Theo sổ mục kê, diện tích đất của gia đình bà Nhị giáp ranh với hai thửa đất của ông Nghị và ông Vị. Tuy nhiên, chính quyền xã lại cấp không cho gia đình ông Mai Văn Hải một suất đất khiến gia đình bà Nhị vô cùng bức xúc.
Bà Nhị bức xúc trước việc gia đình ông Hải xây dựng nhà.
Đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Nhị, trú ở thôn 1, Yên Phú, xã Hà Tiến (Hà Trung - Thanh Hóa) phản ánh về việc thửa đất của gia đình bà bị UBND xã Hà Tiến (cụ thể là địa chính xã) cấp cho người khác khiến bà vô cùng bức xúc.
Theo đó, gia đình bà Nhị có hai suất đất ở cùng một thửa số 80, tờ bản đồ số 10, trang 64. Phía Đông giáp ranh nhà ông Mai Duy Vị, thửa số 79; phía Tây giáp ranh nhà ông Lê Văn Nghị, thửa số 81.
Năm 1990, gia đình bà được một suất đất san hộ, cùng một suất đất mua lại của bố chồng bà là Mai Văn Đôn. Trong thời kỳ đó, bà Nhị đã nộp tiền cho UBND xã Hà Tiến hai suất đất ở cùng thửa số 80, trị giá 150.000 đồng. Cụ thể là nộp cho cán bộ xã lúc bấy giờ là ông Mai Đức Bon và người đo đất là ông Tạ Hiền (cán bộ địa chính xã Hà Tiến). Đồng thời, gia đình bà cũng nộp tiền thuế đất hàng năm đầy đủ.
Sau khi mua thửa đất trên, năm 1991, lũ lụt đến, nước ngập tràn đê, khiến gia đình bà Nhị cũng bị ngập, mọi giấy tờ liên quan đến diện tích đất trên của bà Nhị đều bị nước lũ cuốn trôi. Cuộc sống khó khăn, gia đình bà Nhị lại chuyển vào Nam làm ăn. Thấy gia đình bà Nhị đi làm ăn xa, ở nhà lại có khu đất trống không ai ở, gia đình ông Hải cho xe chở đất đá đổ vào thửa đất trên. Năm 2011, gia đình bà Nhị trở về thửa đất trên ở thì thấy gia đình ông Hải đã sở hữu một suất. Thấy vô lý, bà Nhị yêu cầu ông Hải xuống UBND xã Hà Tiến giải quyết nhưng ông Hải không đi còn cho rằng suất đất trên là gia đình ông mua.
Năm 2012, UBND xã Hà Tiến mời các hộ dân làm giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, gia đình bà Nhị không nhận được giấy mời. “Vợ chồng tôi có xuống UBND xã Hà Tiến gặp ông Mai Văn Cứ là cán bộ địa chính xã, thắc mắc tại sao nhà tôi không có giấy mời thì được trả lời: nên mời cả ông Hải đến nói chuyện và chuyển nhượng một suất đất cho gia đình ông Hải để làm sổ đỏ cho nhanh (?!). Sau khi ông Cứ trả lời, tôi vô cùng ngạc nhiên. Tại sao đất ở của gia đình tôi mà lại phải chuyển nhượng cho người khác”, bà Nhị bức xúc.
Thời gian gần đây, phía gia đình ông Hải bất chấp sự can ngăn của gia đình bà Nhị, đổ đá lên thửa đất để dựng móng, làm nhà, mặc dù gia đình ông Hải vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Đồng thời, sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết nhưng gia đình ông Hải vẫn tiến hành xây nhà kiên cố.
Thấy hành động của nhà ông Hải vô cùng phi lý, gia đình bà Nhị đã báo cáo lên UBND xã Hà Tiến nhiều lần. Tuy nhiên, phía UBND xã không có động thái can thiệp mạnh mẽ mà vẫn để cho gia đình ông Hải xây dựng nhà ở.
Liên quan đến vấn đề trên, gia đình bà Nhị có xuống UBND xã đề nghị địa chính cho xem sổ mục kê đất và các giấy tờ có liên quan thì cán bộ không cho xem sổ sách giấy tờ năm 1990 mà chỉ cho xem năm 1997. “Tôi đã nhiều lần xuống hỏi ông Cứ, cán bộ địa chính xã nhưng ông này không cho xem các giấy tờ liên quan đến diện tích đất nhà tôi. Thậm chí, ông ấy còn bảo gia đình tôi không có tên mà chỉ có gia đình ông Hải có tên trong hồ sơ địa chính. Trong khi đó tôi xuống huyện, lên tỉnh sao chép lại tất cả hồ sơ thì không có tên nhà ông Hải”, bà Nhị cho biết thêm.
Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã liên hệ làm việc với ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến. Tuy nhiên, ông Được cho biết ông mới nhận nhiệm vụ nên không nắm rõ cụ thể vụ việc. Đồng thời cán bộ cũng đang lo việc cưới xin cho con nên phải sang tuần mới có lịch làm việc cụ thể.
Mặc dù đã có lời hẹn làm việc của vị chủ tịch xã, nhưng qua nhiều lần liên hệ, số điện thoại mà ông cung cấp luôn trong tình trạng “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc.
Hữu Chí
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.