Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 3 năm 2018 | 15:6

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Bắc Mê từng bước vượt khó

Bắc Mê là huyện nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh Hà Giang. So với các huyện động lực khác thuộc vùng thấp của tỉnh thì Bắc Mê hơi đuối về thuận lợi địa lý cũng như các nguồn lực đầu tư.

tr2ttt.jpg
Xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê ra quân làm đường giao thông nông thôn năm mới Mậu Tuất.

Nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng hàng năm rất hạn chế (bằng 1/3 so với huyện 30a - Chương trình hỗ trợ huyện nghèo của Chính phủ), vì vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), địa phương gặp khá nhiều khó khăn.

Hành trình từ TP.Hà Giang đến trung tâm huyện Bắc Mê dù chỉ hơn 50km nhưng có đến cả nghìn khúc cua tay áo. Người dân Hà Giang ai cũng biết câu: “Thứ nhất Hoàng Su Phì, thứ nhì Bắc Mê”, nói về độ khó của 2 cung đường được coi là gian nan nhất tỉnh. Không chỉ khó, cung đường đi tuyến Bắc Mê nay đã xuống cấp, bởi các xe có tải trọng cao lớn chuyển khoáng sản sau khai thác phá vỡ lòng đường. Nhiều tuyến đường xuống thôn, bản ô tô không thể vào được, thậm chí đi xe máy cũng rất khó khăn.

Vượt lên trên tất cả, Bắc Mê vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong thực hiện XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội. Trong tổng số 74 chỉ tiêu nghị quyết của HĐND huyện thì có 62 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch (KH) trở lên, 8 chỉ tiêu đạt 80% KH trở lên, 4 chỉ tiêu đạt dưới 80% KH. Một số chỉ tiêu đạt khá cao như: thu ngân sách 163,23 tỷ đồng, đạt 101,2% KH, tăng 17,5% so với năm trước; bình quân lương thực 559,6 kg/người, đạt 100,7% KH, tăng 0,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn 277,7 tỷ đồng, đạt 109% KH, tăng 19,1%;  trẻ từ 3 - 5 tuổi được huy động đi mẫu giáo chiếm 96,3%, đạt 101% KH, tăng 0,8%...

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, Bắc Mê triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ “4 nhà”, giúp người dân hình thành tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng, kèm theo liên kết với Trung tâm Khoa học giống cây trồng Đạo Đức thực hiện nhiều chương trình đầu tư có thu hồi trên địa bàn.

Việc chuyển đổi mùa vụ được thực hiện tích cực; chương trình đầu tư có thu hồi đã hỗ trợ 4 mô hình phát triển kinh tế vay 727,1 triệu đồng; thành lập được 08 HTX nông nghiệp; xây dựng được 14 gia trại chăn nuôi, 19 hộ gia đình có từ 20 con trâu, bò trở lên, 4 hộ gia đình có từ 1.000 con gia cầm trở lên. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thực hiện xây dựng xã điển hình, thôn điển hình về phát triển kinh tế kết hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời đưa cơ giới hóa vào sản xuất, rút ngắn cơ cấu mùa vụ. Đến nay, toàn huyện đã có 3.473 thiết bị các loại như: máy cày, máy thái cỏ, máy cắt lúa… Trong đó đã triển khai thực hiện tốt mô hình gieo mạ khay tự động, máy cấy và máy gặt đập liên hợp tại thôn Nà Xá, xã Yên Định với quy mô 25ha.

Từ tiềm năng sẵn có, Bắc Mê đã mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả như: Công ty cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang với dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định, quy mô 350ha, trong đó 150ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.500 tấn; HTX Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc) phát triển vùng trồng nghệ nguyên liệu, đã triển khai trồng được 146ha, thu nhập bình quân ước đạt 120 triệu đồng/ha; HTX trồng, chế biến tinh dầu hồi xã Đường Âm trồng được 173,6ha cây nguyên liệu, trong đó 120ha đã cho thu hoạch và một số mô hình, dự án khác... tạo đà cho phát triển sản xuất ổn định, bền vững. Tính đến 31/12/2017, huyện còn 3.739 hộ nghèo, chiếm 35,42% (giảm 53 hộ so với đầu năm).

Thực hiện Chương trình XDNTM, các xã trên địa bàn huyện, nhất là các xã điểm, đã tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư. Huyện đã có xã Minh Ngọc đạt chuẩn quốc gia NTM (năm 2016); xã Yên Định đạt 15/19 tiêu chí; xã Yên Phong đạt 14/19 tiêu chí; xã Lạc Nông đạt 10/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 7-9 tiêu chí… Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Người dân Bắc Mê mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, nguồn lực đầu tư hơn nữa từ phía lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để huyện đạt thêm nhiều tiêu chí, đặc biệt các tuyến đường giao thông hạ tầng được đầu tư nâng cấp, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

 

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top