Thời gian qua, người dân thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc – Thanh Hoá) vô cùng bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở tái chế và chế biến mủ cao su của hộ bà Nguyễn Thị Hằng gây ra. Đã nhiều lần người dân có kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương và ngành chức năng nhưng sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Xưởng sản xuất tuy nhỏ nhưng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Chưa đủ thủ tục vẫn ngang nhiên hoạt động
Tại thực địa chúng tôi quan sát, khu xưởng chỉ rộng khoảng 500m2 nhưng bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Nước thải đen kịt và nguyên liệu thừa rơi vãi, chảy lênh láng khắp nơi. Trong xưởng có 2 chiếc máy dùng để đóng mủ thành từng bánh, sản phẩm này được các thương lái chuyển sang Nghệ An. Cách khu sản xuất chừng vài mét là hệ thống xử lý nước thải thô sơ mới được xây dựng nhưng vẫn không xử lý được mùi hôi thối. Đặc biệt, khu xưởng này nằm trong khu dân cư, đất chưa được chuyển đổi nhưng chủ xưởng vẫn ngang nhiên hoạt động. Một người dân sống gần khu xưởng cho biết: “Từ khi xưởng này đi vào hoạt động, chúng tôi phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm”.
Ông Vũ Văn Trọng, cán bộ địa chính xã Ngọc Trung cho biết: “Khu đất này đứng tên ông Lưu Xuân Lợi, là loại đất ở và đất làm vườn nhưng đã có văn bản viết tay chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hằng, một phần khu đất nằm trong dự án kênh tưới nước của tỉnh nên mọi thủ tục mua bán của khu đất vẫn chưa xong, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng”.
Chưa xử lý triệt để
Cơ sở sản xuất này chưa đủ thủ tục và đảm bảo các yếu tố để sản xuất nhưng vẫn hoạt động một cách công khai. Cho dù xã đã nhiều lần lập biên bản nhưng cơ sở vẫn sản xuất bình thường, mức độ ô nhiễm không khí và nguồn nước ngày càng trầm trọng. Người dân đã nhiều lần đề nghị xã, rồi xã báo cáo huyện, huyện về kiểm tra lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ nhưng xưởng vẫn hoạt động. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền và ngành chức năng đang bao che cho cơ sở này hoạt động?
Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Trung phân trần: “Do gia đình bà Hằng không báo cáo xã về việc sản xuất kinh doanh nên khi người dân phản ánh, chúng tôi xuống kiểm tra thì xưởng đã đi vào hoạt động, việc xử lý rất khó khăn mặc dù chúng tôi cũng đã lập biên bản nhiều lần”.
Khi phóng viên liên hệ làm việc với ông Phạm Hùng Thư, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc thì ông Thư khẳng định: “Sự việc đã được giải quyết xong, bây giờ tôi đang bận họp” rồi tắt máy.
Ông Nguyễn Ngọc Lương trong buổi trao đổi với phóng viên.
Khu xử lý nước thải thô sơ không xử lý được mùi hôi thối.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm sự việc trên.
Như Quỳnh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.