Tòa án nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã dựa vào những căn cứ chưa đủ thuyết phục để tuyên án trong vụ án dân sự sơ thẩm mà bà Tám là bị đơn, còn nguyên đơn là ông Trương Minh Đức.
Đây là vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất, sau khi TAND huyện Tân Châu xét xử sơ thẩm, tuyên án ông Trương Minh Đức thắng khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi những lý do mà TAND huyện Tân Châu đưa ra rất mơ hồ. Dư luận tại địa phương cũng rất bất ngờ bởi nhiều người không nghĩ TAND huyện Tân Châu lại tuyên án lạ lùng như vậy.
Theo tìm hiểu được biết, bà Trần Thị Tám có mua 2 thửa đất tại xã Tân Hà và xã Tân Hội huyện Tân Châu. Tất cả thủ tục sang nhượng giữa người mua và người bán đều hợp pháp, bà Tám là người duy nhất đứng ra mua chứ không có bất kỳ ai đứng tên chung. Huyện Tân Châu sau đó đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Tám vào năm 2008. Bà Tám đã sử dụng hai mảnh đất này để trồng cây.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ông Trương Minh Đức lại đưa đơn kiện lên TAND huyện Tân Châu yêu cầu bà Trần Thị Tám trả lại 2 thửa đất bà Tám đã mua giao lại cho ông. Ông Đức cho rằng 2 thửa đất bà Tám mua là của ông và bà Tám chỉ là người đứng tên dùm. Ông Đức đã cung cấp cho tòa án giấy biên nhận cho bà Tám đứng tên thay ông. Tuy nhiên, theo bà Tám đây là giấy biên nhận hoàn toàn không có thật. Chữ ký trong giấy biên nhận là của bà Tám. Bà Tám cho biết thêm, ông Đức đã ngụy tạo một cách khôn khéo, ma mãnh vào tờ giấy A4 có sẵn chữ ký của bà mà bà đã ký vào đó trong năm 2013 khi bà vắng nhà dài ngày, mục đích để con trai bà làm giấy xin phép nghỉ học khi cần vì chồng bà đã mất. Thể thức văn bản cũng rất bất thường, chữ rất nhỏ, rất khít biểu hiện sự căn ke khi viết theo ý của ông Đức cho phù hợp và đủ diện tích giấy đã bị khống chế bởi chữ ký đã có trước. Cần đặt ra câu hỏi là tại sao một tờ giấy biên nhận mà ông Đức lại phải viết căn ke, chữ li ti như vậy. Bà Tám và ông Đức là những người qua lại với nhau, ông Đức thường xuyên sang nhà bà Tám và khi nhìn thấy tờ giấy A4 ông đã nảy sinh ra ý định chiếm đoạt đất đai của bà Tám nên đã làm vậy. Hơn nữa, có điều rất mâu thuẫn với thực tế là trong quá trình giao dịch mua đất của bà Tám có những phát sinh nên đến ngày 12/4/2009 mới hoàn thành việc thanh toán tiền sang nhượng.
Vậy nhưng, giấy biên nhận ông Đức đã làm khống lạ ghi ngày 26/3/2009 khi đó chưa có giấy chứng nhận quyền xử dụng đất. Đó là điều hết sức phi lý. Thậm chí trên giấy biên nhận phía dưới ghi người làm chứng nhưng lại không có một người nào dám ký vì không có sự thật. Nhưng lại được tòa án làm căn cứ chính để xét xử.
Điều đáng nói là trong các hợp đồng sang nhượng, bà Tám đều chứng minh được nguồn gốc số tiền giao dịch, số tiền bà đã giao trực tiếp cho bên bán. Còn ông Trương Minh Đức lại không chứng minh được điều đó mà lại đi dựa vào một cái giấy biên nhận ngụy tạo để tranh chấp tài sản với bà Trần Thị Tám.
Vậy, dư luận đặt nghi vấn trọng vụ việc này có lợi ích nhóm hay không?./.