho bà Lục số tiền hơn 741 triệu đồng.

 

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Nhận định về bản án, luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói: Việc bản án sơ thẩm hủy cả phần tặng cho đối với tài sản của bà Xương là không phù hợp. Trường hợp xác định di sản của cụ ông Nông Công Vy vẫn còn thời hạn chia thừa kế thì bà Xương vẫn có quyền định đoạt phần tài sản của bà trong khối tài sản chung với ông Vy. Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xem xét thực tế bà Lục (bị đơn) là người trực tiếp sinh sống, chăm sóc cụ Xương từ 1975 đến nay, chưa xem xét công sức gìn giữ, làm gia tăng giá trị của đất và tài sản trên đất là thiếu sót nghiêm trọng.

Không đồng ý với bản án của TAND tỉnh Lâm Đồng, ngày 1/9/2020, bà Lục đã nộp đơn kháng cáo và được TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận đơn. Bà Lục kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Đến ngày 14/12/2020, bà Lục tiếp tục có đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM thụ lý vụ án phúc thẩm của bà. Tuy nhiên, mới đây, ngày 4/2/2021, TAND  cấp cao tại TP.HCM đã có thư phản hồi rằng: “Qua kiểm tra thì hồ sơ vụ án nêu trên vẫn chưa chuyển lên TAND cấp cao tại TP.HCM theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, tính đến nay từ khi TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận đơn kháng cáo của bà Lục đã 6 tháng nhưng hồ sơ vụ việc vẫn chưa được chuyển đến TAND Cấp cao tại TP.HCM để tiếp tục xét xử phúc thẩm.

Luật sư Trương Hồng Điền cho biết, bà Lục đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án đến TAND tỉnh Lâm Đồng. Như vậy, bà Lục là người có quyền đã kháng cáo trong thời hạn luật định, không thuộc trường hợp bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo. Do đó, TAND tỉnh Lâm Đồng phải gửi hồ sơ kèm kháng cáo trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự. “Tuy nhiên, hơn 6 tháng kể từ ngày hết hạn kháng cáo, TAND tỉnh Lâm Đồng chưa gửi hồ sơ kèm kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng”, luật sư Điền nói.

Chúng tôi đã liên lạc với TAND tỉnh Lâm Đồng để hỏi về vấn đề "quên" chuyển hồ sơ, Phó Chánh án Thường trực TAND tỉnh Lâm Đồng Bùi Hữu Nhân cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra hồ sơ này và phản hồi bằng văn bản. Trách nhiệm thuộc cá nhân nào mà không thực hiện chuyển hồ sơ theo quy định thì chúng tôi sẽ xử lý".

Điểm đáng chú ý trong vụ việc này là trong thời gian bà Lục nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên thì đến ngày 21/12/2020, TAND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) lại “Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”. Người bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự là bà Nguyễn Thị Xương (SN: 1918), mẹ của nguyên đơn, bị đơn trong vụ án nói trên. Người yêu cầu giải quyết vụ việc nói trên là bà Nông Thị Nam, Nông Thị Thành – nguyên đơn trong vụ án.

 

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top