Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017 | 2:45

Thêm nhiều người tố bà Lê Thị Thu Hương lừa đảo

KTNT - Nhiều nạn nhân tiếp tục gửi đơn và đến trực tiếp báo Kinh tế nông thôn tố cáo bà Lê Thị Thu Hương có dấu hiệu lừa đảo khi thu tiền nhưng không đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) như đã hứa.

>> Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo của bà Lê Thị Thu Hương

>> Đề nghị Công an TP.Hà Nội làm rõ dấu hiệu lừa đảo của bà Lê Thị Thu Hương

Nhiều người dân đến báo Kinh tế nông thôn gửi đơn tố cáo bà Lê Thị Thu Hương có dấu hiệu lừa đảo khi thu tiền nhưng không đưa đi xuất khẩu lao động như đã hứa.

Anh Ngô Ngọc Hóa, ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, khoảng tháng 3/2016, anh có quen bà Tạ Thị Hữu, làm ở công ty môi giới ở quận Hà Đông (Hà Nội). Qua trao đổi, giới thiệu, bà Hữu đưa anh Hóa sang văn phòng của bà Lê Thị Thu Hương ở đường Trần Bình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để bà Hương tư vấn, nộp hồ sơ và 2.000 USD đi XKLĐ. Khi thu tiền, bà Hương cho biết, đây là tiền học tiếng và chuyển giao công nghệ cho lao động ở Hàn Quốc. Ba ngày sau, anh Hóa được đưa đến học tiếng tại Trung tâm du học Toàn Cầu. Sau 3 tháng học, bà Hương thông báo cho anh Hóa về quê đợi ngày xuất cảnh.

Không lâu sau, bà Hữu liên hệ, thu của anh Hóa thêm 5.000 USD làm visa và 20 triệu đồng tiền học. Một thời gian sau, bà Hữu đưa anh Hóa đi học nghề tại một trường cao đẳng tại TP.Bắc Giang (Bắc Giang) để lấy chứng chỉ nghề may hoàn thiện hồ sơ. Sau khi anh Hóa học xong (học từ ngày 15/8 đến 2/9/2016), bà Hữu thông báo chờ để xuất cảnh.

Việc bà Hương thu tiền của người lao động có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị Công an TP.Hà Nội sớm vào cuộc xử lý nghiêm theo quy định.

Theo anh Hóa, đến tháng 10/2016, anh mới biết là bà Hương không thể đưa người đi XKLĐ. Anh đến đòi lại tiền và hồ sơ nhưng bà Hương không trả. Nhiều lần bà này hứa nhưng đến nay mới trả cho anh 75 triệu đồng, hiện vẫn còn 105 triệu đồng.

Anh Hóa tâm sự: “Đối với gia đình tôi, đây là số tiền rất lớn. Tôi phải nghỉ làm để học tiếng 1 năm nay, đi lại rất tốn kém, gia đình gặp không ít khó khăn về kinh tế. Rất mong các cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn dấu hiệu lừa đảo của bà Hương, bà Hữu, yêu cầu trả lại tiền cho chúng tôi”.

Còn theo anh Võ Văn Quý, ở Can Lộc (Hà Tĩnh), anh được bà Hương hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ đi XKLĐ Hàn Quốc sau khi đã nộp cho bà Hương 2.000 USD tiền đặt cọc cùng 5 triệu đồng tiền dịch thuật hồ sơ, 4 triệu đồng tiền học và 1 triệu đồng tiền khám sức khỏe.

Đến giữa tháng 8/2016, bà Hương gọi anh ra học nghề may ở một trường cao đẳng tại Bắc Giang. Tuy nhiên, khi học xong, trường không cấp chứng chỉ cho học viên, lúc này bà Hương bảo ở quê chờ, khi nào có lịch bay sẽ thông báo. Bà Hương còn hứa, sau 4 tháng mà không bay được, bà sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, đã quá 4 tháng, bà này nhiều lần hứa nhưng đến nay vẫn chưa trả.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở Can Lộc và nhiều trường hợp khác cũng cùng chung cảnh ngộ như anh Hóa và anh Quý.

Việc bà Hương thu tiền của người lao động là sai hoàn toàn.

Trước đó, báo Kinh tế nông thôn phản ánh việc bà Lê Thị Thu Hương (chứng minh nhân dân số: 125354160, cấp ngày 5/4/2006, nơi cấp: Công an tỉnh Bắc Ninh), giới thiệu là Văn phòng tư vấn XKLĐ của Công ty Halasuco tại Hà Nội, đã thu 2.000 USD/người để đưa người đi lao động ở Hàn Quốc; thu 12 triệu đồng là tiền học, tiền dịch thuật hồ sơ.

Toàn bộ số tiền của người lao động không phải do Công ty Halasuco có trụ sở chính tại TP.Hải Phòng thu mà trực tiếp do bà Hương thu thông qua giấy biên nhận; các giấy biên nhận bà Hương chỉ ký, điểm chỉ.

Khi nhận tiền, bà Hương hứa trong 4 tháng sẽ đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; nếu sau 4 tháng chưa đi được, bà sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã thu và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, hơn 4 tháng mà người lao động chưa được đi Hàn Quốc nên đến đòi lại nhưng nhiều trường hợp bà Hương chưa trả.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Phó trưởng phòng Phòng Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, cho biết, theo quy định, khi thu tiền phải đóng dấu, ký, có phiếu thu, không phải giấy biên nhận. Việc bà Hương thu tiền là sai. Theo nguyên tắc thu tiền, chỉ nộp tại trụ sở chính, bản thân chi nhánh thu tiền đã là sai. Bà Hương thu tiền rồi điểm chỉ vào giấy biên nhận là có dấu hiệu lừa đảo.

Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị Công an TP. Hà Nội (PA83) điều tra, xác minh thông tin theo phản ánh của người lao động, xử lý những sai phạm theo quy định pháp luật.

Ngày 1/3/2017, Sở LĐTB&XH Hà Nội có văn bản đề nghị Công an TP. Hà Nội (PA 83) vào cuộc điều tra, xác minh thông tin, xử lý những sai phạm theo quy định.

Được biết, sau khi nhận được Văn bản của Sở LĐTB&XH Hà Nội, nhận được đơn của công dân tối cáo dấu hiệu lừa đảo của bà Lê Thị Thu Hương, Phòng PA 83, Công an TP. Hà Nội đang vào cuộc xác minh làm rõ.

Hoàng Văn

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Ngãi và Quảng Nam ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

    Quảng Ngãi và Quảng Nam ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

    Sáng nay (01/7), cùng với cả nước, Quảng Ngãi và Quảng Nam tổ chức Lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 954 Tổ bảo vệ ANTT với 3.070 thành viên. Toàn tỉnh Quảng Nam có 1.240 tổ bảo vệ ANTT với hơn 4.300 thành viên.

  • Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh. Chưa kể, con giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, thế nhưng việc quản lý dường như còn bỏ ngỏ.

  • Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sáng 27/6, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh đại lý vật tư nông nghiệp với tổng số tiền xử phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp là 254,3 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện buôn bán phân bón với thời hạn 4,5 tháng…

Top