Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 7 năm 2018 | 15:10

Thịt lợn Trung Quốc nhập lậu ồ ạt tuồn vào Việt Nam

Thịt lợn Trung Quốc bắt đầu nhập lậu ồ ạt về Việt Nam qua Móng Cái và Lạng Sơn, do giá thịt lợn Trung Quốc hiện rẻ hơn của Việt Nam rất nhiều.

Thời gian gần đây, thịt lợn Trung Quốc nhập lậu đã bắt đầu ồ ạt vượt biên sang Việt Nam để đưa về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Bằng chứng, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ các xe chở lợn Trung Quốc nhập lậu đang trên đường vận chuyển về xuôi.

Đơn cử, vào ngày 3/7, Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với công an huyện Đình Lập (Lạng Sơn) phát hiện 2 xe ô tô BKS 12C-050.46 và 12C-074.54 đang vận chuyển 18 con lợn thịt, tổng trọng lượng hơn 3 tấn nhập lậu từ hướng biên giới xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) về tiêu thụ.

Chủ số hàng trên là ông Lộc Văn Xuân (trú tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập) và ông Trần Văn Hải (trú tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã khai nhận là toàn bộ số lợn sống trên được mua của một số người dân Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn biên giới về Việt Nam.

1.png
Số lợn nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

 

Cũng tại địa bàn này, vào đầu tháng 6, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 13 con lợn còn sống với tổng trọng lượng trên 1,5 tấn. Đáng chú ý, ngoài trọng lượng của từng con lợn nhập lậu rất lớn, trên tai mỗi con lợn đều có đánh mã số bằng chữ Trung Quốc. Cùng thời điểm, công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với QLTT tỉnh ngăn chặn xe ô tô chở gần nửa tấn thịt lợn sống Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ.

Không chỉ Lạng Sơn, từ đầu tháng năm lại đây, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng liên tục bắt giữa các vụ vận chuyển trái phép thịt lợn, lợn sống và lợn giống từ Trung Quốc về Việt Nam. Cụ thể, ngày 9/5, Trạm kiểm soát biên phòng Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Tổ kiểm soát Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã bắt giữ xe ô tô tải chở 12 con lợn nái, tổng trọng lượng 1,3 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Qua quá trình điều tra, chủ của lô lợn khai nhận đã mua số lợn trên của người dân Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/con, sau đó nhập lậu về xã Quảng Minh để giết mổ rồi đem ra chợ tiêu thụ.

Cuối tháng 5, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải chở 35 con lợn giống nhập lậu. Chủ hàng khai nhận đã lái xe ô tô vào khu vực biên giới, sau đó để xe ô tô ở bờ sông biên giới phía Việt Nam rồi lội qua sông sang Trung Quốc, vào nhà một hộ dân ở giáp biên giới mua lô lợn này chở về Việt Nam tiêu thụ.

Theo các chuyên gia trong ngành, trước đây thịt lợn ở Việt Nam vẫn được xuất qua Trung Quốc do giá lợn hơi của nước ta thấp hơn nước bạn. Song, thời điểm này thì ngược lại, giá thịt lợn Trung Quốc lại rẻ hơn của ta rất nhiều. Đó là nguyên nhân khiến thịt lợn Trung Quốc đang được nhập lậu ồ ạt về Việt Nam.

Tôm tạm thời bị cấm xuất khẩu sang Kuwait

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) dẫn nguồn tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Kuwait sẽ tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm có xuất xứ từ Việt Nam.

Cụ thể, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait có Công điện số 071/ĐSQ thông báo về việc Bộ Công Thương Kuwait ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam do xuất hiện virus bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm.

Theo đánh giá sơ bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, nhiều khả năng Bộ Công Thương Kuwait ban hành Quyết định này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dựa trên quyết định tương tự của Saudi tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam năm 2016 và toàn bộ thủy sản của Việt Nam cuối tháng 1/2018. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng chất lượng sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait phát sinh virus như phía bạn đề cập.

 

2.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)



Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Kuwait (bao gồm cả tôm các loại) chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng xuất khẩu toàn ngành, tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua liên tục đối mặt với truyền thông bất lợi về chất lượng thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó Saudi (là một nước lớn có tiếng nói trong khu vực vùng Vịnh) cũng đang đơn phương tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ thủy sản của Việt Nam, động thái nêu trên của Kuwait sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản mới đạt 40% kế hoạch

Kết thúc 6 tháng đầu năm, xuất khẩu (XK) thủy sản dù tăng trưởng khá tốt song mới đạt trên 40% kế hoạch năm. Bởi vậy, ngành thủy sản nhận định để đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD trong cả năm 2018 không phải điều đơn giản, cần sự nỗ lực lớn.

Theo Tổng cục Thủy sản, nửa đầu năm 2018 tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,5 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác 1,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 1,79 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2017, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,7%, sản lượng khai thác, tăng 5%, sản lượng nuôi trồng tăng 6,4%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 12,9%.

3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Đánh giá cao những kết quả mà ngành thủy sản đạt được trong nửa đầu năm, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám phân tích: “Với XK thủy sản nói chung, nửa đầu năm đạt 4 tỷ USD là đáng mừng nhưng so với chỉ tiêu 10 tỷ USD mà Bộ trưởng đặt ra cho ngành thủy sản, nhiệm vụ còn rất nặng nề, còn rất nhiều việc phải làm.

"Ví dụ, đơn cử như với tôm-mặt hàng tác động chủ yếu tới kim ngạch XK thủy sản. Trong sản xuất, nuôi trồng tôm, nửa đầu năm sản lượng mới đạt 258 nghìn tấn/743 nghìn tấn đặt ra cho cả năm. Điều này không đặt ra quá nhiều lo lắng bởi kinh nghiệm cho thấy, có những năm nửa đầu năm sản lượng tôm chỉ đạt 190 nghìn tấn, song cả năm vẫn đạt sản lượng đề ra. Tuy nhiên, đây cũng là điểm phải cố gắng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc

Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Việc nước này giảm thuế NK đối với một số sản phẩm cá tra đang là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh XK cá tra sang thị trường này.

Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế NK đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia ưu tiên (các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO). Đáng chú ý là thuế NK cá tra phi lê sẽ giảm từ 10% xuống 7%, còn thuế NK cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Chính sách thuế NK mới đã có hiệu lực từ ngày 1/7.

Việc giảm thuế như trên là cơ hội để các DN XK cá tra sang Trung Quốc gia tăng biên lợi nhuận và tiếp tục đẩy mạnh XK cá tra sang thị trường lớn nhất hiện nay, nhất là qua đường chính ngạch. Lâu nay, XK cá tra sang Trung Quốc qua đường chính ngạch vẫn đang gặp phải những thách thức không nhỏ từ XK cá tra qua đường biên mậu. Trước hết là việc cá tra NK vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17%, còn đi đường biên mậu không chịu thuế này (và cũng tránh được thuế NK). Do đó, việc Trung Quốc giảm mạnh thuế NK với cá tra sẽ giúp cho nhiều DN Việt Nam yên tâm hơn trong việc XK qua đường chính ngạch.

4.jpg
Thu hoạch cá tra tại An Giang. (Ảnh: Internet)

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được coi là một cơ hội để các DN Việt Nam đẩy mạnh XK cá tra sang cả 2 thị trường này.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đối với cá tra Việt Nam, Trung Quốc không chỉ là thị trường rộng lớn nhờ dân số đông mà còn vì nước này có nền ẩm thực rất phong phú. Trong khi đó, cá tra lại là sản phẩm phù hợp để có thể chế biến lên tới hàng trăm món ăn khác nhau. Do đó, ngành cá tra Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng XK các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.

EC yêu cầu Việt Nam nỗ lực hơn nữa để gỡ thẻ vàng thủy sản

Đoàn Thanh tra EC cho rằng, viêc chống khai thác IUU của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Công tác cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để triển khai có hiệu quả chống khai thác IUU, theo Đoàn Thanh tra EC, việc chống khai thác IUU cần hành động cụ thể tích cực, mạnh mẽ hơn trong thực tiễn và đưa ra các nội dung Việt Nam cần phải ưu tiên trong thời gian tới như: ​Thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU đủ mạnh và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên kiểm tra, tăng cường kết nối để thực thi nghiêm túc, thực chất trong việc chống khai thác IUU; tiếp tục hoàn thiện khung dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản, bổ sung một số điều liên quan đến chế tài xử phạt như: Tịch thu sản phẩm, ngư cụ, giấy phép...

Lâm Đồng bảo vệ thương hiệu khoai tây

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 1294/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt. Đây được coi là giải pháp khả thi chống lại tình trạng khoai tây Trung Quốc đưa vào Đà Lạt.

Sau khi đề án triển khai, sản phẩm khoai tây Đà Lạt sẽ được đóng vào túi lưới nhỏ trong có tem đăng ký thương hiệu thống nhất. Các túi lưới này sẽ xếp trong thùng carton loại 10kg, có dãn tem niêm phong, nhãn hiệu đăng ký độc quyền sản phẩm khoai tây Đà Lạt để người tiêu dùng phân biệt.

5.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Theo nội dung Quyết định 1294, tỉnh Lâm Đồng sẽ đặt sản xuất 65.000 thùng carton loại 10kg; 900.000 nhãn dán; 65.000 tem dán trên thùng và 900.000 tem đặc biệt dạng tem chống hàng giả để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường. Tổng kinh phí để thực hiện Đề án này trên 1,055 tỷ đồng; trong đó, sử dụng gần 776 triệu đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng đề án./.

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top