Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2011 | 10:14

Thanh Hóa: Gỗ chất đống trong BQL rừng không rõ nguồn gốc?

KTNT- Thời gian gần đây, nhiều người bức xúc về việc lợi dụng chính sách chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) để… phá rừng, thì một sự thật đau lòng lại đang hiện hữu tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng (BQLRPHSC), có hàng trăm khối gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ đang chất đống trong khuôn viên của BQL.

Gỗ không nguồn gốc chất cao như núi?

Trước những thông tin phản ánh về việc BQLRPHSC hiện đang tích trữ nhiều loại gỗ quý, hiếm tại khuôn viên, nhà ở của cán bộ cũng như một số lượng lâm sản khác đang có nguy cơ bị hư hại nằm phơi sương, phơi nắng tại khuôn viên của BQL.

Gỗ chất đống trong BQLRPHSC

Để kiểm chứng sự việc trên, chúng tôi đã có mặt tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), nơi đặt “đại bản doanh” của BQLRPHSC. Tại đây, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, thậm chí không thể tin vào mắt mình, khi trước mắt chúng tôi là những khúc gỗ to, có đường kính lên đến cả mét nằm ngổn ngang khắp khu vực phía trước sân nhà ở của cán bộ. Gỗ được chất thành từng đống lớn, nằm dọc sát bờ tường của khu nhà ở dành riêng cho cán bộ mà không hề có dấu búa của Kiểm Lâm.

Đi vòng ra phía sau 2 dãy nhà ở của BQL, có rất nhiều đống gỗ chấn đống lâu ngày đã bị cây dại bủa vây kín, thậm chí có một số lượng lớn gỗ lên đến vài chục khối đã mục nát, hư hỏng theo thời gian. Tiếp tục đi sâu vào bên trong, một đại công trường gỗ hiện ra trước mắt chúng tôi, có nhiều khúc gỗ vừa mới được xẻ xong đang còn khét lẹt mùi mùn cưa. Đặc biệt tại đây có một ngôi nhà hoang được gắn dòng chữ “Không phận sự miễn vào” được che chắn bạt ở phía ngoài hết sức cẩn thận, cửa được khóa chắc chắn.

Đột kích khu nhà trên, chúng tôi thực sự bị choáng khi toàn bộ ngôi nhà ấy được dùng để chứa gỗ. Tại khu vực trước cửa được phủ bạt kín mít một đống gỗ to lên đến vài chục khối được đục đẽo, bào chà, phun sơn rất cẩn thận. Đây toàn là những khúc gỗ tròn, có đường kính cả người ôm không xuể. Còn bên trong khu nhà, khi chúng tôi mở cửa sổ ra, cả một gian nhà gỗ chất cao ngất gần lấp cửa sổ, từng tấm gỗ to, có kích thước dày, mỏng khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, ông Hàn Văn Huyền, Phó Giám đốc BQLRPHSC cho biết: “Về thông tin gỗ hiện có trong khuôn viên của Ban lên đến vài trăm mét khối, đấy là gỗ của cán bộ đang làm việc trong Ban mua lại từ những lần khai thách gỗ của BQL và của nhân dân bên làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Còn số gỗ đã được đục đẽo ra thành phẩm, của một ngôi nhà sàn lên đến gần 50 khối gỗ đang được cất dấu ở khu nhà phía sau của Ban là của ông Nguyễn Đình Ánh, hiện là nhân viên của BQLRPHSC”.

Cũng theo ông Huyền, thì ông Ánh công tác ở đây từ năm 1988, ông Ánh đã mua gỗ tận thu để làm ngôi nhà sàn trên. Tuy nhiên, khi được hỏi về những giấy tờ, thủ tục cho việc dựng một ngôi nhà sàn lên đến gần 50 khối gỗ quý hiếm và rất nhiều đống gỗ khác đanh chất đống trong BDL thì ông Huyền lại “lấy cớ” do là cán bộ kế toán cầm hồ sơ đang đi vắng.

Nhà kho dùng để chứa gỗ không rõ nguồn gốc

Khi được hỏi về ngôi nhà có gắn dòng chứ “không phận sự miễn vào” được dùng để làm gì thì ông Huyền nói: “Đây là ngôi nhà trước đây được nhà nước xây cho BQL làm việc. Giờ xây được khu nhà mới trên này thì ngôi nhà ấy dùng để làm nhà kho chứa máy móc của BQL”. Tuy nhiên khu chúng tôi “mục sở thị” ngôi nhà này thì không thấy bất cứ một loại máy móc nào, mà toàn thấy gỗ chất từng đống. Khuôn viên và khu nhà ở của BQLRPHSC được nhà nước đầu tư tiền tỷ để xây dựng, bỗng chốc lại bị biến thành nơi tập kết gỗ lậu và nơi đây chẳng khác nào một “đại bản doanh” của thiên đường gỗ lậu?.

Nếu đúng sẽ xử lý nghiêm

Trước việc gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ chất đống trong BQLRPHSC, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, ông Mạnh khẳng định: “Tất cả những tổ chức và cá nhân liên quan đến rừng, tài nguyên rừng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tổ chức nào, cá nhân nào nếu làm trái sẽ phải xử lý theo luật pháp. Còn khẳng định việc BQLRPHSC có chứa chấp gỗ thì phải có căn cứ, ai cho phép khai thác và khai thác đến mức nào”.

“Huyện sẽ thành lập đoàn thanh tra để làm rõ, chứ huyện không thể vô trách nhiệm trước vấn đề trên được, đồng thời UBND cũng sẽ kết hợp với Hạt Kiểm Lâm, với Sở NN&PTNN để cùng làm rõ vấn đề trên” – ông Mạnh cho biết thêm.

Hàng chục khối gỗ đã được làm hoàn thiện được che đậy rất cẩn thận

Trước việc BQLRPHSC chứa chấp gỗ với số lượng lên đến vài trăm mét khối hiện đang có trong khuôn viên BQLRPHSC. Chúng tôi đã thông tin sự việc trên tới ông Nguyễn Đình Xứng, Giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Thanh Hóa. Ông Xứng cho biết sẽ chỉ đạo Chi Cục kiểm lâm kiểm tra sự việc.

Còn ông Phí Đức Quế, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc BQLRPHSC chứa chấp gỗ nay chúng tôi mới biết, chúng tôi sẽ giao cho Hạt Kiểm Lâm huyện Như Xuân tìm hiểu thực hư vấn đề trên. Còn việc Hạt Kiểm Lâm có tiếp tay, bao che cho BQLRPHSC, sẽ xử lý theo đúng quy định của ngành”.

“Đầu năm chúng tôi đã có văn bản số 08, ngày 06/01/2011 về tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng. Sau đó được giao cho tất cả các Hạt Kiểm Lâm trên địa bàn, kiểm tra có báo cáo về Chi cục hàng tháng” – ông Quế cho biết thêm.

Được biết, hiện nay trên địa bàn cả nước, nhiều địa phương đã lợi dụng một số chính sách chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang mục đích khác để phá rừng, khiến cho rừng ở nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ bị “tận diệt” tràn lan. Để kịp thời chấn chỉnh vấn đề trên, ngày 27/09/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ”.

Thiết nghĩ, việc BQLRPHSC chứa chấp gỗ không có nguồn gốc rất cần được UBND tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, điều tra làm rõ và xứ lý nghiêm minh những người có liên quan.

Gỗ chấn đống, mục nát có cây mọc um tùm

Ông Hàn Văn Huyền bao biện: “Đây là gỗ được anh em trong ban mua lại”

Thanh Tuấn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top