Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2017 | 8:3

Thông điệp từ mỏ sắt Thạch Khê - Kỳ cuối: Mong mỏi từ lòng dân!

Tiếp tục triển khai hay dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê? Người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng dự án nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung đang mong chờ các bộ, ngành liên quan và Chính phủ sớm có quyết định sáng suốt nhất, khoa học nhất để hạn chế tối đa các tác động, hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra và đang xảy ra đối với người dân, doanh nghiệp và nhà nước trong vùng.

>> Kỳ 4: Cần cái nhìn tổng thể

>> Kỳ 3: Hạ tầng xuống cấp, du lịch đình trệ

>> Kỳ 2: Sống khắc khoải bên moong mỏ

>> Thông điệp từ mỏ sắt Thạch Khê

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn kiểm tra, thăm hỏi tình hình đời sống người dân vùng mỏ

Dự án khai thác mỏ sắt tiếp tục triển khai hay dừng, tạm dừng? Đặc biệt, nếu triển khai dự án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và KTXH vùng mỏ? Đó là “câu hỏi lớn” của người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nói riêng và nhân dân Hà Tĩnh nói chung trong hơn 7 năm qua (tính từ thời điểm tạm dừng bóc đất tầng phủ - PV) nhưng đến nay chưa có lời giải đáp.

Cũng xin nhắc lại, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh và đặc biệt là người dân 6 xã vùng mỏ đã đồng sức, đồng lòng phối hợp kiểm đếm, GPMB, di dời, TĐC. Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch 552 ha, có 461 hộ kiểm đếm, 113 hộ dân bị ảnh hưởng đã di dời, TĐC. Trong điều kiện TIC không “rót” đủ nguồn để đền bù, GPMB và xây dựng các khu TĐC thì những nỗ lực của địa phương rất đáng ghi nhận.

Câu hỏi mà người dân cần trả lời sớm là, dự án khai thác mỏ sắt sẽ được triển khai hay dừng, tạm dừng? những tác động, hệ lụy có thể phát sinh nếu dừng hoặc tiếp tục triển khai dự án?

Ngày 29/5, tại buổi làm việc với đại diện các bộ: Kế hoạch & đầu tư, KH&CN, TN&MT, Công Thương, Tài chính, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các chuyên gia trên lĩnh vực mỏ - địa chất – luyện kim, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã phân tích, chỉ rõ những hệ lụy.

Theo đó, nếu dừng dự án, mặt được tích cực về môi trường sinh thái, môi trường sống dân cư vùng bị ảnh hưởng sẽ được hoàn trả nguyên trạng. Về xã hội sẽ ổn định đời sống nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. “Mặt được lớn nhất là về lâu dài, phát triển KTXH sẽ bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển. Hơn nữa, sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về mặt môi trường (sa mạc hóa, tụt nước ngầm, ô nhiễm…) có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng phân tích.

Tuyến đường ven biển Thạch Khê – Vũng Áng sẽ nhanh chóng xuống cấp do phải chịu tải bình quân gần 1.000 lượt xe/ngày

Nếu triển khai dự án, về lợi ích trước mắt là tăng thu ngân sách từ các nguồn thu thuế, phí; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, TĐC, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương…Tuy nhiên, về lâu dài, dự án sẽ có những tác động, có thể phát sinh các hệ lụy nghiêm trọng đến KTXH, môi trường cả vùng. Quy mô và phạm vi dự án rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, moong mỏ tạo thành hồ lớn sâu -550m nằm ngay bờ biển và thành phố Hà Tĩnh có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đặc biệt, về kinh tế sẽ mất cả khu du lịch Thạch Hải, tiềm ẩn ảnh hưởng rủi ro lớn đến cả dải du lịch ven biển của Hà Tĩnh. Tỉnh có thể phải đánh đổi cả môi trường đầu tư nếu tiếp tục xẩy ra sự cố môi trường tương tự như vụ formosa sả thải. Bên cạnh đó, về mặt xã hội ảnh hưởng đến tâm lý nhân dân, bất ổn an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn.

Đặc biệt, lãnh đạo Hà Tĩnh bày tỏ quan ngại khi trong đánh giá ĐTM chưa khẳng định được chắc chắn có hang caster hay không? Việc đánh giá mức độ và công tác xử lý xâm nhập mặn, tụt mực nước ngầm chưa khả thi, nguy cơ hoang mạc hóa ở phạm vi rộng, kể cả thành phố Hà Tĩnh (khoảng cách mỏ chưa đến 6km) là rất lớn. Thực tế mới bóc đất tầng phủ mà đã xuất hiện tụt nước ngầm và sa mạc hóa tại vùng bị ảnh hưởng bởi dự án.

Tại buổi làm việc với các bộ, ngành, chủ đầu tư về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê ngày 29/5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cũng thẳng thắn  bày tỏ những nghi ngại về tính khả thi của dự án xây dựng nhà máy nước Thạch Trị công suất 2 triệu m3/ngày đêm. “Nguồn cấp nước cho nhà máy lấy từ đâu? Nhà máy có công suất lớn như thế TIC có đủ nguồn lực để triển khai? Tiến độ xây dựng nhà máy như thế nào? Có kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân? Những cái này trong dự án chưa có câu trả lời thỏa đáng” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề xây dựng cảng (sau khi đổ thải) ở vùng bãi ngang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, không khả thi, bởi thủy đồ vùng biển ở đây nông, cách bờ 1.000m mớn nước bình thường chỉ hơn 4m. Để lấn biển, TIC phải xây thành chắn sóng với chi phí khoảng hơn 100 triệu USD. Nếu không xây thành chắn sóng, thì chỉ một thời gian ngắn cả Cửa Nhượng và Cửa Sót sẽ bị bồi lấp (do hướng gió Đông - Bắc và gió Nồm –Nam cùng với thủy triều), hậu quả xấu sẽ không tránh khỏi.

Trong thời gian chờ rà soát, đánh giá để xem xét việc khởi động lại hoặc trường hợp dừng thực hiện dự án, Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp xử lý các vấn đề tồn đọng của dự án hiện nay, đặc biệt việc ổn định cuộc sống cho nhân dân 6 xã bị ảnh hưởng, được quy hoạch, sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng, duy trì vùng du lịch.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng: “Sau sự cố môi trường Formosa, dư luận rất băn khoăn, lo lắng, không chỉ đối với Thạch Khê mà cả đối với các dự án lớn, có quy mô khác. Chúng tôi nghĩ rằng, để phát triển bền vững cần có sự đánh giá, rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng của các cơ quan chuyên môn dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ ban ngành Trung ương, địa phương để việc tái khởi động hay dừng đều đảm bảo các bước phát triển bền vững nhất và để người dân an tâm, đồng thuận”.

Những hệ lụy mà người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã, đang phải gánh chịu trong những năm qua là rất lớn, không thể đo đếm hết. Một dự án còn quá nhiều những bất cập, rủi ro trong khai thác, hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ môi trường sống, Chính phủ cần sớm có quyết định dừng dự án, đảm bảo phát triển bền vững không chỉ riêng đối với Hà Tĩnh mà còn đối với cả khu vực biển miền Trung.  

Lời thỉnh cầu:

GS.TSKH Bùi Văn Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KH&CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: với điều kiện kỹ thuật như hiện nay, việc đầu tư số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng vào mỏ sắt Thạch Khê là rất lãng phí và không phù hợp. "Tôi nghĩ chúng ta không nên đầu tư 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ quặng sắt Thạch Khê. Hiện nay chúng ta làm chưa có lợi vì đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn nhiều trong khi đất nước thì nghèo.

TS Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: “Sau sự cố môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư Dự án mỏ sắt Thạch Khê rà soát, khắc phục lại tồn đọng của dự án rồi mới tái khởi động, tôi rất đồng tình với quyết định này của tỉnh. Phát triển kinh tế là điều quan trọng nhưng phải đảm bảo được cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng, đảm bảo được môi trường thì mới phát triển bền vững được”.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Ngô Đức Huy: “Chúng ta nên suy nghĩ lại, nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay là để vùng này phát triển du lịch và dịch vụ. Bởi mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn nhưng khả năng chỉ khai thác được 300-350 triệu tấn. Ngoài ra, để thực hiện dự án phải lấn biển, trong khi hệ lụy của dự án đối với người dân là rất lớn”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm cấp quốc gia, ảnh hưởng lớn đến KTXH, môi trường của Hà Tĩnh, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi dự án có đủ điều kiện thực hiện thì cần báo cáo, xin ý kiến thông qua HĐND tỉnh.

Anh Bình - Bá Tân

            

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top