Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 7 năm 2021 | 10:56

Thanh Hóa xử phạt hàng loạt nhà máy xả thải bẩn xuống sông Mã

Nhiều cơ sở sản xuất tăm đũa, ngâm ủ bột giấy, hàng mã đặt xưởng ven bờ sông Mã xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm, bị xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ký, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các công ty xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

 

cá-xử-phạt.jpg
Cá chết trắng trên sông Mã do nguồn nước bị ô nhiễm của các nhà máy xả thải chưa qua xử lý.

Nhiều cơ sở bị xử phạt đều đóng tại huyện Bá Thước và Quan Hóa, bao gồm HTX chế biến lâm sản Quan Hóa bị xử phạt 160 triệu đồng, HTX chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1), bị xử phạt 180 triệu đồng, HTX chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 2), bị xử phạt 160 triệu đồng và HTX Xuân Dương bị phạt 140 triệu đồng, HTX Hà Long bị xử phạt 140 triệu đồng và HTX Hợp Phát bị xử phạt 130 triệu đồng.Công ty đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn bị xử phạt 130 triệu đồng, Công ty thương mại vận tải Hoàng Vân bị xử phạt 110 triệu đồng và Công ty Duyệt Cường bị xử phạt 160 triệu đồng.

Các nhà máy này bị phát hiện nhiều vi phạm về xả thải ra môi trường như: Lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã, không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định. Ngoài xử phạt hành chính, các cơ sở bị dừng hoạt động từ 30 đến 90 ngày, buộc khắc phục lỗi vi phạm gây ra mới được sản xuất trở lại.

 

cá-chết.jpg
Người nuôi cá lồng dọc sông Mã cũng chỉ biết đứng nhìn cá chết mà không có cách nào cứu chữa.

Không chỉ ở Bá Thước các cơ sở sản xuất tăm đũa, bột giấy tại ở huyện Quan Hóa cũng bị phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng như lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành và các công trình sản suất khác khi chưa được cấp phép.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, chủ những cơ sở này phải tháo dỡ công trình vi phạm trong thời gian 30 ngày và chịu mọi chi phí phát sinh, nếu không sẽ thi hành  cưỡng chế hoặc rút giấy phép kinh doanh.

Cũng trong đầu tháng 7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ký quyết định xử phạt hai công ty Quyết Duy Tiến và Đồng Tâm TH, mỗi doanh nghiệp 160 triệu đồng do gây ô nhiễm trên sông Mã, dừng hoạt động 3 tháng và phải khắc phục các tồn tại trong 30 ngày.

Trước đó, TC Kinh tế Nông thôn đã có những bài phản ánh từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, nước sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước và Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, đổi màu đen, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm. Sau đó hơn 60 tấn cá lồng nuôi của người dân và nhiều loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã chết trắng.

Cơ quan chức năng đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, ghi nhận 4 nhà máy có hành vi chôn ống xả thải ngầm, hoặc bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường và làm cho những lồng cá nuôi của người dân trên địa bàn huyện bị chết.

Dọc hai bờ sông Mã phía thượng nguồn thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, ngâm ủ, chế biến tre luồng, bột giấy. Những năm gần đây vào mùa nước cạn, cá tôm trên sông Mã nhiều lần chết bất thường, gây thiệt hại lớn cho người dân.

 

 

 

Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top