Thời gian qua, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, tỉnh Đắk Lắk đã thất thu nhiều tỷ đồng tiền thuế do không quản lý được nhiều đầu xe. Thế nhưng, cơ quan thuế của tỉnh này vẫn “bình chân như vại”.
>> Đắk Lắk: Nhà xe Việt Thanh đã trốn thuế còn kiện cơ quan chức năng (?!)
Hợp tác xã (HTX) vận tải Thành Đạt, có trụ sở tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, quản lý và làm dịch vụ cho hơn 200 đầu xe kinh doanh vận tải. Thế nhưng, đến nay, HTX Thành Đạt mới chỉ có hơn 100 đầu xe đã nộp thuế theo quy định, còn lại hơn một nửa là chưa nộp thuế, đồng nghĩa Nhà nước đang thất thu thuế hơn 100 đầu xe.
Theo ông Trần Tiến Bình, Chủ tịch HĐQT HTX Thành Đạt: “HTX quản lý trên 200 đầu xe từ tháng 2/2016 đến tháng 9/2016. Hiện tại, thành viên của HTX bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đối với các tổ chức doanh nghiệp thì họ tự kê khai tự nộp, còn cá nhân thì tự nộp tại địa phương, HTX không kê khai và quản lý về thuế. Đa số xe của cá nhân thì chưa nộp, trong khi xe cá nhân chiếm tới 50% trên tổng số xe đơn vị quản lý”.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2016, đơn vị này đã cấp phù hiệu cho 3.837 phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, đến quý I/2017 đã cấp cho 4.167 xe.
Xe của Công ty vận tải Việt Thanh (doanh nghiệp có biểu hiện trốn thuế) thường xuyên chạy sai tuyến và đón trả khách không đúng nơi quy định
Còn theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 đã thu thuế được của 2.806 xe với 22,8 tỷ đồng, quý I/2017 thu được 2.807 xe với trên 9 tỷ đồng. Nếu như cơ quan thuế thu đủ số tiền thuế đối với số xe do Sở Giao thông Vận tải cấp thì chỉ tính trung bình năm 2016 phải thu được số tiền hơn 31,2 tỷ đồng (thất thoát khoảng 8,4 tỷ đồng) và quý I/2017 là trên 13 tỷ đồng (thất thoát trên 4 tỷ đồng). Đây mới chỉ là con số tính trên các phương tiện đã được cấp phù hiệu và quản lý, còn thực tế số lượng xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê. Do đó, con số thất thu thuế sẽ không dừng lại ở đó.
Ngoài việc hơn 1.000 đầu xe mà tỉnh Đắk Lắk chưa thu được tiền thuế thì có thêm một lượng lớn đầu xe đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng lại đóng thuế và chịu sự quản lý cho nhiều đầu xe kinh doanh vận tải. Ông Trình Hữu Kiệm, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Hiện, sở đã làm xác nhận cho khoảng 400 xe tải và 400 xe khách để các xe này đi các tỉnh khác quản lý, nhưng họ vẫn hoạt động ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk vì xe họ hoạt động liên tỉnh. Nghĩa là họ chịu sự quản lý của tỉnh khác và làm nghĩa vụ nộp thuế cho tỉnh khác”.
Thậm chí có doanh nghiệp đã nhiều lần bị báo chí phản ánh tình trạng hoạt động theo kiểu “xe dù, bến cóc”, lại có hành vi gian lận thuế, nhưng không hiểu sao, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn để các doanh nghiệp này vô tư hoạt động. Điển hình như Công ty Vận tải Việt Thanh tại huyện Ea Kar, từ khi được cấp phép hoạt động (năm 2013) và được cấp phép hoạt động trở lại từ cuối năm 2016 đến nay theo hình thức xe vận tải hành khách với trên 10 phương tiện kinh doanh nhưng Chi cục Thuế huyện Ea Kar cho biết, doanh nghiệp này vẫn chưa nộp đủ các loại thuế cũ trước đó và hiện tại. Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, đến nay, cơ quan thuế mới chỉ thu được của doanh nghiệp này 20 triệu đồng.
Vì các doanh nghiệp khác cạnh tranh không lành mạnh mà HTX Quyết Thắng hàng ngày có hơn 20 xe bus phơi mưa phơi nắng trong thời gian dài
Chính vì các nhà xe hoạt động không minh bạch và có dấu hiệu trốn thuế nên không ít các nhà xe làm ăn chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, lâm vào cảnh khó khăn, trên đường phá sản. Điển hình như HTX Quyết Thắng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) được cấp phép hoạt động theo hình thức xe bus chạy trên Quốc lộ 26; đến nay đơn vị này đã có trên 50 xe bus các loại. Thế nhưng, do nạn “xe dù, bến cóc”, cạnh tranh không lành mạnh nên doanh nghiệp này có trên 20 xe phải nằm một chỗ, phơi nắng phơi sương nhiều tháng nay.
Như vậy, việc thất thu thuế từ các phương tiện kinh doanh vận tải không chỉ làm cho Nhà nước thất thu ngân sách, mà còn dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính lâm vào cảnh khó khăn và có nguy cơ phá sản. Chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này không đơn vị nào khác ngoài Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk và các chi cục thuế trực thuộc đã buông lỏng quản lý.
UBND tỉnh Đắk Lắk cần vào cuộc chỉ đạo các ngành liên quan làm rõ vấn đề này và chỉ đạo thu đúng, thu đủ thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần làm lành mạnh lĩnh vực kinh doanh vận tải, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Anh Thi - Duy Hòa
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.