Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 1 năm 2017 | 8:2

Tham góp ý kiến về hai khối phù điêu ở Quảng trường Võ Nguyên Giáp

LTS. Từ ngày 19/12/2016 đến 5/1/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức trưng cầu ý kiến các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà chuyên môn, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về nội dung và hình thức nghệ thuật phác thảo bức phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Việc làm này thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành phần, đối tượng nhân dân.

Dưới góc nhìn chuyên môn của giới họa sĩ, hai khối phù điêu này còn nhiều điều cần bàn. VNTN trân trọng giới thiệu ý kiến của họa sĩ Gia Bảy, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.  

>> Thay đổi kích thước trưng cầu, chủ đầu tư “lừa” thị giác người xem?!

>> Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

>> Đội vốn “khủng”, phù điêu quảng trường Thái Nguyên chưa thể thi công

Nhận sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đề nghị một số anh em trong Chi hội Mỹ thuật đến quảng trường để xem xét, đóng góp ý kiến cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (VH,TT&DL) về nội dung và hình thức nghệ thuật phác thảo bức phù điêu, chúng tôi gấp gáp tập hợp nhau và liên hệ với cán bộ Sở để thực hiện nhiệm vụ. 

Chiều 22/12/2016, chúng tôi tập trung tại nơi thi công Quảng trường Võ Nguyên Giáp theo lời hẹn của cán bộ Sở VH, TT&DL. Công trường đang thi công ngổn ngang, không gặp được vị cán bộ Sở như đã hẹn mà chỉ có nhân viên Sở đang trực tại đây. Sau khi biết chúng tôi đến làm nhiệm vụ của Hội VHNT tỉnh giao góp ý phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”, họ đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ góp ý. Trong phần nội dung tổ chức trưng cầu ý kiến có nói đến việc cán bộ Sở VH, TT&DL sẽ trực tiếp giới thiệu, thuyết minh về hình thức và nội dung nghệ thuật của phác thảo bức phù điêu để lấy ý kiến đóng góp. Bố trí lịch mời các đại biểu và nhân dân đến xem phác thảo bức phù điêu; xin ý kiến góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản của các đại biểu; xin ý kiến nhân dân thông qua hòm thư góp ý được bố trí tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp; tổng hợp kết quả trưng cầu ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng phù điêu theo quy định. Nhưng đến đây, hỏi tác giả làm phác thảo phù điêu, người cán bộ Sở đang trực nói không biết (?). Không một lời giới thiệu, không thuyết minh, khiến chúng tôi thấy thất vọng về cách thức tổ chức có phần “lỏng lẻo” này.
Dành thời gian đi sâu vào phía trong công trình xem xét, thì quả thật, nhìn hai khối phác thảo phù điêu in giấy ốp lên khung giàn giáo (tạo hình như thật) đứng lừng lững trước mặt, lùi xa mới xem được toàn cảnh. Nhìn tổng thể nội dung thì thấy rất ý nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tỉnh Thái Nguyên, nhằm tri ân, thể hiện lòng thành kính đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếc rằng ý tưởng hay là vậy mà hình ảnh và kết cấu từ dáng người đến cảnh vật thì còn quá “non”. Cụ thể: có dáng người tỷ lệ không cân đối, đầu to, thân mình nhỏ như trẻ con. Cây cối có nhiều loại nhưng chưa thật ăn nhập với nhân vật. Chẳng hạn như khối phù điêu bên trái, có cây gì giống cây mít quả to tròn lừng lững bằng đầu người thật, mà thân cây cũng chỉ cao hơn thân người một chút. Cây cọ thì “biến dạng” đến nỗi lúc đầu ai cũng nghĩ đây là cây khoai nước. Thấy vô lý quá, phải suy diễn mãi mới nhận ra đây chính là cây cọ mà tác giả muốn diễn đạt. Quan sát hết bốn mặt khối phù điêu, vì quá lớn nên khá vất vả mới nhìn được mặt sau. Khoảng cách từ vị trí đứng tới phù điêu chỉ chừng mười ba thước, trong khi đó kích thước của phù điêu có chiều cao 12 mét và 40 mét dài. Mặt sau cũng vậy, dáng người thô, bần, lớp trước lớp sau không rõ ràng. 

Qua một số thông tin ngoài lề, được biết phác thảo này đã có hội đồng nghệ thuật chấm chọn trong một cuộc thi cách đây cỡ hai năm. Mà cuộc thi tổ chức từ lúc nào, sao các họa sĩ Thái Nguyên không ai hay biết? Điều này quả thực khiến nhóm họa sĩ chúng tôi khi tham quan công trường cảm thấy rất băn khoăn.  

Xem trên thực tế và trong bản thiết kế thấy rất khác nhau. Hai khối phù điêu này có kích thước quá lớn, khập khiễng so với toàn cảnh. Không phải người trong giới chuyên môn cũng dễ dàng nhận thấy sự khập khiễng thiếu ăn nhập này. Anh em họa sĩ của Hội có mặt hôm ấy đều nhìn nhau mà lắc đầu. 

Toàn cảnh bản thiết kế quảng trường Võ Nguyên Giáp

Theo lời ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên; Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tư vấn kiến trúc TAC: Kích thước của phù điêu trong 3 phương án tác giả đề xuất có kích thước lớn so với quy mô chung của quảng trường, khó đảm bảo tính thẩm mỹ. Tại quảng trường dự kiến sẽ đắp giả sơn (chiều cao tối đa là 10m), do vậy khó quan sát phù điêu khi đứng từ phía bờ sông Cầu.

Đến để góp ý, chúng tôi có nhiều điều muốn chia sẻ ngay bằng lời, nhưng chẳng thấy ai chịu trách nhiệm việc tiếp thu này, đành ra về với những băn khoăn. Thiết nghĩ, cơ quan chủ quản trước khi thực thi công việc nên lắng nghe và thống nhất quy cách thiết kế. Dẫu sao cũng phải đảm bảo không gian chung của toàn bộ Quảng trường. Việc tham gia góp ý không thể làm theo kiểu “hòm thư góp ý” như ở một số cơ quan, mà cần tổ chức hội thảo bàn tròn có mặt ít nhất ba thành phần: tác giả - người thi công và các nhà chuyên môn. Và với mục tiêu xây dựng Quảng trường phục vụ đồng bào, cũng nên lắng nghe, chọn lọc ý kiến đồng bào.

Theo Gia Bảy/vannghethainguyen.vn

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top