Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm 2020 | 13:29

Thạch Thất: Sớm xử lý dứt điểm nhà xưởng trên đất nông nghiệp

Hàng chục kho, nhà xưởng được xây dựng trái phép trên hàng chục nghìn m2 như một cụm công nghiệp nhỏ tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội). Lãnh đạo địa phương không xử lý hay cố tình không xử lý?

Phản ánh của bạn đọc về tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội). Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), sử dụng đất sai mục đích diễn ra ở hầu hết các thôn xóm trên địa bàn xã gây bức xúc trong nhân dân.
 
Những vi phạm TTXD này không chỉ dừng lại ở các khu đất mặt đường quốc lộ mà lan rộng ra những cánh đồng, thu hẹp diện tích đất canh tác. Hàng nghìn m2 đất “bờ xôi, ruộng mật” với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận lợi cho canh tác đã được “hô biến” thành các nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh kiếm lời gây thất thoát thuế Nhà nước.
 
Họ tự mở đường, lập xưởng, xây kho trên diện tích lớn như một cụm công nghiệp nhỏ để thoải mái sản xuất, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay trước sự “dửng dưng” của các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất.
 
Thực tế tại thôn Miễu và các thôn khác đều có những dãy nhà xưởng kiên cố mọc giữa cánh đồng.
 
Trao đổi với vấn đề này với cơ quan báo chí, ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết: “Các công trình xây dựng trên không phải hoàn toàn xây dựng trên đất nông nghiệp mà có cả phần đất ở nên khó xử lý. Tất cả các trường hợp vi phạm trên đã được báo cáo UBND huyện Thạch Thất và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội”.
 
Được biết, thực hiện Thông báo kết luận số 2116/TB-UBND ngày 07/10/2019 của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất về công tác quả lý đất đai, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm đất đai, TTXD trên địa bàn xã Tiến Xuân. UBND xã Tiến Xuân đã có Báo cáo số 76/BC-UBND, ngày 23/10/2019 về công tác quản lý đất đai và xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn xã Tiến Xuân.
công-trình-xây-dựng-trái-phép-trên-hàng-nghìn-m2-đất-nông-nghiệp-đất-quân-đội-tại-xã-tiến-xuân.jpg
công trình xây dựng trái phép trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, đất quân đội tại xã Tiến Xuân (Nguồn: Vĩnh Phúc - Báo công lý & Xã hội).
Theo báo cáo, xã Tiến Xuân chỉ có 04 trường hợp vi phạm. Trong đó, phần diện tích đất quân đội do 2 đơn vị là Bộ Tư lệnh pháo binh, Bộ Tham mưu, trại sản xuất C5 và Tổng công ty Nhà ở và đô thị Bộ quốc phòng quản lý.
 
Ngày 18/10/2019, UBND xã Tiến Xuân đã làm việc với Bộ Tư lệnh pháo binh, Bộ Tham mưu, Trại tăng gia C5. Bộ Tư lệnh pháo binh cho biết không có chủ trương cho thuê đất quốc phòng hoặc sử dụng đất quốc phòng thuộc phạm vi đơn vị quản lý để liên doanh, liên kết làm kinh tế.
 
Trạm trộn bê tông đang hoạt động trên diện tích đất của Bộ Tư lệnh pháo binh được giao cho trại tăng gia C5 thuộc Bộ tham mưu trực tiếp quản lý. Bộ Tư lệnh pháo binh đã chỉ đạo trại C5 thanh lý hợp đồng yêu cầu Công ty Tân Mai tháo dỡ các công trình, trả lại nguyên trạng thửa đất.
 
Tuy nhiên, diện tích đất của trại tăng gia C5, Bộ Tư lệnh pháo binh không chỉ có trạm trộn bê tông chưa được xử lý dứt điểm mà còn hàng chục nghìn m2 đất đang được cho hàng chục công ty thuê làm kho, nhà xưởng như một cụm công nghiệp nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ nhưng không được UBND xã Tiến Xuân nhắc tới trong báo cáo.
 
Ngoài ra, tại xã Tiến Xuân còn hàng loạt công trình vi phạm TTXD không có trong báo cáo và chưa được xử lý theo quy định pháp luật gây bức xúc dư luận.
 
Dư luận hoài nghi đặt câu hỏi, phải chăng các công trình ngang nhiên tồn tại là sự thách thức pháp luật thể hiện sự buông lỏng quản lý hay bao che cho vi phạm của UBND xã Tiến Xuân và các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất?

Bắc Ninh: Dồn điền đổi thửa xong thi nhau xây biệt thự trên đất nông nghiệp

Theo phản ánh của ông Nguyễn Xuân Bờ (SN 1948), trú tại Đội 7, thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, gia đình ông có mảnh đất của 8 khẩu có diện tích hơn 1 mẫu tại Cánh Đồng Ngoài, Đội 7, thôn Đại Lâm, được cấp sổ đỏ từ năm 1999.

Đến năm 2013, thực hiện chủ trương của Nhà nước về dồn điền đối thửa, gia đình ông đã chấp hành nghiêm chỉnh. Lúc này ruộng lúa của gia đình ông được dồn về 1 khu nằm ở giữa Cánh Đồng Ngoài. Nhưng cũng kể từ đó, thửa ruộng nhà ông không còn đường vào, vì các hộ dân có đất phía ngoài đã san lấp và xây dựng nhà, khiến gia đình ông không còn lối đi.

Tin tưởng chính quyền xã sẽ giải quyết cho gia đình ông, thế nhưng đã gần 10 năm trôi qua, hơn 1 mẫu đất của gia đình ông vẫn không có đường vào. Những thửa ruộng xung quanh của các hộ dân ở phía ngoài đã làm nhà, đổ đất khiến thửa ruộng nhà ông ngập nước quanh năm, không khác gì ao tù nước đọng, không thể canh tác.

Nghiêm trọng hơn, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Cánh Đồng Ngoài, thuộc đội 7, thông Đại Lâm, xã Tam Đa, hiện nay có khoảng 100 hộ dân sau khi dồn điền đổi thửa về đây đã tiến hành san lấp, xây dựng nhà cửa trái phép trên đất nông nghiệp.

 

khu-dân-cư-mọc-trên-đất-dồn-điền-đổi-thửa.jpg
Khu dân cư mọc trên đất "dồn điền đổi thửa" (Nguồn: CHU LƯƠNG- NGUYỄN MINH - Báo Dân sinh)

Được biết, hiện nay tại khu vực này, ngoài một số hộ có đất ở phía trong thì gần như toàn bộ các hộ dân có đất ở phía ngoài đã tiến hành san lấp, xây biệt thự kiên cố.

Một người dân ở đây cho biết, tình trạng này đã tái diễn sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, các hộ dân được chia đất về đây canh tác thì đã tiến hành xây nhà ở.

Một cán bộ UBND huyện Yên Phong cho biết, việc này UBND huyện đã biết và đang chỉ đạo xử lý. Quan điểm của huyện là sẽ cho hợp thức hóa những vi phạm phù hợp với quy hoạch, còn nhưng sai phạm không phù hợp sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.

Đau đầu với tình trạng xây dựng trái phép

Hiện có hàng chục dự án đầu tư vào 2 KCN Đồng Xoài 1 và Đồng Xoài 2 và KCN Đồng Xoài 3, 4 đang triển khai thu hút đầu tư và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Điều đó kéo theo nhu cầu về nhà ở cho người lao động tăng cao khiến công trình trái phép nở rộ trên đất nông nghiệp, trong vùng quy hoạch…

Được biết, Khu du lịch hồ Suối Cam (phường Tân Phú) vốn có không gian thoáng đãng và mặt nước rộng đang bị “xẻ thịt” bởi nhiều nhà hàng, quán cà phê mọc lên. Lợi dụng sự buông lỏng của chính quyền địa phương, các chủ công trình nhà hàng như: Hương Phù Sa, Lũy Tre Xanh, Gà nướng Suối Cam... hoặc các quán cà phê có tiếng ở Đồng Xoài như Khúc Thụy Du, Môi trường Xanh... thi nhau xây dựng lấn chiếm lòng hồ. Ngay khu vực trường Tiểu học Tân Phú, một quán bar lớn cũng được xây dựng, hoạt động rầm rộ vào ban đêm. Và cũng tại phường Tân Phú, nhiều công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đang bị buộc phải ngưng lại chờ cấp phép, vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang, lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông.

Theo thống kê của UBND TP Đồng Xoài, từ 2016 - 2019 cơ quan chức năng đã xử phạt gần 16 tỷ đồng với 1.397 công trình xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm... và đang tồn tại nhiều hộ dân chưa nộp phạt với tổng số tiền lên đến 4,5 tỷ đồng. Đặc biệt, các dự án phân lô bán nền một cách tự phát, không theo quy hoạch diễn ra khá phổ biến làm cho việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư tự phát không đồng bộ, phá vỡ các quy hoạch đô thị Đồng Xoài.

Trước đó, tỉnh Bình Phước vốn rất kỳ vọng vào 2 dự án trọng điểm là Khu du lịch hồ Suối Cam (phường Tân Phú) và Khu đô thị mới công viên trung tâm Đồng Xoài (phường Tân Bình) nhưng đang gặp vướng mắc trong thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như khó khăn về vốn.

 

các-công-trình-xây-lén-lút-tránh-sự-kiểm-tra-giám-sát-của-cơ-quan-chức-năng-tại-phường-tân-phú.jpg
Các công trình xây lén lút, tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng tại phường Tân Phú  (Nguồn: Hoàng Bắc - SGGP)

Do thời gian triển khai các dự án kéo dài nên nhiều hộ dân “xé rào” sửa chữa, cải tạo công trình để làm nhà ở, phòng trọ cho thuê và các chủ công trình bảo nhau xây dựng trong đêm, tránh việc giám sát của cơ quan chức năng. Nếu như năm 2017, TP Đồng Xoài phát hiện 231 công trình vi phạm thì vào năm 2019 đã lên tới 442 trường hợp xây dựng trái phép tập trung ở các phường trung tâm như Tân Bình, Tân Đồng, Tân Xuân …

Việc xây dựng trái phép kiểu “trăm hoa đua nở” với nhiều dự án tự phát, nhỏ lẻ và manh mún, không có đánh giá tác động môi trường, kết nối giao thông… đang gây ra nhiều hệ lụy. Nổi cộm là vụ khu phố Tân Trà (phường Tân Bình) có 20 hộ dân liên tục “than trời” vì ngập cục bộ nhiều ngày do các chủ đầu tư san lấp mặt bằng làm dự án khiến nước mưa ứ đọng, buộc chính quyền địa phương phải rốt ráo xác minh ranh giới đất công, thu hồi làm hệ thống mương thoát nước.

Đại diện UBND TP Đồng Xoài cho biết, đang tập trung tuyên truyền phổ biến việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực xây dựng và quyết liệt cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm để răn đe, tránh tái diễn. Đặc biệt, sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND các phường, xã và công chức liên quan để xảy ra tình trạng các công trình trái phép tràn lan.

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top