Liên quan tới việc người dân xã Cộng Hòa phản đối không nhận ruộng, không gieo cấy, UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã có kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai ở địa phương này.
>> Phản đối chính quyền, người dân xã Cộng Hòa chưa nhận đất gieo cấy
Vợ Bí thư Đảng ủy xã sử dụng đất sai mục đích
Liên quan tới phản ánh của người dân xã Cộng Hòa về việc quản lý, sử dụng đất đai, ngày 30/12/2014, UBND huyện Quốc Oai đã có Kết luận 09/KL-UBND chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai của địa phương.
Về việc bà Công Thị Thường (vợ ông Nguyễn Quế Chất, nguyên Chủ tịch UBND xã, hiện đang giữ chức Bí thư Đảng ủy) cho đơn vị quân đội thuê đất để đặt 2 trạm phát sóng trên phần diện tích mà bà Thường thuê của xã, huyện Quốc Oai kết luận, việc bà Thường cho Chi nhánh Viettel Hà Nội thuê để đặt cột phát sóng trên diện tích đất thuê của xã đã vi phạm khoản 2, điều 4 của hợp đồng thầu đất với UBND xã, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác, thời hạn cho thuê vượt quá thời gian thuê đất 3 năm (2016 - 2019).
Việc bà Thường cho Chi nhánh Viettel Hà Nội thuê để đặt cột phát sóng người dân cho rằng có sự tiếp tay của chính quyền xã. |
Để dẫn đến sai phạm này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bà Thường; việc UBND xã không kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý đối với vi phạm của bà Thường, trách nhiệm thuộc về tập thể UBND xã và cá nhân ông Nguyễn Quế Chất, Chủ tịch UBND xã, ông Vương Đắc Thủy, Phó chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2004 - 2011 (hiện ông Thủy giữ chức Chủ tịch UBND xã).
Về nội dung này, người dân cho rằng, UBND xã Cộng Hòa đã tiếp tay cho bà Thường sử dụng đất sai mục đích. Cụ thể, trong hợp đồng bà Thường ký với với Viettel (lúc này ông Chất - chồng bà Thường đang làm Chủ tịch UBND xã, ông Thủy là Phó chủ tịch) lại có xác nhận của ông Thủy. Trong hợp đồng ký lần 2 (2014 - 2019) tiếp tục có xác nhận của ông Thủy, lúc này là Chủ tịch UBND xã.
Sử dụng sai mục đích hơn 4.000m2 đất nông nghiệp!
Trong đơn gửi UBND huyện, người dân đề nghị làm rõ dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 47.193,4m2 (trong tổng diện tích 107 mẫu). Sau khi được huyện phê duyệt, UBND xã không tổ chức đấu thầu công khai mà lại giao cho 5 hộ, trong đó có bà Mai Thanh Hương là người ngoài địa phương. Nhiều hộ xây nhà kiên cố không thực hiện trồng cây ăn quả và chăn nuôi theo dự án đã phê duyệt.
UBND huyện Quốc Oai cho biết, lãnh đạo xã Cộng Hòa không cung cấp được biên bản xét chọn người giao thầu dự án, không có biên bản xử lý vi phạm đối với hộ ông Vương Sỹ Quyền và ông Vương Đắc Đông vì hai hộ này xây dựng trái phép trên diện tích thuê của xã. Từ đó, huyện Quốc Oai kết luận, việc chuyển đổi diện tích đất bãi canh tác hiệu quả thấp sang mô hình trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp chăn nuôi tổng hợp tại bãi Âm Sa Dài, UBND xã Cộng Hòa đã thực hiện không đúng quy định tại Quyết định số 1475/QĐ-UBND ngày 08/6/2009 của UBND huyện Quốc Oai.
Cụ thể, xã không tổ chức đấu thầu theo quy định; lựa chọn hộ giao thầu nhưng không ký hợp đồng giao đất đối với hộ ông Vương Sỹ Quyền và ông Vương Đắc Đông để hai hộ này xây dựng trái phép trên đất, chuyển nhượng trái phép. Cụ thể, ông Quyền chuyển nhượng cho ông Nguyễn Tiến Khôi người cùng xã. Hiện ông Khôi đã xây 1 nhà xưởng, 1 nhà bếp, công trình phụ diện tích khoảng 450m2. Tổng diện tích ông Đông đang sử dụng và không có hợp đồng thuê thầu nằm trong dự án là 3.970m2 nhưng ông này đã chuyển nhượng khoảng 1.000m2 cho ông Lê Tuấn Anh, hiện ông Anh đã xây một nhà xưởng trên diện tích khoảng 700m2.
Theo kết luận của huyện Quốc Oai, có khoảng 4.000m2 đất nông nghiệp ở Cộng Hòa sử dụng sai mục đích. |
Đặc biệt, sau khi ký hợp đồng và giao đất cho 3 hộ gia đình, chính quyền xã đã không kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về đất đai, từ đó không kịp thời lập biên bản vi phạm về xây dựng trái phép các công trình xây nhà, xây xưởng trên đất nông nghiệp. Cụ thể, ông Vương Đức Hành đã xây 5 nhà xưởng để sản xuất bánh kẹo với tổng diện tích khoảng 2.000m2; ông Nguyễn Hương Hào xây 4 nhà gỗ, 1 nhà tạm, sân, công trình kiên cố với tổng diện tích khoảng 1.000m2; bà Mai Thanh Hương đã xây 1 nhà sàn nền đất trên diện tích 120m2. Xã giao đất thực hiện dự án cho bà Mai Thanh Hương, người ngoài địa phương thuê không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Như vậy, trong số 47.193,4m2 diện tích được huyện Quốc Oai phê duyệt chuyển đổi, UBND xã Cộng Hòa cho 5 hộ thuê đất thì có 2 hộ chuyển nhượng sai quy định; 5 hộ sử dụng sai mục đích với tổng diện tích hơn 4.000m2; cho thuê nhưng không ký hợp đồng gần 5.000m2.
Huyện Quốc Oai chỉ rõ, để xảy ra những tồn tại như trên thuộc về tập thể lãnh đạo xã Cộng Hòa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 và ông Nguyễn Quế Chất, nguyên Chủ tịch UBND xã (hiện là Bí thư Đảng ủy xã); ông Vương Đắc Thủy, nguyên Phó chủ tịch xã nhiệm kỳ 2004 - 2011, Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Về nội dung người dân đề nghị kiểm tra việc sử dụng quỹ đất công ích của xã từ trước tới nay, nếu vi phạm pháp luật yêu cầu thu hồi để phục vụ công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), kết quả kiểm tra năm 2013 tại xã Cộng Hòa cho biết, hiện quỹ đất công ích của xã này là 39,38ha, trong đó xã đang quản lý 29,41ha giao thầu 54 hợp đồng; HTX nông nghiệp quản lý 9,966ha giao thầu 18 hợp đồng.
UBND huyện Quốc Oai chỉ ra nhiều vi phạm trong sử dụng đất tại xã Cộng Hòa. |
Theo huyện Quốc Oai, do tỉnh Hà Tây (cũ) thực hiện việc giao ruộng đất ổn định cho người dân trước 1 năm khi Luật Đất đai ra đời nên diện tích đất công ích của địa phương để vượt so với quy định. Việc xã Cộng Hòa để cho HTX nông nghiệp quản lý, sử dụng cho thuê 9,96ha đất công ích là chưa đúng với quy định, trách nhiệm thuộc về UBND xã. Hiện, địa phương đang cần diện tích trên để đưa vào làm giao thông thủy lợi nội đồng khi DĐĐT.
Chưa thực hiện theo kết luận của huyện
Trước kết quả kiểm tra, xác minh như trên, huyện Quốc Oai đề nghị Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy xã Cộng Hòa kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan tới những tồn động trong quản lý đất đai. Giao Phòng Nội vụ huyện chỉ đạo UBND xã Cộng Hòa kiểm điểm trách nhiệm tập thể UBND nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 cùng các cá nhân liên quan. Yêu cầu bà Thường thanh lý hợp đồng với Chi nhánh Viettel Hà Nội, thời gian thực hiện xong trước ngày 10/1/2015. Xã xây dựng phương án, biện pháp xử lý vi phạm về sử dụng đất theo quy định đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên phần diện tích đất theo Quyết định 1475/QĐ-UBND ngày 08/6/2009 của UBND huyện, báo cáo huyện trước ngày 10/1/2015.
Tuy nhiên, đến ngày 5/3, bà Thường vẫn chưa thanh lý hợp đồng đối với Chi nhánh Viettel Hà Nội; các hộ thuê đất, chuyển nhượng đất, sử dụng sai mục đích xã vẫn chưa có phương án xử lý. Điều đáng nói, UBND xã Cộng Hòa đã ký nhiều hợp đồng cho thuê đất tới tận năm 2029 mới hết hạn.
Theo ông Thủy, Chủ tịch UBND xã, việc xã ký hợp đồng cho thuê đất đến năm 2029 là sai thẩm quyền. |
Về việc UBND xã Cộng Hòa cho thuê đất tới tận năm 2029, ông Vương Đắc Thủy, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, thẩm quyền của xã chỉ được ký 5 năm 1 lần.
Liên quan đến việc thực hiện kết luận của UBND huyện Quốc Oai, ông Thủy cho biết: "Đến thời điểm này (5/3) xã mới rút một ít đất quỹ công ra làm công tác DĐĐT. Còn có bao nhiêu hộ sử dụng đất sai mục đích thì tôi chưa nắm hết vì đang bận vào DĐĐT. Xong DĐĐT xã mới xây dựng phương án thực hiện theo kết luận của huyện".
Nếu UBND huyện Quốc Oai không có phương án xử lý kịp thời thì gần 220ha đất nông nghiệp ở Cộng Hòa có nguy cơ bỏ hoang. |
Những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của UBND xã Cộng Hòa đã được chỉ rõ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Điều cần thiết bây giờ là UBND huyện Quốc Oai có phương án xử lý kịp thời những kiến nghị của người dân, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con nhận đất, gieo cấy. Nếu không xử lý kịp thời thì gần 220ha đất nông nghiệp nơi đây có nguy cơ bị bỏ hoang.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc tới bạn đọc./.
Hoàng Văn - Duy Kẻng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.