Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 14:11

Thu hồi đất của HTX NN Tân Ba: Cần xem xét bồi thường thỏa đáng

Các quyết định thu hồi, định mức đơn giá đền bù về đất đai và các hạng mục liên quan đã đẩy HTX Nông nghiệp Tân Ba, đơn vị KTTT có đất sản xuất bị thu hồi lâm vào tình trạng khó khăn về vốn SX kinh doanh, thiếu hụt đất đai canh tác...

Đơn vị đã khiếu nại nhiều lần, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, gây bức xúc và lo âu cho người lao động.

 

3.jpg

Diện tích đất của HTX Nông nghiệp Tân Ba bị thu hồi

 

Chênh mức bồi thường hỗ trợ

Thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích đất sản xuất, năm 1979, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Ba (HTX Tân Ba), thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay thuộc xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được thành lập.

Những năm đầu thành lập HTX Tân Ba, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, bà con xã viên đều nghèo khó, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. HTX Tân Ba đã nỗ lực không ngừng để vượt khó, phát huy tiềm năng đất đai, lao động, phát triển sản xuất, đời sống xã viên dần ổn định. Bằng nguồn lao động sức người, của cải vật chất do xã viên đóng góp và công sức lao động thủ công của người dân, HTX Tân Ba đã khai hoang 155,49ha đất là đất nghiêng và rừng chồi. Ngày 27/3/1989, UBND tỉnh Sông Bé (nay là 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước) có Quyết định số 61/QĐ-UBND cấp phép sử dụng đất cho HTX Tân Ba với diện tích 155,49ha để sản xuất cây công nghiệp và hoa màu. Ngày 4/11/2003, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 325/QĐ-UBND cấp quyền sử dụng đất 65,711 ha đất sản xuất cho HTX Tân Ba. Trong quyết định ghi rõ: “Giao đất cho HTX NN Tân Ba thuê đất, tạm thời cho HTX nợ khi nào Bộ Tài chính thông báo giá thì HTX phải nộp tiền thuê đất tính theo thời điểm được cấp quyền sử dụng đất”.

Đối với diện tích đất còn lại 879.046m2  nằm trong tổng thể diện tích đất 155,49ha do trước đây HTX Tân Ba khai hoang, được UBND huyện Tân Uyên giao cho nhiều hộ dân ở địa phương sử dụng. Qua nhiều năm tập trung công sức tiền của đầu tư cải tạo, bồi bổ đất, HTX đã phát triển những vườn cao su đưa vào kinh doanh có hiệu quả, cải thiện đời sống cho các gia đình xã viên.

Năm 2015, tỉnh Bình Dương thực hiện Dự án mở rộng đường DH 411 và xây dựng trụ sở Công an huyện Bắc Tân Uyên (được tách ra từ Công an huyện Tân Uyên) trên vùng đất canh tác của HTX Tân Ba với diện tích gần 6ha. Trong dự án này, có 7.990,7m2 đất mở rộng đường và 51.538,8m2  xây dựng trụ sở công an huyện. Với việc thu hồi đất sản xuất, HTX Tân Ba được hỗ trợ với mức 120.000 đồng/m2  đất. 

Năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục thu hồi đất canh tác của HTX Tân Ba để mở rộng trụ sở Công an huyện Bắc Tân Uyên (xây dựng khu Nhà tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính) diện tích 1,5ha; xây dựng khu Tái định cư của huyện với diện tích trên 24,39ha. Toàn bộ khu đất bị thu hồi là những thửa đất do 12 hộ xã viên nhận khoán sản xuất với HTX và thửa đất một hộ cá thể có nguồn gốc là đất năm 1979 HTX Tân Ba khai hoang 155,49ha. Giá bồi thường hỗ trợ về thu hồi đất sản xuất cho đơn vị kinh tế tập thể này là 10.000 đồng/m2 .

Điều đáng nói, 12 hộ xã viên nhận đất, hợp đồng sản xuất với HTX Tân Ba thì được bồi thường, hỗ trợ số tiền theo đơn giá 128.000 đồng/m2  đất, cao gấp 12,8 lần tiền bồi thường hỗ trợ “chủ đất”. Trong số đó, có 4 hộ xã viên mới nhận hợp đồng sản xuất với HTX từ năm 2010.  Đối với hộ bà Chiêm Lạc, có đất kế bên với nguồn gốc là đất của HTX Tân Ba khai hoang trước đây, nay bị thu hồi, được hỗ trợ tiền với đơn giá từ 320.000 đến 410.000 đồng/m2 đất, cao hơn tiền hỗ trợ đơn vị kinh tế tập thể từ 32 đến 41 lần.

Trước đây, có 2 gia đình nông dân là Võ Văn Trí và Võ Thanh Liêm nhận hợp đồng giao khoán đất sản xuất với HTX Tân Ba trồng cao su với thời gian nhận khoán từ năm 2004 đến 2015. Hết hạn hợp đồng, trong những năm 2015 - 2016 - 2017, HTX Tân Ba có thu tiền giao khoán sản phẩm đối với 2 hộ dân này. Năm 2017, hai hộ này có đất bị thu hồi để xây dựng các công trình công cộng. Là đất do HTX Tân Ba quản lý sử dụng, nhưng 2 hộ dân này lại được “ưu ái” nhận tiền bồi thường về đất và hỗ trợ với giá 128.000 đồng/m2 . 

 

1.jpg

Bản đồ quy hoạch khu tái định cư huyện Bắc Tân Uyên nằm trên diện tích đất của HTX Nông nghiệp Tân Ba bị thu hồi.

 

Nhận thấy quá thiệt thòi cho đơn vị kinh tế tập thể, trong 2 năm nay, ông Dương Thế Phùng (SN 1963), Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Ba, đại diện cho 222 xã viên, khiếu nại lên các cấp chính quyền của tỉnh Bình Dương, đề nghị được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng về việc đất sản xuất bị thu hồi. Đơn vị kiến nghị thu hồi khoản tiền Nhà nước đã bồi thường cho 2 hộ dân nhận khoán sản xuất với HTX  (nhưng đã hết hợp đồng) để phân chia lại cho xã viên thông qua Đại hội thành viên năm 2019.

Trong đơn khiếu nại, HTX Tân Ba đề  nghị được hỗ trợ tiền sau khi bị thu hồi đất sản xuất, với giá 320.000 - 410.000 đồng/m2 , tương đương với giá hỗ trợ khi bị thu hồi đối đất với dân lao động cá thể sản xuất kế bên, trên vùng đất 879.046m2  trước đây do đơn vị kinh tế tập thể khai hoang cải tạo (Diện tích đất này do UBND huyện Tân Uyên (cũ) cấp lại cho nhiều hộ dân địa phương sử dụng).

Cần giải quyết bất cập

Sau khi nhận được nhiều đơn khiếu nại của HTX Tân Ba, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã trực tiếp xác minh, xem xét giải quyết sự việc. UBND huyện Bắc Tân Uyên, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức những cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền địa phương cùng một số cơ quan chức năng với người khiếu nại là HTX Tân Ba. Trong các cuộc đối thoại đó, HTX Tân Ba vẫn không đồng ý với nội dung giải quyết của tỉnh.

Ngày 14/1/2019, UBND huyện Bắc Tân Uyên ra Quyết định số 177/QĐ-UBND “Về việc giải quyết khiếu nại của HTX Nông nghiệp Tân Ba” với nội dung “Giữ nguyên Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/10/2018 của UBND huyện Bắc Tân Uyên về việc phê duyệt mức bồi thường chi phí  đầu tư vào đất còn lại thuộc dự án Mở rộng Trụ sở công an huyện Bắc Tân Uyên”.

Ngày 11/11/2019, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 3327/QĐ “Về việc giải quyết đơn của ông Dương Thế Phùng (đại điện HTX nông nghiệp Tân Ba) khiếu nại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên (lần 2) . Nội dung quyết định ghi rõ: “ Bác khiếu nại của ông Dương Thế Phùng (đại diện HTX nông nghiệp Tân Ba) đối với Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 14/1/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên và yêu cầu giải quyết bồi thường về đất theo đơn giá 320.000 - 410.000 đồng/m2  cho HTX nông nghiệp Tân Ba”.

HTX nông nghiệp Tân Ba đã bỏ vốn tự có cùng công sức tập trung khai hoang, nhưng chỉ được cấp quyền sử dụng đất chưa đến 40% diện tích  (65,711ha) trước đây UBND tỉnh Sông Bé đã cấp phép sử dụng (155,49ha) là sự bất cập. Trong suốt 40 năm, HTX Tân Ba khắc phục mọi khó khăn, tập trung cải tạo, giữ gìn tài nguyên đất để phát triển sản xuất cây công nghiệp, làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và chăm lo cuộc sống người lao động, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Khi có chủ trương thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng, đơn vị đã giao đất đai và tài sản trên đất cho Nhà nước. Đối với đơn vị kinh tế tập thể là chủ thể quản lý sử dụng đất đai, tài sản trên đất, nhưng được bồi thường hỗ trợ số tiền đất bị thu hồi chỉ bằng gần 8% so với số tiền những xã viên nhận hợp đồng khoán sản xuất với HTX; trong khi đó có một số gia đình xã viên mới nhận khoán sản xuất 7 năm và hộ dân ngoài ngoài HTX đã hết hợp đồng nhận khoán sản xuất 3 năm, nhưng vẫn nhận được tiền bồi thường hỗ trợ với đơn giá 128.000 đồng/m2 .

Hiến pháp ghi rõ “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Khoản 3, Điều 54 Hiến pháp quy định rõ: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

HTX Tân Ba và hàng trăm xã viên phải làm gì khi diện tích canh tác sản xuất bị thu hẹp? Thiệt thòi là quá lớn, quá nhiều, HTX khó xoay xở trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là điều đáng quan tâm cần phải được xem xét giải quyết thỏa đáng.

 

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top