Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2016 | 5:10

Thị xã Sông Cầu: Đất tranh chấp vẫn được cấp “sổ đỏ”

Chỉ là vụ việc nhỏ nhưng cách giải quyết không “thấu tình, đạt lý” của UBND phường Xuân Phú (thị xã Sông Cầu - Phú Yên) khiến việc tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa tộc Hồ và ông Phạm Văn Thâu kéo dài từ năm 2012 đến nay, gây bức xúc dư luận.

Ông Dũng đứng tại trạm BTS chỉ xuống đường ĐT644 là khu vực đất đã đền bù, liền kề bên trong là khu đất ông Thâu khai man được UBND P.Xuân Phú hợp thức đề nghị cấp sổ đỏ.

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Hồ Thanh Dũng, đại diện cho gia tộc họ Hồ, khởi kiện UBND phường Xuân Phú (thị xã Sông Cầu) vì đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Phạm Văn Thâu trên mảnh đất đang có tranh chấp giữa gia tộc họ Hồ và ông Thâu.

Theo đó, diện tích đất tranh chấp thuộc khu đập Đá Vải (nay là khu phố Long Bình, phường Xuân Phú), đây là đất của gia tộc họ Hồ do ông Hồ Văn Thải và bà Lê Thị Đái (ông bà nội của ông Dũng) khai phá dưới triều vua Bảo Đại, có văn tự xác nhận rõ ràng, giáp đủ tứ cận. Phần đất này sau trở thành nơi chôn cất và xây dựng mồ mả của người dân xung quanh, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của gia tộc họ Hồ.

Ngày 20/9/1988, con trai ông Thải là Hồ Ngọc Minh (cha của nguyên đơn) tự ý chuyển nhượng 522m2 đất cho ông Phạm Văn Thâu. Trong hồ sơ vụ việc, ông Minh  thừa nhận: lừa dối vợ con, tự viết giấy tay và tự ký tên vợ con để chuyển nhượng 522m2 phần đất mặt tiền tuyến ĐT644 cho ông Phạm Văn Thâu. Như vậy, việc chuyển nhượng giữa hai ông diễn ra không đúng quy định pháp luật. Không đồng tình với việc chuyển nhượng này, con cháu họ Hồ gửi đơn nhờ chính quyền can thiệp. UBND phường Xuân Phú đứng ra chủ trì hòa giải vào ngày 8/4/2011 nhưng không thành, sau đó hồ sơ được chuyển lên TAND thị xã Sông Cầu chờ thụ lý.

Vụ tranh chấp QSDĐ của gia tộc họ Hồ còn xảy ra với ông Bùi Ngọc Sáng – người mua lại đất từ ông Hồ Ngọc Minh theo hình thức viết tay và không có sự đồng ý của gia đình ông Minh. Tuy nhiên, sau khi họ Hồ gửi đơn kiện đến TAND thị xã Sông Cầu, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 7/2014/DS-ST, ngày 16/4/2014, TAND thị xã Sông Cầu đã tuyên: buộc ông Bùi Ngọc Sáng trả lại toàn bộ diện tích đất chuyển nhượng trái pháp luật cho họ Hồ. Bản án nhanh chóng được thi hành, họ Hồ đã nhận lại diện tích đất thuộc quyền sở hữu của mình.

Rõ ràng UBND phường Xuân Phú biết rõ việc tranh chấp đất giữa họ Hồ và ông Phạm Văn Thâu, thậm chí biết TAND thị xã Sông Cầu đang thụ lý vụ việc, thế nhưng cuối năm 2012, UBND phường Xuân Phú lại đưa tên ông Phạm Văn Thâu vào danh sách cấp tiền đền bù giải phóng mặt bằng tuyến ĐT644. Liệu có hay không việc UBND phường Xuân Phú “ưu ái” ông Thâu, bất chấp vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo? Điều đáng nói là, ông Thâu có tên trong danh sách nhận đền bù giải phóng mặt bằng tuyến ĐT 644  với khung giá trên 900.000 đồng/m2, tức là với diện tích 522m2, số tiền đền bù lên tới 523.600.000 đồng. Thế nhưng, trước phiên tòa xét xử ngày 16/4/2014, ông Nguyễn Hữu Toàn (con rể, được ông Thâu ủy quyền) nói rằng: Tôi chỉ nhận được khoảng 250.000.000 đồng. Vậy hơn 223.000.000 đồng nằm ở đâu?

Chưa hết, UBND phường Xuân Phú còn “cấp tốc” làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Thâu với diện tích 917,3m2 (phần đất này nằm liền kề diện tích 522m2 nói trên). Sổ đỏ được cấp cho ông Thâu vào cuối năm 2015,  thì đầu năm 2016, UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy phép cho xây dựng “Trạm BTS viễn thông phường Xuân Phú”. Tại biên bản làm việc ngày 7/6/2016 giữa các bên liên quan đến tranh chấp xây dựng Trạm BTS, UBND phường Xuân Phú không ngần ngại công bố: Sổ đỏ cấp cho ông Thâu, có diện tích 917,3m2, trong đó đất đô thị 300m2, đất trồng cây lâu năm 617,3m2. Như vậy, có thể khẳng định, lô đất UBND phường Xuân Phú hợp thức hóa thủ tục cấp chui cho ông Thâu có giá trị gần cả tỷ đồng.

Đây là hành vi cố ý làm sai nguyên tắc, vi phạm pháp luật của UBND phường Xuân Phú, gây bức xúc dư luận. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm cán bộ cố tình làm trái quy định, trả lại công bằng cho người dân. 

Phi Công

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top