Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 11 năm 2014 | 11:39

Thu hồi đất rừng của dân, cấp cho doanh nghiệp ở Đắk Lắk: Trái luật sao vẫn làm?

KTNT - Chỉ bằng một quyết định không có căn cứ pháp lý, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi trái luật hơn 400ha rừng và đất lâm nghiệp do các hộ dân nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 10 năm nay để giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư trồng mới. Việc làm này khiến dư luận hết sức bức xúc.


Bài 1: Dân “trồng cây”, doanh nghiệp “hái quả”

Đây là thực tế đang xảy ra tại huyện Krông Năng, nơi có hàng chục hộ dân đã trồng những thảm rừng thông, keo, bạch đàn hơn 10 năm nay nhưng giờ đang đứng trước nguy cơ mất trắng để dành cho doanh nghiệp chặt phá, trồng mới lại từ đầu.
 

Ông Văn đưa PV đi thị sát những mảng rừng thông, keo
do nhóm của ông trồng từ hơn 10 năm nay.

 
Vắt kiệt sức trồng cây, gây rừng

Ngược dòng thời gian 13 năm về trước, hưởng ứng phong trào trồng rừng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, 28 hộ dân ở xã Ea Tam và Cư Klông đã mạnh dạn nhận hàng trăm hecta đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng. 

“Việc giao khoán đất rừng giữa Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ và các hộ dân được thực hiện rất bài bản, có tính pháp lý theo Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ “về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng”. Trong đó có 12 hộ được giao khoán ổn định, lâu dài với thời hạn 50 năm”, ông Phan Khắc Văn, một trong những hộ dân nhận liên kết trồng rừng cho biết.

Tin tưởng vào hợp đồng giao khoán ổn định lâu dài, hàng chục hộ dân nghèo nơi đây đã huy động gia đình, người thân trồng rừng. “Xem rừng như nhà, cây rừng như con”, bà con mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư kinh phí cải tạo đất, đắp hồ thủy lợi, khai mở đường đi nhằm bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Tâm sự với chúng tôi, ông Võ Văn Nam, ở xã Ea Tam cho biết, năm 2001, được BQL vận động, cộng với quyết tâm phát triển kinh tế rừng, ông là 1 trong 28 hộ dân tiên phong làm đơn và được BQL giao khoán đất trồng rừng 50 năm. “Ngày đó, chúng tôi rất hồ hởi, sẵn sàng bỏ vốn của gia đình và vay thêm ngân hàng để trồng rừng. Ngoài mức đầu tư của Nhà nước thời bấy giờ, chúng tôi còn đầu tư thêm kinh phí với mức bình quân 30 triệu đồng/ha mới đảm bảo cây rừng lên xanh tốt như hiện nay”, ông Nam nói.

Cũng như ông Nam, nhóm 4 hộ liên kết trồng rừng do ông Phan Khắc Văn, ở xã Cư Klông đứng đầu cũng mạnh dạn thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng rừng trên diện tích 61ha được giao khoán ổn định, lâu dài. Với tầm nhìn của một cựu quân nhân từng “ăn rừng, ở rú”, cùng với nhãn quan của cán bộ được đào tạo bài bản, ông Văn đã động viên 3 hộ trong nhóm đầu tư hơn 5 tỷ đồng để đắp hồ đập thủy lợi, làm đường nội bộ phục vụ công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Không phụ tâm sức, trí tuệ và tiền của bỏ ra của hàng chục hộ dân, chỉ sau 10 năm trồng, hàng trăm hecta thông, keo, bạch đàn,... như một tấm thảm xanh mướt phủ khắp các triền đồi, thuộc các tiểu khu 311, 314, 316 ở 2 xã Ea Tam và Cư Klông. Thành quả lao động miệt mài đó của người dân đã khẳng định chủ trương, chính sách giao đất rừng cho dân là đúng đắn.

Doanh nghiệp điềm nhiên “hái quả”

Cứ tưởng người dân nơi đây sẽ được hưởng thành quả lao động của mình sau nhiều năm trồng rừng và chăm bón, bảo vệ nhưng công sức, mồ hôi và nước mắt của họ trong phút chốc có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển khi Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi diện tích đất trên giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành thuê, sử dụng với lý do... trồng rừng (!?)

“Hàng trăm hecta rừng chúng tôi bỏ công sức, tiền của ra trồng, chăm bón và bảo vệ, đến chu kỳ “hái quả” thì Công ty Trường Thành ở đâu nhảy vào đòi khai thác, cướp trắng công sức, tiền của bao năm trời dân nghèo chúng tôi bỏ ra”, ông Văn bức xúc cho biết.

Dẫn chúng tôi đi xuyên qua những thảm rừng thông, keo tươi tốt ở tiểu khu 316, ông Văn đọc vanh vách cho chúng tôi nghe những quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng, cũng như quy định “về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.  Ông Văn nói: “Không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào làm cơ sở cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất rừng đã giao khoán cho chúng tôi để dành đất cho doanh nghiệp. Còn chiếu theo Quyết định 178 của Chính phủ thì chúng tôi phải được hưởng lợi trực tiếp trên mảnh đất mà mình đã bỏ công sức ra trồng, cụ thể, hưởng lợi 100% sản phẩm phụ, 80-90% sản phẩm chính khi rừng đến tuổi khai thác và được trích 20% chỗ đất đẹp mà chưa trồng rừng để làm cây nông nghiệp hoặc ngư nghiệp”.

Quy định là vậy nhưng năm 2007- 2008, chỉ bằng một số “thủ thuật” như lập “biên bản khảo sát đất trồng rừng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Trường Thành”, cùng với một số biên bản khảo sát, phúc tra khác, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đơn phương ra Quyết định 2572/QĐ-UBND ngày 3/10/2008 thu hồi 568,43ha của BQL, chồng lấn lên 418,6ha đất rừng đã giao khoán cho các hộ dân, giao cho Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành mà không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của hàng chục hộ dân.

Ông Nam bức xúc: “Muốn thu hồi khu rừng này thì phải mời chúng tôi đến và hỏi chúng tôi điều kiện như thế nào. Đùng một cái đến năm 2008 thì bảo rằng thu hồi hết diện tích rừng này. Trong khi lúc giao đất rừng cho chúng tôi thì cam kết ổn định, lâu dài, làm đúng theo quy trình của pháp luật”.

Những hộ gia đình đang lưu giữ được hồ sơ gốc giao khoán như ông Nam, ông Văn, ông Vực, ông Việt... còn bị đối xử như vậy, thì các hộ gia đình không lưu giữ được hồ sơ gốc ở vào tình cảnh “sống dở, chết dở” khi cơ hội khiếu kiện để đòi lại quyền lợi của mình cũng bị tước đoạt.

Điển hình là hộ ông Vũ Đình Triều ở thôn Tam Hà, xã Cư Klông. Trước năm 2008, gia đình ông nhận khoán trồng 31ha rừng theo Chương trình 661. Gia đình ông và một số hộ khác có hồ sơ đầy đủ nhưng không hiểu sao khi tỉnh thu hồi thì hồ sơ giao khoán bị BQL làm thất lạc. Ông Triều nói: “Đến tận năm 2009-2010 gì đó tôi mới nghe diện tích đất rừng này đã chuyển đổi cho Công ty Trường Thành. Chúng tôi không biết chuyển đổi như thế nào, thu hồi ra sao. Hỏi giám đốc BQL dự án mới về, ông này cũng không biết. Ra BQL dự án hỏi hồ sơ giấy tờ gốc thì không còn một giấy tờ gì cả”.

Thất lạc hồ sơ, đồng nghĩa với việc mất luôn quyền lợi đáng ra ông Triều phải được hưởng vì đã bỏ công sức ra trồng 31ha rừng thông từ năm 2001 đến năm 2008, nay Công ty Trường Thành mặc nhiên được “hái quả” mà không mất một tí công sức nào. Trong khi đó, gia đình ông Triều vẫn còn nợ hơn 200 triệu đồng tiền vay ngân hàng để đầu tư trồng, chăm sóc rừng. Giờ không còn rừng, không còn nguồn thu từ rừng để trả nợ nên ngôi nhà ông đang ở đã bị ngân hàng kê biên.

Còn phía Công ty Trường Thành lại được UBND tỉnh Đắk Lắk ưu ái “dâng đất”, “dâng rừng”, trong đó có hàng vạn cây thông, cây keo đã đến tuổi khai thác thì chỉ phải nộp ngân sách một khoản rất ít ỏi là 5,242 tỷ đồng.

Anh Bình - Bùi Tiến
 
Bài 2: Gạt bỏ quyền lợi của dân
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top