KTNT- Văn phòng đại diện Báo Kinh tế nông thôn tại Thanh Hóa nhận được đơn thư của bà Hồ Thị Hồng, chồng là Lê Đăng Màu cùng 25 hộ dân thộc xã Tân Dân (Tĩnh Gia – Thanh Hóa), khiếu nại về vấn đề đất đai của họ khi nhà nước thực hiện mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, hầu hết đất của các hộ gia đình này đều không được đền bù, mặc dù đất của họ có nguồn gốc ở trên 30 năm nay không tranh chấp và đóng thuế hàng năm đầy đủ. Trong đơn thư nêu rõ việc chính quyền cấp xã và Ban giải phóng mặt bằng huyện không thực hiện đúng quy trình đền bù giải phóng mặt bằng đã gây bức xúc cho nhiều hộ dân, dẫn đến khiếu kiện.
Dân chưa chưa thông …?
Các hộ dân cho biết: Đất chúng tôi đang ở hiện tại gần 30 năm nay, chúng tôi luôn thực hiện tốt các chính sách và nghĩa vụ thuế với nhà nước, đất ở không tranh chấp với ai. Tuy nhiên, vừa qua nhà nước thực hiện mở rộng tuyến Quốc lộ 1A thì việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) trên đất của chúng tôi không được minh bạch, nhiều hộ được nhận tiền, nhiều hộ thì không. Trong các văn bản giấy tờ kiểm kê đền bù của Ban giải phóng mặt bằng huyện và xã không được rõ ràng.
Gia đình bà Hồ Thị Hồng trao đổi với phóng viên
Bà Hồ Thị Hồng chồng là Lê Đăng Màu thôn Hồ Trung cho biết: năm 1989 UBND xã có chủ trươg bán đất gia đình tôi đã mua 2 suất có phiếu thu của UBND xã với diện tích là 1.403m2 thể hiện ở số thửa 91 bản đồ số 02. Qua mấy chục năm gia đình tôi ở không tranh chấp, đóng thuế đất đầy đủ nhưng vừa qua nhà nước giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A đã lấy vào diện tích đất của gia đình tôi 137,4 m2 mà không thực hiện hỗ trợ đền bù một đồng nào, trừ tiền hỗ trợ cây cối hoa màu trên 3 triệu đồng. Số tiền này ban giải phóng mặt bằng cũng không gửi mẫu áp giá đền bù cho chúng tôi biết mà họ chỉ bảo chúng tôi ký vào sổ rồi đưa tiền.
Rất nhiều uẩn khúc trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng tuyến Quốc lộ 1A qua xã Tân Dân, nhất là khi UBND huyện Tĩnh Gia ban hành Quyết định số 1528 ngày 28/3/2014 về việc thu hồi đất của gia đình bà Hồng và nhiều hộ khác. Khi Quyết định vừa được ký trong vòng ba ngày đến tay các hộ dân thì đồng thời Ban giải phóng mặt bằng cũng thực hiện đưa máy xuống để giải tỏa đất đai hoa màu theo Quyết định thu hồi. Trước việc làm “chộp giật”, không theo đúng các trình tự giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân đã không đồng tình ủng hộ, trong khi họ không được nhận các văn bản giấy tờ áp giá đền bù tài sản đất và trên đất do vậy việc thực hiện giải phóng mặt bằng tại đây càng thêm khó khăn. Sau khi các hộ dân yêu cầu được tiếp cận các văn bản này thì xã mới đối phó bằng một tờ giấy không có bất cứ một chữ ký nào của chính quyền và Ban giải phóng mặt bằng và cũng như của các hộ dân thuộc diện được đền bù. Phải chăng đây là sự lập lờ, hay cố tình biển thủ của chính quyền địa phương và Ban giải phóng mặt bằng huyện trong quá trình kiểm kê và áp giá đền bù cho dân ….?.
Trong khi Quyết định 1528 ký ngày 28/3 thì mãi đến ngày 30 mới đến tay các hộ dân, thì việc làm đồng thời của Ban giải phóng mặt bằng là đưa máy móc về thực hiện giải tỏa. Trong khi dự án mở rộng quốc lộ 1A được triển khai từ năm 2010, thời gian đến nay 3 năm Ban giải phóng mặt bằng huyện và chính quyền địa phương đã không làm dứt điểm những thắc mắc của dân cũng như thực hiện đúng trình tự như: thông báo, họp dân, kiểm kê, áp giá bồi thường đất và tài sản trên đất cho dân mà mãi đến những ngày cuối cùng mới ban hành Quyết định…?
Ông Bùi Khắc Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết diện tích hơn 10.500 m2 đất kê khai của xã ghi về thôn Tiền Phong là do nhầm lẫn...!
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Bùi Khắc Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Dân về khiếu nại củ gia đình bà Hồ Thị Hồng cùng các hộ dân khác, ông Trung cho biết: Việc đất của gia đình bà Hồng và các hộ dân khác không được hỗ trợ đền bù là do chúng tôi thực hiện theo Nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 cũ của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, có vị trí tiếp giáp với hộ bà Hồ Thị Hồng và các hộ khác mà họ đang ở, đất của các hộ này nằm trên hành lang của Quốc lộ 1A do vậy không được đền bù.
Một điều trái ngược là hầu hết đất của họ đều được UBND xã bán trước đây không phân định rõ ranh giới, nhiều hộ cũng đã có trích lục rất rõ nhưng UBND xã vẫn không xác định được các hộ cụ thể có diện tích là bao nhiêu, ranh giới là sát Quốc lộ 1A, nhưng khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì đưa lý do là thực hiện theo Nghị định 203, ngày 21/12/1982. Như vậy trong việc bán đất của chính quyền trước đây cho dân UBND xã đã bỏ qua Nghị định 203, không phân rõ ranh giới nên các hộ dân khi mua đất sử dụng trên diện tích của mình là hoàn toàn hợp lý.
Rất nhiều khuất tất trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng
Trong danh sách xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của các hộ thuộc xã Tân Dân năm 2011 của UBND xã Tân Dân xuất hiện nhiều mục kê bất hợp lý, cụ thể tại thôn Tiền Phong danh sách kê khai có 3 tên là: Bùi Quang Dội; Bùi Văn Dội diện tích thu hồi là 38,3 m2 và Bùi Văn Dội diện tích thu hồi là 153,7 m2 đều cùng tờ bản đồ số 2 và có cùng thời điểm sử dụng đất năm 1980. Trong kê khai danh sách đã lấy tên ông Dội 3 lần, nhưng thực tế qua tìm hiểu chúng tôi được biết thôn Tiền Phong chỉ có một ông Dội…?. Cũng trong tờ kê khai này dòng thứ tự số 63 có ghi UBND xã với diện tích thu hồi là 10.530,5 m2; tờ bản đồ số 2, nguồn gốc sử dụng đất đã có CNQSSĐ và thời điểm sử dụng đất là 18/12/1980 tại thôn Tiền Phong.
Dân không được đền bù còn nhiều thủ tục chưa rõ
Trao đổi với ông Bùi Khắc Trung về vấn đề này ông Trung cho biết: diện tích đất kê khai cho UBND xã trên 10.500 m2 là đất chợ, đất đường giao thông, kênh mương… các diện tích đất này UBND xã kê khai sau nay đền bù sẽ trả lại cho nhà nước. Tuy nhiên khi được hỏi tại sao đất ở nhiều nơi nhưng trong kê khai lại ghi rõ thuộc tờ bản đồ số 2 và có CNQSDĐ năm 1980 thuộc thôn Tiền Phong…? thì ông Trung trả lời, đây là do đánh máy nhầm, chúng tôi đã thực hiện công khai niêm yết dưới thôn nhưng lâu nay không có ai ý kiến gì. Như vây trong danh sách kê khai đất hơn 10.500 m2 thuộc UBND xã hoàn toàn không đúng với thực tế bởi nó thể hiện chỉ trên một tờ bản đồ và tại một thôn với số tiền nếu được đền bù trên 20 tỷ đồng thì có đúng như lời ông Trung nói là sẽ trả cho nhà nước hay UBND xã hưởng số tiền này…?
Với nhiều khuất tất trong quá trình kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tân Dân đang rất cần thanh tra, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào cuộc. Trước hết cần làm rõ nguồn gốc đất của nhân dân, phân tích để nhân dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình, những hộ thuộc diện được đền bù, không được đền bù với lý do cụ thể. Đồng thời cần làm rõ việc kê khai đất chòng chéo nhau không rõ ràng gây nghi ngờ trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án gây thất thoát tài chính của nhà nước…?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Tân Thành
KTNT