Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 2 năm 2020 | 14:43

Thành Thắng Group bị tố gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến SX nông nghiệp

Người dân thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu tố Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group (Thành Thắng Group) khi khai thác đá sét đã làm hỏng đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc dòng chảy ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tuy mới được cấp phép khái thác khoáng sản hơn 2 năm (ngày 11/01/2018) nhưng Thành Thắng Group bị người dân thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) tố đã khai thác từ trước đó, đồng thời cũng phản ánh từ khi khai thác đến nay, đơn vị này đã làm hư hỏng đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường và làm tắc dòng chảy ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Văn bản của UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho Công ty Xi măng Thanh Liêm bồi thường giải phóng mặt bằng khu mỏ sét tại địa bàn xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh.

 

Mỏ đá sét thuộc 2 xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh trước đây thuộc quyền khai thác của Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm. Tại Văn bản số 108/UBND-DN&XTĐT ngày 23/01/2009 của UBND tỉnh Hà Nam về việc giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho công ty này thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu mỏ sét tại địa bàn xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm và cho phép khai thác tận thu phần diện tích bìa núi Dốc Bưởi… Giao cho UBND huyện Thanh Liêm phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định…
 
Sau đó một thời gian, Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm phá sản. Mỏ đá sét này được Bộ TN&MT cấp phép cho Thành Thắng Group tại văn bản số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018. Nhưng người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh lại tố Thành Thắng Group đã khai thác từ trước đó và từ khi đi vào khai thác, các xe quá tải chạy từ sáng sớm đến đêm khuya, gây tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của bà con. Hơn thế nữa, các xe quá tải đã làm nứt, vỡ mặt đường bê tông dân sinh và đất đá rơi xuống khu vực canh tác làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đặc biệt là 35 hộ dân thôn Cẩm Du chưa nhận được tiền đất và tiền hỗ trợ sản xuất; trong khi đó, người dân cùng dự án thuộc xã Liêm Sơn đã nhận đủ số tiền này.
Trao đổi với phóng viên, người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh khẳng định, dự án chưa chi trả tiền đất, tiền hỗ hợ sản xuất mặc dù người dân xã Liêm Sơn (cùng dự án- PV) đã được chi trả các loại tiền này.

 

Giấy phép khoáng sản số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018 của Bộ TN&MT cho phép Thành Thắng Group khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét tại khu vực xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh: Diện tích khu vực khai thác 9,53ha được giới hạn các điểm ghép góc có tọa độ xác định theo phụ lục 1 và bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tại phụ lục 2; Độ sâu khai thác thấp nhất đến mức +20m; Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 4.303.000 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Trữ lượng khai thác 2.641.562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Công suất khai thác từ 31.562 tấn/năm đến 90.000 tấn/năm, công suất khai thác chi tiết tại phụ lục 3; Thời gian khai thác 30 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ.
 
Giấy phép còn nêu rõ, trước khi tiến hành khai thác, Thắng Group phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; báo cáo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam để kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
Nơi khai thác của Thành Thắng Group tại xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh.

 

Thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án…, ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định. Trước khi tiến hành khai thác, Thành Thắng Group phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018; nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
 
Để có thông tin đa chiều về những tố cáo của người dân, phóng viên đã làm việc với Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh Nguyễn Văn Toản. Ông Toản cho biết, vì thị trấn mới thành lập mà trước đó ông làm lĩnh vực khác nên không nắm bắt được sâu và giao cho cán bộ địa chính làm việc với phóng viên.
 
Trao đổi với phóng viên, cán bộ địa chính thị trấn cho biết, ngay khi có ý kiến phản ánh, UBND thị trấn đã thành lập tổ công tác xuống thôn Cẩm Du để tìm hiểu và xác nhận có việc người dân phản ánh đúng, có việc phản ánh hơi quá với thực tế.
 
Cán bộ địa chính thị trấn Tân Thanh khẳng định, Thành Thắng Group khi thực hiện dự án không xây dựng khu thu gom nước nên khi trời mưa, nước có chảy lên mặt đường, có ảnh hưởng đến người dân khu vực khai thác mỏ…
Mặc dù dự án này có đường riêng nhưng có hai điểm giao cắt đường dân sinh, các xe quá tải làm ảnh hưởng đường dân sinh như người dân thôn Cẩm Du phản ánh.

 

Để làm rõ việc người dân phản ánh chỉ nhận được tiền đề bù cây cối nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ về đất, tiền tái sản xuất và tại sao cùng dự án người dân xã Liêm Sơn thì nhận được tiền (đền bù cây cối hoa màu, tiền đất và tiền hỗ trợ sản xuất-PV), còn người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh lại chưa được nhận số tiền này, phóng viên đã tìm gặp lãnh đạo huyện Thanh Liêm nhưng cán bộ phụ trách bận họp.
 
Có hay không việc Thành Thắng Group khái thác trước khi có Giấy phép và việc người dân 2 địa phương nơi nhận được tiền nơi thì không, việc xử lý công ty này gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp như thế nào, Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top