Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 7 năm 2017 | 11:0

Thanh Hóa: Tàu vỏ thép mới đóng đã hư hỏng nặng

KTNT- Nhiều tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã hư hỏng nặng, khiến ngư dân hoang mang...

Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa), ông Nguyễn Đức Cường, cho biết, hiện nay trên địa bàn có tổng 23 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trên cơ sở rà soát, khảo sát và nắm bắt tình hình, có hơn 10 phương tiện gặp sự cố, trong số này có 2 tàu bị hư hỏng nặng. Riêng tàu mang số hiệu TH- 93968- TS, công suất 829 CV của gia đình ông Nguyễn Duy Muộn, trú tại khối phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP.Sầm Sơn, không thể ra khơi do hệ thống máy phát điện chính của tàu bị hư hỏng.

Một số bộ phận trên tàu của ông Muộn có vấn đề

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Muộn chia sẻ: "Gia đình tôi có truyền thống đi biển đã lâu, trong quá trình ra khơi bám biển gặp nhiều thuận lợi nên cũng tích góp được ít vốn. Gia đình đã bàn bạc, thống nhất bán tàu cũ với công suất nhỏ, vay vốn theo Nghị định 67 để nâng cấp tàu có công suất và trữ lượng lớn hơn, phục vụ cho việc ra khơi được tốt hơn".

Chiếc tàu đóng mới của gia đình ông Muộn có tổng vốn đầu tư gần 18 tỉ đồng, trong đó ngân hàng giải ngân 16,8 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 886 triệu đồng. Đơn vị đóng tàu là Công ty CP Đại Dương, đóng trên địa bàn xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Khi được bàn giao tàu, ông Muộn không giấu được niềm vui, cứ ngỡ mọi việc xuôi chèo mát mái, nhưng không ngờ ra khơi chuyến nào thì lỗ chuyến đấy. "Cả 9 chuyến ra khơi thì cả 9 tàu đều gặp sự cố. Ngay từ chuyến đầu tiên, tất cả mọi người đều hoảng loạn khi phát hiện 4 pít tông tời thủy lực bị vỡ ra nhiều mảnh, tôi phải đánh tàu về xưởng của Công ty Đại Dương để tu sửa", ông Muộn nói.

Cứ ngỡ đây chỉ là sự cố ngoài ý muốn, nhưng có ngờ đâu những chuyến tiếp theo tình hình càng nghiêm trọng hơn. Không chỉ hệ thống pít tông hỏng mà hàng loạt bộ phận khác từ máy phát điện, xi lanh đều không hoạt động được. Tình trạng cứ như vậy tái diễn trong 6 chuyến  ra khơi tiếp theo.

Nghi ngờ chất lượng tàu vỏ thép của Công ty Đại Dương có vấn đề, ông Muộn đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền, lên phương án giải quyết và khắc phục sự cố cho gia đình ông. Trong đơn ông nêu: Tàu cá của gia đình mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì bị hư hỏng, các thiết bị đánh bắt không đảm bảo kỹ thuật, bộ phận tời thủy lực, máy phát điện thường xuyên gặp sự cố, hệ thống điện không phù hợp, hay bị cháy nổ, thùng bảo quản đá, chân vịt không đảm bảo theo khái toán được phê duyệt, chất lượng sơn có vấn đề, sau khi xuất xưởng chỉ một thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng.

"Trong thời gian qua, gia đình tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty Đại Dương để lên phương án xử lý, nhưng phía công ty hứa hẹn nhiều lần rồi bặt vô âm tín. Trong  hợp đồng kinh tế bên phía công ty và gia đình ông thống nhất, sau 6 tháng, Công ty Đại Dương phải hoàn thành và bàn giao tàu cho gia đình ông. Nhưng sau hơn 1 năm cho đến tháng 8/2016, phía công ty mới chính thức hoàn thành bàn giao", ông Muộn cho biết thêm.

Điều đáng nói là, một tài sản có tổng giá trị lên đến 18 tỷ đồng nhưng thời gian bảo hành chỉ trong vòng 6 tháng kể từ ngày bàn giao. 

Hệ thống dây điện trên tàu không đảm bảo, thường xuyên gặp sự cố và cháy nổ.

Cũng giống gia đình ông Muộn, tàu cá của gia đình ông Lê Văn Lực, trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa mang số hiệu TH-91709-TS, công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng vừa đưa vào sử dụng được 4 tháng đã bị hư hỏng hệ thống cẩu tời, bục ti-ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu và nhiều dụng cụ khác…

Hệ thống tời mới sử dụng đã hư hỏng.

Tương tự, tàu của gia đình ông Đỗ Quang Nam, trú tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, mang số hiệu TH-91692-TS, do Công ty Hoàng Linh, địa chỉ tại TP. Thanh Hóa đóng, sau khi hoạt động đã gặp nhiều sự cố, phải tiến hành sửa chữa khắc phục hàng chục ngày mới có thể ra khơi tiếp tục bám biển.

18 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép, đi chuyến nào hư hỏng chuyến đấy.

Trước tình trạng tàu vỏ thép đóng mới trên địa bàn bị hư hỏng nặng, ông Nguyễn Đức Cường cho biết: Sở đã thành lập đoàn kiểm tra xuống tận hiện trường để nắm bắt tình hình thực tế, phối hợp với địa phương và chủ tàu để nắm rõ hơn sự cố của các tàu vỏ thép, gửi công văn cho các đơn vị đóng tàu để phối hợp khắc phục sự cố, giúp các ngư dân tiếp tục bám biển.

Xuân Sơn

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top