Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 7 năm 2015 | 8:29

Thay nhà thầu, gia hạn lần 2: Tiến độ thi công cầu Đen vẫn "ì ạch"!

Do không hoàn thành đúng thời gian dù được tỉnh Nghệ An ưu ái, chủ đầu tư đã thay nhà thầu mới. Tuy nhiên, tiến độ thi công xây dựng cầu Đen (huyện Hưng Nguyên) vẫn "ì ạch", khó có thể hoàn thành vào ngày 31/12/2015.

>> Nguy cơ ngập úng vì công trình được ưu ái

Hơn 3 năm mà công trình chỉ mới là những chiếc trụ đầu tiên.

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, công trình cầu Đen (bắc qua kênh Thấp nối xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên với phường Trung Đô, TP. Vinh nằm trong tổng Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê kênh Thấp, huyện Hưng Nguyên, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4364/QĐ.UBND.CN ngày 19/10/2011, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, đã không hoàn thành xây dựng cầu dù được “ưu ái” gia hạn.

Vướng giải phóng mặt bằng và vốn

Mới đây, sau khi có đề nghị từ phía chủ đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định “trảm” nhà thầu là Công ty TNHH Trung Việt vì đã không hoàn thành đúng thời gian quy định của thời gian gia hạn đối với công trình cầu Đen. Nguyên  nhân được  ông Hoàng Anh Tiến, Trưởng Trưởng ban quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên, cho biết là: “Nhà thầu thi công năng lực yếu. Đến ngày gia hạn, nhà thầu vẫn không hoàn thành các hạng mục công trình theo tiến độ đã cam kết. Buộc phía chủ đầu tư phải chấm dứt thanh lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu mới có đủ năng lực để thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng”.

Đơn vị thi công mới là Công ty VHS, đã được UBND tỉnh Nghệ An cho phép gia hạn thi công đến 31/12/2015. 

Trung tuần tháng 6, có mặt tại công trình thi công cầu Đen, chúng tôi chứng kiến việc thi công cầm chừng của công trình. Các thiết bị, máy móc phục vụ cho thi công vẫn ngổn ngang giữa công trường. Ông  Trần Đình Văn, đại diện phía nhà thầu VHS, cho biết: "Tính đến thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành việc khoan cọc nhồi trụ... Phía bên kia sông thuộc TP. Vinh thì chúng tôi không thể thi công do vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan đến hai ki-ốt của hai hộ dân. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng được cấp nhỏ giọt khiến dự án chậm tiến độ.

Chị Phạm Thị Thu Hương (khối 3, phường Trung Đô), chủ ki-ốt chưa di dời, cho biết: Năm 2008, UBND thành phố triển khai xây dựng dự án đường đê bao sông Vinh thì ki-ốt của tôi nằm trong giải toả nhưng do chưa thống nhất được đền bù nên gia đình chưa tháo dỡ. Tháng 10/2014, trong quá trình thi công cầu Đen đã xảy ra sạt lở, lo sợ quá, cả gia đình tôi đã sơ tán sang bà ngoại ở. “Hiện tôi chưa di chuyển đồ đạc và ki-ốt vì vẫn chưa được đền bù”, chị Hường nói.

Hai ki-ốt chưa di dời là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ

Bao giờ mới xong?

Ông Hoàng Anh Tiến, Trưởng ban quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Hưng Nguyên, cho biết: Quá sốt ruột bởi dự án cầu Đen liên quan đến dự án bến xe phía Nam của TP. Vinh sắp tới, nên huyện Hưng Nguyên đã chủ động làm việc với UBND TP. Vinh. Tuy nhiên, sau 3 lần làm việc, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư - UBND huyện Hưng Nguyên - phải có trích lục, trích đo địa chính. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhưng hoàn toàn ở thế bị động vì phụ thuộc.  

Trong khi đó, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án cầu Đen, ông Hà Thanh Tĩnh, Phó chủ tịch UBND TP. Vinh, cho rằng: Quan điểm của thành phố là tích cực nhưng cần làm đúng quy trình. Trước mắt, chúng tôi giao cho UBND phường Trung Đô phải xác định chính xác mốc giới, ranh giới 2 thửa đất có ki-ốt; báo cáo rõ nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng, mục đích sử dụng và quan điểm giải quyết của phường đối với 2 thửa đất trên. Trên cơ sở đó, mới giao cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố thực hiện việc trích đo và kinh phí này do phía chủ đầu tư chi trả. Sau khi có kết quả của cả hai thì mới có phương án bồi thường, hỗ trợ hay tái định cư được.

Trên thực tế, việc thi công chậm của dự án cầu Đen  không những gây ô nhiễm môi trường vì bụi bặm, gây khó khăn đi lại của tàu thuyền mà còn cản trở cả việc tiêu úng cho thành phố.  

“Tôi đang lo khi mùa mưa bão đang đến gần, nếu tiêu úng không kịp, dòng chảy không được khơi thông, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới dân sinh. Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị gửi chủ đầu tư (UBND huyện Hưng Nguyên) về vấn đề này rồi”, ông Lê Đình Nam, Trạm trưởng Tram Ba ra Bến Thuỷ bức xúc.

Như vậy, thay vì 18 tháng như kế hoạch dự án phê duyệt ban đầu, sau 2 lần gia hạn, công trình cầu Đen kéo dài  hơn 3 năm thi công. Mặc dù vậy, việc hoàn thành công trình theo thời gian gia hạn lần 2 cũng khó cán đích nếu không được giải phóng được mặt bằng và bố trí nguồn vốn để thi công.

Ban đầu, theo dự án được phê duyệt thì công trình này có tổng giá trị xây lắp hơn 35 tỷ đồng. Sau khi gia hạn lần 1, số vốn để thực hiện “đội” lên 53 tỷ đồng. Và không biết trong thời gian gia hạn tiếp theo, công trình này có tiếp tục đội vốn?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

                                                                                                          Đình Lam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top