Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 15:52

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phát triển ngành rau quả

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 417/QĐ - TTg.

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8 đến 10 tỷ USD và những giải pháp quan trọng để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển ngành rau quả.

Để Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 đi vào thực tiễn và chạm đích đúng hẹn, còn nhiều việc cần phải làm.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

 

t5a.jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng
 

Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định 417/QĐ-TTg). Với tư cách là người đứng đầu Hội Làm vườn Việt Nam – Hội khởi xướng phong trào cải tạo vườn, phát triển cây ăn quả, theo ông, Đề án có những điểm mới nào và có tác động như nào đến hoạt động của Hội Làm vườn trong thời gian tới?

Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021- 2030 đã đề ra các mục tiêu và giải pháp quan trọng để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển ngành rau quả ở nước ta, đó là lĩnh vực chế biến. Mặc dù những năm gần đây, trên địa bàn cả nước, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả tăng mạnh, nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng 8-10% sản lượng rau quả sản xuất hàng năm. 85% lượng rau, củ, quả của Việt Nam được tiêu thụ chưa qua chế biến, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, trên 20%. Trong khi đó, tỷ lệ rau quả chế biến của Philippines là 28%; Thái Lan 30%; Mỹ 65%.

Trong giai đoạn 2021- 2030, Đề án đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó rau quả chế biến đạt 30% trở lên; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch mỗi năm từ 1- 1,5%; trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/ năm. Đến năm 2030, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới. Đây là điểm mới, hứa hẹn tạo ra bước chuyển biến mới mang tính đột phá trong phát triển ngành chế biến rau quả tại Việt Nam.

Vì vậy, nếu được thực hiện tốt, Đề án chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ rau quả, tạo một động lực mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế vườn. Tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “giải cứu nông sản” do khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ được khắc phục, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người sản xuất.  Giá trị gia tăng từ sản xuất rau quả sẽ được nâng cao, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất và thu nhập cho hội viên Hội Làm vườn Việt Nam và nông dân.

Để góp phần thực hiện thành công Đề án, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân phát triển kinh tế vườn theo hướng hàng hóa, an toàn, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là thực hành nông nghiệp tốt trong nghề làm vườn và tăng cường liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản.

Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, có thể nói Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 là cú huých để phát triển ngành rau quả, vậy Hội Làm vườn Việt Nam sẽ có những định hướng và kế hoạch chỉ đạo các tổ chức thành viên và hội viên tận dụng cơ hội như thế nào?

Trên cơ sở của Đề án, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ rà soát quy hoạch và tập trung phát triển các loại rau quả là thế mạnh của địa phương, hình thành các vùng chuyên canh lớn để đáp ứng nguyên liệu chế biến. Các tổ chức hội thành viên cần chủ động tham gia vào việc tư vấn, phản biện, góp phần xây dựng chính sách và các giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hội viên và nông dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, tận dụng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng.

 

t5.jpg
Chế biến đóng gói dừa xuất khẩu. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.

 

Trong đề án đề cập mục tiêu sản phẩm chế biến đạt 30%, qua đó nâng cao giá trị cho sản phẩm từ vườn và tăng thu nhập cho nhà vườn. Hội Làm vườn sẽ có chỉ đạo gì các hội thành viên và hội viên  về vấn đề này, thưa ông?

Tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến, đặc biệt là chế biến sâu là một chiến lược đúng đắn và rất khả thi, đặc biệt đối với các thị trường ở xa, khó tính nhưng có giá trị cao như EU, Mỹ, Úc… Đối với các thị trường này thì yêu cầu của hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật rất khắt khe và nghiêm ngặt đối với rau quả tươi. Tuy nhiên, nếu rau quả đã qua chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thì không đòi hỏi hoặc dễ dàng vượt qua hàng rào kỹ thuật này. Ngoài ra, khi rau quả đã qua chế biến sẽ bảo quản được lâu hơn và khắc phục được tình trạng “được mùa, rớt giá” hoặc “ giải cứu nông sản”. Ngành chế biến rau quả phát triển sẽ cần nhiều nguyên liệu và tạo ra thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người làm vườn, tuy nhiên sản phẩm phải đạt chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Rau quả chế biến vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV, thậm chí nếu trong nguyên liệu có dư lượng thuốc BVTV thì sau khi được cô đặc mức dư lượng trong sản phẩm chế biến còn cao hơn. Chủng loại sản phẩm, giống cây trồng, thời điểm thu hoạch… cũng phải phù hợp với yêu cầu của các nhà máy chế biến. Vì vậy, Hội Làm vườn các cấp cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên và nông dân để khai thác tốt cơ hội về thị trường rau quả phục vụ ngành chế biến rau quả trong thời gian tới.

Theo ông, đâu là khó khăn trong phát triển kinh tế vườn đáp ứng nhu cầu thị trường và biển đổi khí hậu hiện nay?

Kinh tế vườn Việt Nam đang có dư địa lớn và nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ rau quả của thế giới ngày càng tăng với giá trị thương mại hiện nay trên 300 tỷ USD, gấp 10 lần thị trường lúa gạo và được dự báo sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ phát triển sản xuất.

Các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam được thị trường thế giới rất ưa chuộng.  Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn trong phát triển kinh tế vườn hiện nay ở nước ta là vấn đề tổ chức sản xuất để có sản phẩm và nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình hình dịch hại cây trồng sẽ diễn biến phức tạp, nếu không có tiến bộ kỹ thuật hiệu quả và phù hợp, nông dân sẽ có xu hướng sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được quá trình sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt để có rau quả “sạch”, kể cả rau quả tươi và nguyên liệu phục vụ chế biến. Cần phải có sự liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa người làm vườn và doanh nghiệp cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mô hình chuỗi giá trị sản xuất nông sản gắn kết người sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu rau quả cần phải được hoàn thiện và nhân rộng.

 

t55.jpg
Trái vú sữa Việt Nam được nhiều thị trường khó tính đón nhận. Ảnh: Ngọc Ánh

 

Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe và sự cạnh tranh của thị trường xuất khẩu, theo ông, Hội Làm vườn cần tập trung hướng dẫn hội viên, nông dân làm gì để nâng cao cả về sản lượng và chất lượng trái cây, rau, củ?

Thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam rất rộng mở và có nhiều dư địa, tiềm năng lớn sau khi các Hiệp định thương mại tự do giữa nước ta và nhiều nước trên thế giới được ký kết và có hiệu lực. Ví dụ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ 01/8/2020 đã tạo điều kiện cho trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU -  thị trường lớn chiếm trên 40% giá trị thương mại rau quả toàn cầu với thuế suất hầu hết các sản phẩm bằng 0% hoặc rất thấp. Nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam được người tiêu dùng EU  ưa thích và lựa chọn.

Tuy nhiên, quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu là thách thức lớn đối với trái cây Việt Nam. Đã có nhiều lô hàng bị tiêu hủy hoặc trả lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu. Không những thế, khi doanh nghiệp vi phạm thì tần suất kiểm tra của nước nhập khẩu không chỉ đối với doanh nghiệp đó mà đối với các doanh nghiệp khác của nước xuất khẩu sẽ tăng cao.

Để đáp ứng yêu cầu của các nước, không có con đường nào khác là phải nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người sản xuất và phải tổ chức sản xuất sao cho các sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV, hóa chất độc hại hoặc vi sinh vật vượt mức cho phép và không mang theo các sinh vật hại thuộc diện kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Việc áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, hạn chế thuốc hóa học, tăng cường sử dụng thuốc sinh học thay thế thuốc hóa học, sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ là các giải pháp hiệu quả nhất cho thách thức nêu trên. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam.

 

t6.jpg

Sơ chế dứa nguyên liệu để đưa vào chế biến dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh: Vũ Sinh

 

Theo ông, đâu là những giải pháp then chốt để phát triển kinh tế vườn bắt nhịp với Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030?

Để thực hiện thành công Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021- 2030, một trong những nhân tố quan trọng nhất là phải xây dựng, phát triển được các vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng tốt phục vụ các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Vì vậy, kinh tế vườn sẽ có cơ hội lớn để phát triển do có thị trường.

Tuy nhiên, để khai thác tốt cơ hội này, các địa phương cần phải có một số giải pháp then chốt mang tính đồng bộ như: Lựa chọn, quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực là thế mạnh của địa phương, xây dựng các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao về giống, bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm kinh tế vườn hiệu quả và bền vững.

 

Ngành hàng rau quả nhiều hy vọng bứt phá mạnh mẽ


Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 3 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng này đáng ghi nhận khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Hiện, cả nước ta có khoảng 1,05 triệu hecta cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Cục BVTV đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Thị trường rộng mở

Không chỉ tăng mạnh về kim ngạch mà các tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thị trường rộng mở.

Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 2/2021, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Sự tăng trưởng này do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.

 

t6p.jpg

Thu hoạch thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị

 

Tiếp đó, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường nhập khẩu mặt hàng rau quả lớn của Việt Nam trong quý I/2021. Một số thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như: Đài Loan (Trung Quốc) đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)..., thì xuất khẩu rau quả được đánh giá có nhiều thuận lợi trong việc chinh phục các thị trường chất lượng cao trong năm 2021.

UKFTA hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Khi hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế với rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Theo đó, nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có hiệp định thương mại với Anh quốc.

Tập trung vào chế biến

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm hàng rau quả chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị xuất khẩu. Như chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng: Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều thời điểm nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động xuất khẩu của công ty do nhiều sản phẩm trái cây đã qua xử lý có thể bảo quản tốt trong thời gian dài. Do đó, trước mắt và lâu dài, các doanh nghiệp đều nên tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu, để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp trục trặc thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nêu rõ: “Hai tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã đạt những kết quả khả quan, nên hoàn toàn có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đẩy tiếp được đà tăng trưởng trong thời gian tới. Thực tế, ngành hàng rau quả đang có nhiều lợi thế tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Mặt khác, thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm rau quả của nước ta đã đáp ứng được đầy đủ tiêu chí khắt khe nhất của các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… Từ đó tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng trên thế giới về các nông sản của Việt Nam”.

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành hàng trong thời gian tới vẫn là tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… trên cơ sở xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nhà máy chế biến có chứng nhận tiêu chuẩn ISO, chứng nhận xã hội, môi trường… Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 chưa được kiểm soát thì khâu bảo đảm an toàn dịch bệnh khi sản xuất, đóng gói, vận chuyển cần hết sức chú ý để sản phẩm dễ dàng thông thương vào các quốc gia khác.

 

Thanh Tâm (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top