Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 10 năm 2014 | 9:31

Thanh Hóa: Bát nháo khai thác tài nguyên trái phép

KTNT - Trong khi huyện Quan Sơn chưa quy hoạch bãi tập kết cát dọc sông Lò (huyện Quan Sơn) thì hàng ngày xe tải, máy múc đua nhau khai thác, tập kết cát trái phép. Những mỏ đá hết hạn vẫn được các chủ mỏ ngang nhiên khai thác bất chấp lệnh “đóng cửa mỏ” của Chủ tịch UBND tỉnh. Thực trạng trên diễn ra từ lâu nhưng dường như chính quyền sở tại không có biện pháp nào giải quyết triệt để.

 Bãi múc cát trực tiếp của hộ gia đình anh Châu tại bản Păng, xã Sơn Lư.
 
Nhộn nhịp bãi khai thác cát, đá trái phép
 
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm khối cát, đá trên địa bàn huyện Quan Sơn bị lấy đi mà không bị các cơ quan nào của huyện xử lý. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện, xã, nhân dân đã phản ánh nhiều nhưng dường như chính quyền chưa có biện pháp xử lý triệt để. Dư luận đặt ra câu hỏi: có hay không chính quyền sở tại “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp tự tung tự tác như thế?.
 
Theo phản ánh của nhân dân nơi đây, dọc sông Lò có hàng chục bãi tập kết và khai thác cát trái phép; rồi các mỏ đá dù hết hạn vẫn được các doanh nghiệp khai thác triệt để. Việc “đào sông”, “khoét núi” hàng ngày lấy đi hằng trăm khối cát, đá trên địa bàn huyện, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên và để lại những hệ lụy khôn lường.
 
Đi dọc sông Lò, điểm đầu tiên chúng tôi chứng kiến là bãi tập kết cát tại khu 3 (thị trấn Quan Sơn) của gia đình anh Phương Hà nằm chình ình như thách thức dư luận. Dù chỉ cách UBND huyện Quan Sơn chừng 1km nhưng bãi tập kết này tồn tại trong một thời gian khá dài mà không bị chính quyền sở tại xử lý, trong khi máy múc, ô tô tải hoạt động hết công suất. Theo quan sát của chúng tôi, hàng ngày khối lượng cát bị lấy đi khá lớn. Đặc biệt, các bãi tập kết này gần bờ sông Lò, gần khu dân cư nên có nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường và cản trở dòng chảy của dòng sông.
 
Cũng cách đó chừng 2km là bãi tập kết khác cũng hoạt động khá lâu. Đó là bãi khai thác cát thuộc bản Păng, xã Sơn Lư của hộ  anh Lữ Văn Châu, Trưởng Công an xã Sơn Lư. Khác với cách làm của gia đình anh Phương Hà, khi khách hàng có nhu cầu sử dụng cát anh Châu mới cho máy múc trực tiếp dưới sông lên xe ô tô loại 3 chân đem bán phục vụ các công trình. Theo chủ bãi cát thì gia đình anh chỉ lấy cát phục vụ nhỏ lẻ, mua gom cát nhưng hằng năm cũng ủng hộ một ít tiền cho xã để xây dựng nông thôn mới, và nộp thuế về huyện. Biết là sai nhưng do nhu cầu của nhân dân quá lớn, mặt khác lợi nhuận thu về từ việc bán cát cao nên bất chấp pháp luật để làm trong khi là trưởng công an xã.
 
Đi dọc Quốc lộ 217 hướng đi xã Na Mèo, tại bản Bon (xã Sơn Lư) là mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu thông thường của Doanh nghiệp Tiến Loan, được UBND tỉnh cấp phép mỏ năm 2012, dù đã hết hạn từ tháng 8/2014. UBND tỉnh đã có công văn về việc tạm dừng việc khai thác các mỏ đá đã hết hạn trước ngày 30/6/2014 và không gia hạn thêm cho các mỏ đá đã hết hạn. Đồng thời yêu cầu làm mới toàn bộ hồ sơ cấp mỏ khai thác theo Luật Khoáng sản mới. Nhưng đến thời điểm này, Doanh nghiệp Tiến Loan vẫn ngang nhiên khai thác, chế biến đá tại khu vực mỏ của mình mà không bị các cơ quan chức năng nào sờ gáy.

 Mỏ khai thác, chế biến đá vôi trái phép của Doanh nghiệp Tiến Loan.

Chính quyền bất lực?

Suốt thời gian dài, các bãi cát trái phép đã mang lại lợi nhuận lớn cho các ông chủ và những mỏ đá hết hạn vẫn được doanh nghiệp tận dụng từng ngày khai thác đang dần thể hiện sự buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Quan Sơn. Có hay không việc chính quyền tiếp tay cho sai phạm?

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Lư, cho biết: “Bãi khai thác của gia đình anh Châu hoạt động khá lâu. Một mặt anh Châu là Trưởng công an xã nên anh em còn chút nể nang. Xã cũng  nhiều lần nhắc nhở gia đình anh Châu thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng đâu cũng vào đó. Còn đối với mỏ đá vôi của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Loan thì UBND xã nhiều lần lập biên bản xử phạt, yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác để hoàn thành thủ tục hồ sơ khai thác mỏ đá vôi. Mỗi lần chúng tôi cho đoàn xuống kiểm tra đều không phát hiện sai phạm”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi cho xem những hình ảnh ghi lại được tại khu vực mỏ thì ông Hiệp mới chịu nhận sự buông lỏng quản lý của địa phương.

Đấy là những bãi cát ở gần trung tâm huyện, đi dọc sông Lò có tới hàng chục bãi tập kết cát và bãi khai thác cát trái phép mà dường như không bị... tuýt còi. Các doanh nghiệp vẫn hàng ngày tận thu tài nguyên thiên nhiên mà không phải đóng khoản thuế nào cho Nhà nước.

 Ông Bùi Khắc Cảnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường trong buổi trao đổi với PV (áo xanh bên trái).
 
Ông Bùi Khắc Cảnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn, cho biết: “Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 10 bãi tập kết cát dọc tuyến sông Lò. Với địa bàn rộng, người ít nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Còn đối với Doanh nghiệp Tiến Loan, nhiều lần cũng đã yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác chờ gia hạn của UBND tỉnh nhưng dừng được thời gian rồi đâu lại vào đó. Doanh nghiệp vẫn ngang nhiên khai thác, chế biến do nhu cầu của nhân dân quá lớn, lợi nhuận lại cao. Chúng tôi cảm thấy bất lực với những chiêu trò khai thác của các doanh nghiệp?".

Với cách trả lời của chính quyền xã Sơn Lư, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền đang bật “đèn xanh” cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép?

Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng trên, tránh lãng phí tài nguyên, ổn định an ninh trật tự và trả lại môi trường trong sạch trên địa bàn huyện Quan Sơn.
                                                                                     
Như Quỳnh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top