Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2016 | 5:59

Thanh Hóa: Chủ tịch UBND xã mượn hồ sơ để rút tiền ngân sách

Để lấy tiền hỗ trợ đường giao thông nội đồng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) đã hợp thức bằng cách lấy hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo kinh tế - kỹ thuật (gọi tắt là hồ sơ thiết kế) của Công ty Đại Lộc rút gần 1 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói là, gần một nửa số tiền này đã bị ông Tám chi vô tội vạ khiến người dân bức xúc.

>> Vụ Chủ tịch UBND xã mượn hồ sơ để rút tiền ngân sách: Kiểm tra dấu hiệu vi phạm

Theo hợp đồng ký giữa UBND xã Cầu Lộc và Công ty Đại Lộc thì cuối tháng 6/2013 hai bên đã phải thanh lý và chấm dứt hợp đồng.

Mượn hồ sơ để rút tiền ngân sách

Sự việc được ông Nguyễn Trọng Lược ở thôn Cầu Thọ (Cầu Lộc) phản ánh tới Báo Kinh tế nông thôn. Qua xác minh thấy những nội dung ông Lược phản ánh hoàn toàn có cơ sở, sai phạm đã rõ nhưng ông Tám và các cán bộ có liên quan vẫn chưa bị xử lý theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 25/2/2013, UBND xã Cầu Lộc và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Đại Lộc (Công ty Đại Lộc)  ký Hợp đồng kinh tế về lập hồ sơ thiết kế 6 tuyến đường giao thông nội đồng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao cho UBND xã Cầu Lộc với tổng giá trị (tạm tính) là 317 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 26/2/2013 đến 15/4/2013. Thanh lý hợp đồng phải được thực hiện trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng.

Không hiểu vì lý do gì hơn 3 năm sau, ông Tám lại chi 269 triệu cho Công ty Đại Lộc.

Sau khi hồ sơ thiết kế 6 tuyến đường được Công ty Đại Lộc làm xong, dự toán kinh phí lên tới cả chục tỷ đồng, mức quá cao, vượt sức của người dân. Để giảm chi phí, UBND xã Cầu Lộc và các làng họp bàn đi đến thống nhất không sử dụng và thực hiện theo hồ sơ thiết kế của Công ty Đại Lộc mà để các làng tự lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán và tự thi công. Trong tất cả các hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán đều được UBND xã, mà trực tiếp ông Tám ký, duyệt thì các làng mới được thực hiện. Kinh phí thực hiện được nhân dân các thôn trong làng đóng 50.000 đồng/sào/vụ, trong 6 vụ.

Trong 3 năm (2013-2015), người dân 3 làng Cầu Thôn, Đông Thôn và Thiều Xá  đóng góp được gần 2 tỷ đồng, 5/6 tuyến đường được hoàn thành với tổng chiều dài 4,193km. Điều đáng nói là, hồ sơ dự toán của các làng tự làm và của Công ty Đại Lộc có sự chênh quá lớn về số tiền. Ví dụ: đường Đông Tiến dài 693m, theo dự toán của làng, chi phí chỉ hết hơn 319 triệu đồng; còn theo Công ty Đại Lộc, tuyến đường dài thêm 8m nhưng tổng kinh phí lên tới hơn 1,42 tỷ đồng. Hay tuyến đường bà Xòe - ông Tám dài 704m, làng dự toán hết hơn 326 triệu đồng nhưng dự toán của Công ty Đại Lộc lên tới tới hơn 1,5 tỷ đồng với chiều dài 738m.

Đường làm xong, ngày 10/3/2015, ông Đỗ Văn Tám có tờ trình theo hồ sơ thiết kế cách đây 3 năm của Công ty Đại Lộc gửi  huyện Hậu Lộc xin hỗ trợ kinh phí. Ngày 20/4/2015, liên phòng Nông nghiệp và PTNT,  Tài chính - Kế hoạch đi kiểm tra và có đề nghị UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ cho UBND xã Cầu Lộc với số tiền  775,88 triệu đồng.

Danh sách các khoản chi do ông Tám ghi lại cho thấy 334 triệu đồng đã không đến được với người dân, trong đó có 23 triệu đồng chi cho Phòng Nông nghiệp huyện.

Ngày 4/6/2015, UBND huyện Hậu Lộc có quyết định giao bổ sung dự toán chi ngân sách địa phương năm 2015, trong đó xã Cầu Lộc được cấp 775,88 triệu đồng. Có tiền trong tay, ông Tám đối chiếu công nợ và thanh toán hợp đồng cho Công ty Đại Lộc đã ký cách đây 3 năm với số tiền là gần 270 triệu đồng và nhiều khoản chi phí khác khiến người dân bức xúc.

Có thể khẳng định, việc ông Đỗ Văn Tám lấy hồ sơ thiết kế của Công ty Đại Lộc để xin hỗ trợ là hoàn toàn sai nếu không nói đây là hồ sơ giả. Thứ nhất, hồ sơ dự toán, hồ sơ thiết kế 5 tuyến đường đều do các làng tự làm, không liên quan gì đến Công ty Đại Lộc. Thứ 2, theo hợp đồng ký giữa UBND xã Cầu Lộc và Công ty Đại Lộc thì hợp đồng này đã thanh lý và chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 6/2013. Do vậy, việc ông Tám chi 270 triệu đồng tiền lập dự toán thiết kế cho Công ty Đại Lộc là không đúng.

Trong tất cả các báo cáo của UBND xã Cầu Lộc đều khẳng định, chiều dài  5 tuyến đường là 4,193km, trong khi làm tờ trình gửi huyện, ông Tám khai lên 4,564km. Khó hiểu hơn, liên phòng Nông nghiệp và PTNT, Tài chính - Kế hoạch về kiểm tra nhưng không phát hiện ra?!

Trong tất cả các báo cáo của UBND xã Cầu Lộc đều khẳng định chiều dài của 5 tuyến đường là 4,193km.

Biết sai vẫn làm?

Ông Đỗ Văn Hải, Chủ tịch MTTQ xã  Cầu Lộc, cho biết, ngày 28/8/2015, tại hội nghị thống nhất chi trả tiền hỗ trợ cho các làng, ông Tám đọc công khai các khoản chi gồm: lập dự toán thiết kế gần 270 triệu đồng (5 tuyến), thẩm định 25 triệu đồng, Phòng Nông nghiệp 23 triệu đồng, Kho bạc 20 triệu đồng..., tổng chi  335 triệu đồng, số còn tiền còn lại mới chia về cho các làng.

Ông Hải tâm sự, trong lúc người dân còn khó khăn, Nhà nước hỗ trợ được ít kinh phí thì một nửa trong số đó không đến được với dân, xã đã không thực hiện đúng theo chủ trương hỗ trợ của Nhà nước. Việc làm này gây mất lòng tin trong nhân dân, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.

Thật khó hiểu liên phòng Nông nghiệp và PTNT, Tài chính – Kế hoạch về kiểm tra  nhưng không phát hiện ra?!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư thôn Cầu Thọ, Trưởng ban kiến thiết làng Cầu Thôn, cho biết: “Làng làm được 704m đường giao thông nội đồng, theo quy định sẽ được nhận 119 triệu đồng, khi tôi ra ký nhận tiền, kế toán và ông Tám bắt ký 130 triệu đồng nhưng thực tế tôi chỉ nhận được 68 triệu đồng. Ông Tám dọa, nếu không ký sẽ không được nhận tiền. Tôi phân vân, nếu ký thì tiếp tay cho tham nhũng, còn không ký thì có tội với dân, chỉ có chữ ký của tôi mà người dân mất 68 triệu đồng, cuối cùng tôi đành phải ký”.

Giải thích về việc hồ sơ dự toán, hồ sơ thiết kế 5 tuyến đường đều do các làng tự làm nhưng khi trình xin hỗ trợ xã lại lấy theo hồ sơ thiết kế của Công ty Đại Lộc, ông Đỗ Văn Tám thừa nhận, đúng là đường các làng tự làm, xã đã trình hồ sơ các thôn lên huyện nhưng không được hỗ trợ vì không có tính pháp lý. Do vậy, xã phải lấy hồ sơ của Công ty Đại Lộc mới rút được tiền hỗ trợ. Đây có lẽ là khe hở để “quan tham” lợi dụng!

Trao đổi về các khoản chi, ông Tám cho biết, tổng số 775,880 triệu đồng xã đã chi 269,275 triệu đồng cho tư vấn; thẩm tra 22 triệu đồng; Phòng Nông nghiệp 23 triệu đồng; chi khác 20,5 triệu đồng; còn lại 441.105.000 đồng xã chia lại cho các làng.

Về việc chi 23 triệu đồng cho Phòng Nông nghiệp, ông Tám giải thích, đây là tiền phí, tiền giấy tờ, xã nào cũng phải làm như vậy. Khi hỏi hóa đơn, chứng từ, ông Tám cho biết, đưa tiền mặt cho phòng nên không có.

Ông Tám thừa nhận hồ sơ dự toán, hồ sơ thiết kế 5 tuyến đường đều do các làng tự làm nhưng phải lấy hồ sơ thiết kê của Công ty Đại Lộc mới rút được tiền hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, xã Cầu Lộc lập hồ sơ xin hỗ trợ còn chưa đúng. Trên thực tế, đường là do thôn tự làm, nếu để hồ sơ của thôn thì không thể ra quyết định hỗ trợ được. Theo quy định,  huyện chỉ hỗ trợ hồ sơ có thiết kế, được thẩm định, được phê duyệt. Do vậy, muốn được hỗ trợ phải thông qua hồ sơ của Công ty Đại Lộc. Tới đây, huyện sẽ giao cho các phòng chuyên môn kiểm tra và sẽ làm việc lại với phóng viên.

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có hay không việc UBND xã Cầu Lộc, Công ty Đại Lộc, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Kho bạc huyện thống nhất “ngầm” mượn hồ sơ để rút gần 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ, sau đó trích lại phần trăm cho nhau? Đồng thời xác định mức độ sai phạm, từ đó có hướng xử lý các cá nhân, tập thể liên quan.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hoàng Văn - Như Quỳnh

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top