Trở lại sau 9 năm ngày dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khởi động, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, cả 6 xã bãi ngang Thạch Hà vẫn chưa tìm được lối thoát cho mình. Nhường đất cho dự án, hoặc ba bốn thế hệ phải ở chung trong một mái nhà vì thiếu phương án tái định cư, hoặc có chỗ ở mới thì thiếu việc làm phải “sống mòn” bên moong mỏ…
>> Thông điệp từ mỏ sắt Thạch Khê
Căn bếp 6m2 của gia đình ông Nguyễn Trung Tín - nơi luân phiên phục vụ nấu ăn cho 3 hộ gia đình với cả chục người.
3 - 4 thế hệ sống chung trong một nhà
Gia đình ông Nguyễn Trung Tín, thôn Thượng Hải, Thạch Hải nằm trong khu vực cận kề moong mỏ. Không nằm trong diện di dời nhường đất cho dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê giai đoạn 1, đáng ra ông đã yên bề làm ăn, xây dựng gia đình. Đằng này, như bị “nhốt” giữa mảnh đất tổ tiên, 10 năm nay, gia đình ông có thêm 4 thành viên mới, tách thành 3 hộ gia đình vẫn phải sống trong cùng một mái nhà.
Ông Nguyễn Trung Tín cho biết: “Từ năm 2007, không được nhà nước cho cấp đất ở mới vì vướng quy hoạch di dời. Dự án lại gián đoạn nên khu vực tái định cư của xã Thạch Hải vẫn chưa có, chúng tôi đi không được, ở không xong. Hai con trai lấy vợ, sinh con, trong nhà còn hai đứa chưa xây dựng gia đình nhưng tất cả đều đang tá túc trong nhà bố mẹ vì không có đất ở. Tháng vừa rồi, tôi cho một đôi ra riêng cho dễ sinh hoạt nhưng vẫn chung một bếp nấu, cứ chúng nó nấu ăn xong mới đến lượt ông bà”. Trong căn bếp chưa đủ 6m2 là la liệt đồ nấu nướng, kệ tủ để đủ phục vụ sinh hoạt cho cả đại gia đình.
Khó khăn hơn những hộ trong thôn, ông Nguyễn Văn Hùng, hiện đang là trưởng thôn Thượng Hải, thế nhưng ông phải ở nhờ nhà cháu ruột vì không có đất ở. “Nghịch cảnh của Thạch Hải là những thôn được phép xen dắm dân thì quỹ đất không còn nữa, còn những nơi còn đất thì nằm trong quy hoạch di dời. Trong thôn có 15 gia đình có 3- 4 hộ cùng chung sống, hiện nay có đến 30 – 40 hộ dân đã phải tự di chuyển, tìm chỗ ở nơi khác, người thì đi xuất khẩu lao động, người thì thoát ly khỏi xã”. Hiện, Thạch Hải có 200 hộ dân bí bách về đất ở, có gia đình cha con xảy ra mâu thuẫn vì chuyện đất ở, có người phải chuyển hộ khẩu về gia đình vợ để nuôi một hi vọng mong manh chờ…đất ở.
Đồng ruộng hai lúa buộc phải bỏ hoang ở xã Thạch Đỉnh.
Lao động thất nghiệp, sản xuất trì trệ…
Giữa lúc vụ lúa hè thu đang ở chặng nước rút mùa vụ thì những cánh đồng của xã Thạch Đỉnh vẫn bỏ không, phơi mình giữa cái nắng gay gắt. Ngồi nhìn ra đồng hoang, chị Trương Thị Nhung, thôn 10 chia sẻ: “Mùa này đồng khô cỏ cháy, không có nước thủy lợi, đồng ruộng cạn khô, hoa màu không có cây nào sống nổi, người dân chúng tôi mùa này chỉ có nhìn ra mà xót ruột”.
Những cánh đồng rau màu ở Thạch Khê vốn là kế sinh nhai của bà con vùng đất mỏ, thế nhưng nhiều năm nay chẳng có thu hoạch nữa vì đất đai cằn cỗi, hạ tầng không được đầu tư. Ông Nguyễn Văn Quảng (70 tuổi), trú thôn Tân Phúc, xã Thạch Khê cho biết: “Mạch nước ngầm bị tụt, cạn kiệt hoàn toàn nên không thể trồng cấy. Vùng đất này đã trở thành vùng đất chết!”.
Người dân xã Thạch Đỉnh đang thiếu việc làm.
Còn anh Bùi Quang Long ở thôn 9 khu TĐC Thạch Đỉnh mặc dù là đối tượng được ưu tiên đào tạo nghề lái máy xúc để chuyển đổi nghề phục vụ dự án nhưng khi nghề đã sẵn sàng thì dự án lại tạm dừng. Đất của gia đình bị thu hồi chuyển về khu tái định cư với 300 m2, ruộng vườn không còn anh phải tìm việc ở mỏ đá tư nhân. Công việc nặng nhọc, không ổn định nhưng vì kế sinh nhai anh đành phải bám trụ. Rẽ một con đường khác, em trai anh đang theo lớp học tiếng để xuất khẩu sang Nhật. “Ở làng này chỉ có người già và trẻ em nữa thôi, còn lại phải tự tìm việc mà kiếm sống chứ không có nghề gì cả vì ruộng vườn không còn, nghề địa phương lại không ổn định”, chị Lan, một người sống ở làng chia sẻ.
Điều đáng nói, mặc dù huyện nỗ lực để triển khai đề án hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng dự án nhưng vì dang dở đầu tư mà phát triển sản xuất cũng chỉ ở dạng cầm cự. Chẳng hạn như ở Thạch Hải, hiện 12ha nuôi trồng thủy sản- là thế mạnh duy nhất của địa phương cũng đang là “đất mượn”. Đó là lý do kìm hãm sự đầu tư một cách đồng bộ để tăng hiệu quả kinh tế.
Quan điểm của Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà là, dù dự án có làm hay không cũng phải xây dựng để ổn định đời sống cho bà con. Phải cho người dân tiếp tục sản xuất, khu vực nào chưa đền bù, vẫn nên để người dân canh tác. Song khó khăn nhất vẫn nguồn vốn, trong khi hạ tầng xuống cấp trầm trọng…
Kỳ 3: Hạ tầng xuống cấp, du lịch đình trệ
Anh Bình - Bá Tân
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.