Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2013 | 9:55

Thạch Thất- Hà Nội: Không nộp tiền thì không đóng dấu

Là địa bàn được chọn làm thí điểm cho việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian gần đây UBND xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) khẩn trương tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, cứng hóa hệ thống kênh mương và vận động bà con tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng. Tuy nhiên, việc vận động đóng góp kinh phí xem chừng đang… tắc nên xã đã “dùng biện pháp mạnh”…“Như thế là... làm bậy”Trong số các biện pháp mạnh mà UBND xã Bình Yên áp dụng có một cách mà người dân buộc phải tham gia đóng góp. Đó là xã sẽ không đóng dấu xác nhận vào bất cứ loại văn bản giấy tờ nào nếu gia đình chưa chịu nộp khoản tiền 1 triệu đồng. Đây là khoản tiền được xác định dùng để chi cho công tác xây dựng NTM, nhưng cụ thể là xây dựng hạng mục nào, công trình nào thì người dân… mù tịt.

Cụ Tá đến nay vẫn bị xã nợ tiền công xây dựng kênh mương

Anh Nguyễn Văn Thu, trú tại thôn Đồi Sen, xã Bình Yên có con trai là em Nguyễn Sang (SN 1995) năm nay thi đại học. Trong những thủ tục dự tuyển có một yêu cầu bắt buộc là phải có giấy xác nhận của UBND xã về lý lịch, hoàn cảnh gia đình. Anh Thu bảo: “Tôi mang các loại giấy tờ lên xã để xin xác nhận, nhưng câu đầu tiên họ hỏi, gia đình đã nộp khoản tiền xây dựng NTM hay chưa?”. Vốn là người hiểu biết, anh Thu nắm rõ chủ trương xây dựng NTM có nêu rõ, mọi khoản đóng góp là do người dân tự nguyện. Tuy nhiên cán bộ xã cứ kiên quyết, chưa đóng tiền thì chưa đóng dấu, vì thế dù biết đây là việc làm không đúng nhưng anh vẫn phải cắn răng nộp tiền. “Thấy làm căng không xong, tôi buộc phải nộp số tiền 1 triệu đồng cho anh trưởng thôn, khi anh trưởng thôn ký xác nhận là gia đình đã hoàn thành việc đóng góp thì bấy giờ xã mới chịu đóng dấu vào hồ sơ đi học cho cháu. Như nhà tôi vẫn còn may, tôi biết có nhà làm căng xã vẫn đóng dấu cho, nhưng lại ghi rõ vào giấy tờ là: Gia đình không hoàn thành nghĩa vụ với địa phương. Anh bảo ghi như thế thì các cháu còn mặt mũi nào mà dám đi nộp hồ sơ nữa” – anh Thu than thở.

Cùng thôn với anh Thu còn có gia đình anh Nguyễn Đăng Thích. Từng làm Bí thư chi bộ thôn Đồi Sen, anh Thích nói thẳng: “Làm như thế này là “làm bậy”. Cả thôn tôi hiện có hơn 100 hộ, nhưng chắc cũng chỉ có độ 10 hộ đóng vì họ có công việc liên quan tới giấy tờ bắt buộc phải lên xã xin dấu. Có hai lý do chính cho việc người dân không mặn mà gì với việc đóng góp này. Thứ nhất là bởi người dân ở đây rất nghèo. Thứ 2 là họ cũng chẳng rõ số tiền mà họ phải nộp sẽ chi vào những việc gì?”. 


Công trình NTM dang dở của xã Bình Yên và những đống vật liệu bị bỏ lại ngoài đồng

Xót ruột nhìn của công phơi mưa nắng

Cụ Nguyễn Văn Tá (73 tuổi) bảo, chúng tôi được thông báo là xã sẽ xây dựng cho thôn Đồi Sen 2 con mương bê tông để tưới và tiêu nước. Nguồn vốn để thực hiện việc xây dựng NTM là của xã bỏ ra. Và để tạo điều kiện cho dân, xã còn thuê người dân trong thôn tham gia xây dựng với tiền công là 120 nghìn đồng/ngày. Nghe vậy người dân ở đây mừng lắm. Vừa có kênh tưới ruộng, lại được tạo công ăn việc làm. Bản thân tôi cũng tham gia công tác xây dựng với số ngày công là 12 ngày.

Thế nhưng con kênh mới chỉ làm được độ vài trăm mét thì chính quyền thông báo dừng vì hết vốn. Ngay cả tiền công của những người tham gia cũng bị… nợ. Cụ Tá tiếc rẻ: “Xã thông báo, hiện nay do thiếu vốn nên xã chỉ cho vật liệu, còn kinh phí thi công thì dân phải tự bỏ ra. 12 ngày công bây giờ tôi cũng chả biết đòi ai. Sau này khi nghe xã thông báo thu mỗi hộ 1 triệu đồng, chúng tôi bèn đề nghị trừ thẳng vào khoản xây mương mà xã còn nợ, nhưng họ không chịu. Bây giờ, kênh chẳng đâu vào đâu, sắt thép, xi măng, gạch đá còn thừa cả đống nằm phơi mưa phơi nắng ngoài đồng nhìn xót cả ruột”.

Anh Thu phải nộp đủ 1 triệu đồng mới xin được dấu vào hồ sơ cho con thi ĐH

Theo chỉ dẫn của cụ Tá, chúng tôi tìm tới căn chòi của ông Nguyễn Văn Phê, người được xã nhờ trông hộ xi măng, sắt thép ngoài ruộng. Lật tấm bạt phủ đống xi măng, ông Phê bảo: “Xi măng ngấm nước đóng thành cục  rồi. Thép bây giờ cũng han rỉ chỉ còn nước bán sắt vụn. Họ gửi ở đây rồi bỏ mặc chả thấy quan tâm gì. Đã mấy lần tôi báo lên xã và thôn để các vị ấy có biện pháp quản lý nhưng có ai đoái hoài đâu? Hai con kênh còn chưa xong 1 mà gạch đá đã rêu bám xanh rì. Bây giờ mấy thứ vật liệu này chỉ có bỏ đi mà thôi”. 

Chúng tôi đã tới UBND xã Bình Yên, nhưng khi được hỏi về những vấn đề này hầu hết cán bộ của xã đều từ chối trả lời và đề nghị phóng viên gặp Chủ tịch Lê Văn Mão. Tuy nhiên, khi tìm ông này thì chúng tôi được bộ phận văn phòng cho biết ông Mão đi họp vắng. Mặc dù chúng tôi đã liên lạc nhiều lần vào số di động nhưng ông Mão không nhấc máy.


Theo đề án xây dựng NTM, từ năm 2011-2015 xã Bình Yên cần phải có 238 tỷ đồng để hoàn thành 19 tiêu chí. Trong đó nhà nước hỗ trợ 200 tỷ, còn nguồn thu dự kiến huy động từ phía người dân trong xã là 38 tỷ đồng. Tính ra từ nay đến năm 2015 mỗi hộ dân trong xã phải đóng khoảng 15 triệu đồng. Nhưng với bài học là con kênh tưới tiêu dang dở tại thôn Đồi Sen thì không biết xã Bình Yên có cách nào để vận động được người dân nữa?

Nguyễn Long/ANTĐ

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top