Về vấn đề di chuyển đàn lợn gây ô nhiễm môi trường tại trại lợn Yên Tâm (xã Yên Tâm, Yên Định), UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản chỉ đạo di chuyển đàn lợn hạn chót vào ngày 15/11, thay vì ngày 30/11 như văn bản trước đó chỉ đạo.
Vụ việc trại lợn Yên Tâm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xác minh, làm rõ. Để xử lý triệt để, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo chi nhánh Công ty Công ty TNHH P.N.T phải di chuyển đàn lợn thương phẩm 4.000 con trước ngày 4/5 và di chuyển toàn bộ đàn lợn nái xong trước ngày 24/10.
Người dân vây lối ra vào trại lợn hồi tháng 4/2014
Nhưng sau ngày 24/10, Công ty vẫn không hề di chuyển đàn lợn nái. Quá bức xúc, từ chiều 27/10 và sáng 28/10 hàng trăm người dân đã vây trụ sở UBND xã Yên Tâm để yêu cầu Công ty, chính quyền địa phương thực hiện việc di chuyển đàn lợn theo đúng cam kết.
Để kịp thời xử lý vụ việc, tránh gây mất an ninh trật tự, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH P.N.T phải thực hiện việc di chuyển đàn lợn hiện có tại Trại lợn Yên Tâm xong trước ngày 30/11. Nhưng chiều 28/10, người dân vẫn không đồng ý với thời gian di chuyển đàn lợn hạn chót ngày 30/11 nên tiếp tục vây trụ sở xã.
Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phải đối thoại với người dân. Cuối cùng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra văn bản chỉ đạo có nội dung: Yêu cầu Chi nhánh Công ty TNHH P.N.T tại Thanh Hóa nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, khẩn trương di chuyển đàn lợn tại trại lợn Yên Tâm xong trước ngày 15/11. Thời hạn này thay thế thời hạn tại văn bản trước đó chỉ đạo di chuyển đàn lợn xong trước ngày 30/11.
Quá trình chăn nuôi, trại lợn Yên Tâm đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc
Nếu qua thời hạn trên, chi nhánh Công ty TNHH P.N.T tại Thanh Hóa không thực hiện thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại buổi đối thoại với người dân ngày 28/10, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải xin lỗi người dân khi để xảy ra những vi phạm về mội trường từ trại lợn, khiến nhân dân bức xúc và hứa sẽ xử lý triệt để.
Được biết, trang trại nuôi lợn của Công ty P.N.T đi vào hoạt động từ năm 2009 với quy mô đăng ký 1.200 lợn nái giống. Tuy nhiên, sau đó công ty này cơi nới, mở rộng trang trại nuôi thêm gần 5.000 lợn thương phẩm khiến tình trạng quá tải, ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng. Sau khi có phản ứng từ người dân hồi tháng 4/2014, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động nuôi lợn thương phẩm và chỉ giữ lại đàn lợn nái./.