Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 8 năm 2021 | 9:1

Thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn: Cần đột phá để bứt tốc

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng chiến lược của hành trình xây dựng nước Việt Nam giàu, mạnh.

Theo đó, chỉ có doanh nghiệp (DN) mới có thể đưa nền nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, hiện đại, cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. DN là đầu tàu dẫn dắt sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, bởi vậy, rất cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút DN vào lĩnh vực trọng yếu này.

Trên tinh thần đó, nhiều chính sách lớn được ban hành nhằm tạo cú huých thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế là, trong những năm gần đây, khá nhiều DN, cả trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Tuy vậy, vẫn còn không ít vấn đề cần đột phá với tư duy mới để nông nghiệp bứt phá.

 

tổ-hợp-trang-trại-bò-sữa-công-nghệ-cao-vianmilk-tại-thanh-hóa-mở-ra-bước-phát-triển-mới-cho-ngành-nông-nghiệp-chăn-nuôi-bò-sữa-tại-việt-nam.jpg
Trang trại số 1 thuộc Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao của Vinamilk
ở Thanh Hóa.

 Những chính sách “xương sống”

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp cũng nằm trong bối cảnh chung chịu sự tác động, cùng với   những khó khăn nội tại khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh thì để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đòi hỏi Chính phủ, ngành Nông nghiệp và PTNT cần có cơ chế, chính sách đột phá, thực sự hấp dẫn...

Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP là một trong 3 “chính sách của Việt Nam có tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu”, bên cạnh Quyết định 68/2017/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây là nhận định của Ban thư ký ASEAN tại “Báo cáo cơ sở về các chính sách vùng quan trọng liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu”.

Theo báo cáo của các cơ quan trung ương, sau hơn 01 năm Nghị định số 57/2018/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan Trung ương đã ban hành một số văn bản hướng dẫn Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn là căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 176/QĐ-BCT ngày 28/01/2019 về Danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BKHCN quy định hỗ trợ Danh mục công nghệ hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Điều 9 của Nghị định 57/2018/NĐ-CP; Bộ Nông nghiệp và PTNTban hành Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 về Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Triển khai nhiệm vụ của các địa phương, theo quy định tại Quyết định 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, đến nay có 40 địa phương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục dự án khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15 địa phương ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 10 địa phương ban hành định mức hỗ trợ chi tiết; chưa có địa phương ban hành cơ chế ban hành chính sách thúc đẩy tập trung đất đai theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP…

Thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, nhiều DN, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những DN hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, lúa gạo, cà phê,... Hệ thống DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn DN, bao gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Việc hỗ trợ DN tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp theo quy định tại Điều 16, Luật Đầu tư năm 2020 gồm: “Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học”. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề nông nghiệp đã được phê duyệt trong các Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.

Những chính sách trên cho thấy, Nhà nước ngày càng quan tâm hơn tới vai trò của DN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là đưa chính sách vào thực tiễn để đến với DN có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đây là vấn đề rất cần được Chính phủ,  đặc biệt là sự quan tâm của các địa phương, để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp.

“Đỏ mắt” tìm vốn ưu đãi

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, ban hành Quyết định số 813/2017/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Quyết định này, ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.

Thế nhưng, trên thực tế, giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp của nhiều DN bị kìm hãm bởi việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn do vướng mắc về tài sản chế chấp và nhiều quy định, thủ tục khác.

Anh Trần Hải Nam, Giám đốc Công ty CP Nông - Lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng (Vĩnh Phúc) cho biết: “Công ty đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để hình thành khu sản xuất rau tập trung 6ha; 1ha nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới tự động; khu vực nhà sơ chế, điều hành, kho lạnh… nhưng lại không thể sử dụng tài sản này để thế chấp ngân hàng”.

Mỗi ngày, Công ty Vĩnh Hưng cung cấp gần 3 tấn rau, củ, quả cho hệ thống siêu thị Vinmart và các bếp ăn tập thể, nhà hàng, siêu thị trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận.

Có nhiều triển vọng, doanh thu tăng trưởng ổn định qua các năm nhưng công ty vẫn chưa thể mở rộng quy mô bởi khó khăn về nguồn vốn.

Đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn. Trong khi đó, lợi nhuận thu về không cao khiến khả năng quay vòng vốn chậm. Lĩnh vực này lại có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh… dẫn đến nhiều rủi ro khó lường.

Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, các chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp hiện chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

Tạo cơ chế khuyến khích DN đầu tư

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút DN đầu tư vào sản xuất nông, lâm, thủy sản tại khu vực nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để trình Chính phủ, thay thế Nghị định 57/2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ mang đến nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó, với giả thiết 100 DN nông nghiệp được hình thành mỗi năm và mỗi dự án được đầu tư có quy mô khoảng 100 tỷ đồng, sẽ tạo ra ít nhất 10.000 việc làm trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp.

Đối với hiệu quả xã hội, hình thành các cơ sở chế biến nông sản vùng nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Về môi trường, các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm… được hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước sẽ cải thiện công nghệ, xử lý chất thải sẽ góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, hướng tới phát triển bền vững.

Đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của DN khi nhận được ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ được tăng cường giám sát đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc hỗ trợ DN sẽ tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, bao gồm: nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, trồng và bảo vệ rừng, làm muối, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học.

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp từ các địa phương cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 107.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dự kiến 8.600 tỷ đồng, tương đương 8%, để thực hiện khoảng 800 dự án.

Như vậy, nếu dự kiến mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách Nhà nước giai đoạn này là 10%, sẽ thu hút được khoảng 9.000 tỷ đồng từ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp trong vùng dự án trên địa bàn sẽ tăng hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ gồm miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước.

Cụ thể, DN thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước hai phần ba (2/3) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

DN thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước một phần hai (1/2) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

Về hỗ trợ tập trung đất đai: DN thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến nông sản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu như sau: Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Đối với hỗ trợ tín dụng đầu tư, dự thảo quy định, DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại để thực hiện dự án như sau: Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ: Tối đa 9 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 7 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Hạn mức hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng vốn vay của dự án…

 

chế-biến-ngao-tại-công-ty-lenger-việt-nam-lenger-seafoods-vietnam-xuất-khẩu-sang-eu-anh-nhật-bản-mỹ-hàn-quốc.jpg
Chế biến ngao tại Công ty Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) xuất khẩu sang EU, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

 

Đồng hành với DN

Để tạo niềm tin cho DN đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước cần lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của DN trong sản xuất, kinh doanh, từng bước giải quyết khó khăn, tạo niềm tin của DN. Đây cũng chính là một trong những giải pháp rất quan trọng để tháo gỡ thu hút đầu tư vào nông nghiệp, bởi DN nắm rất rõ những vấn đề đang bất cập cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ, từ đó thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Cùng với các giải pháp trên, ngành Nông nghiệp và PNTT cũng cần có định hướng về những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm mà ngành có thể tham gia hỗ trợ DN, từ đó tham khảo DN có ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Một điểm nghẽn hiện nay cần giải quyết để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, đó là bản chất đặc thù phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh (trong trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) có khả năng sẽ ập tới bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Chính phủ và ngành Nông nghiệp và PTNT cần có cơ chế thiết thực để hỗ trợ cho DN trong lúc gặp khó khăn, có thể lâm vào tình trạng “trắng tay”. Để từ đó, DN có thể yên tâm tham gia đầu tư hơn vào nông nghiệp.

Dẫu biết, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận nếu so với nhiều ngành nghề khác có thể là chưa bằng. Nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta khi là nước nông nghiệp và đặc biệt hơn, tạo điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân – lực lượng lớn ở khu vực nông thôn.

Do vậy, ngành Nông nghiệp càng cần hơn những cơ chế để thu hút DN đầu tư, đưa chính sách đến được với DN, đi vào thực tiễn cuộc sống để không những đưa ngành ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, mang lại giá trị cao mà còn tạo thêm nhiều vùng quê ấm no, có thu nhập thường xuyên cho chính người nông dân lao động cần cù, “một nắng hai sương”.

Nhà nước cần đồng hành với DN, đi cùng DN, đây sẽ là giải pháp hiệu quả để thu hút tiềm lực từ khối khu vực kinh doanh đầy tiềm năng và “táo bạo” này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta hiện có khoảng 20.000 DN và HTX nông nghiệp nhưng lại có hàng chục triệu hộ nông dân, vì vậy, cần tập hợp họ lại trong HTX, tổ hợp tác liên kết với DN thành một hệ sinh thái, làm “chất kích thích” để tạo điều kiện thuận lợi cho DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh về tư duy phát triển kinh tế nông thôn. “Có một thời gian, chúng ta chỉ chú trọng tới những DN lớn, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, điều này là cần thiết. Vì chỉ có những DN lớn mới dẫn dắt được xu thế thị trường, định ra được thị trường. Còn với những DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, đôi lúc chúng ta lại thiếu mặn mà. Ở một số nơi, chúng ta xem nhẹ phát triển HTX, địa phương chỉ mong tìm những con “đại bàng” thật lớn (DN lớn) về để thay đổi hình ảnh nông nghiệp của mình. Thế nên, chúng ta thường nói “lót ổ” để đón đại bàng chứ ít ai nói “lót ổ” để đón chim sẻ. Bây giờ chúng ta phải xem cả hai quan trọng như nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lắng nghe từ DN

Theo bà Vũ Thị Mai Hiên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Bộ đang thống kê những vướng mắc trong phát triển ngành nông nghiệp. Cụ thể, ngành đang rà soát 3 vấn đề trọng tâm, gồm: Đánh giá hoàn thiện thể chế đất đai liên quan đến ngành nông nghiệp; các chính sách đầu tư xây dựng cơ bản và thu hút đầu tư vào nông nghiệp; các thể chế gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.

 

Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước, trong đó số DN nông, lâm, thủy sản chiếm 1%.

Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ,  quy mô rất nhỏ. Quy mô các DN chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% số các DN đầu tư vào nông nghiệp.

 

Bà Hiên cho biết, ngành Nông nghiệp sắp đến hạn phải ban hành 20 loại giấy phép chứng nhận tại cơ sở, ví dụ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện thức ăn chăn nuôi, trang trại quy mô lớn, cơ sở đủ điều kiện thức ăn thuỷ sản, giống, chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết thêm, cùng với việc rà soát các vướng mắc, tồn tại trong ngành, Bộ cũng nhận được những ý kiến góp ý từ DN về vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh trong ngành Nông nghiệp.

Huy động, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đại biểu Hoàng Văn Liên, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, khi đi tiếp xúc cử tri,  đặc biệt là các vùng nông thôn, bà con đều nói rằng, muốn nông thôn phát triển, muốn xây dựng nông thôn mới, thì không chỉ huy động nguồn lực Nhà nước, không chỉ sức dân, mà còn phải huy động DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cho nên, đại biểu đề nghị Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích hợp lý, ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với việc xây dựng nông thôn mới.

Cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải có vai trò DN dẫn dắt câu chuyện cơ cấu lại nông nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, đầu tư hạ tầng chỉ là 1 điều kiện cần thôi chứ chưa phải điều kiện đủ. Điều kiện đủ là phát triển kinh tế nông thôn, bao gồm nâng cao chất lượng HTX, đưa HTX trở thành chuỗi ngành hàng ở nông thôn, để tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.

“Nếu nông sản chúng ta bán thô thì không có việc làm ở nông thôn. Nếu một chuỗi ngành hàng có bảo quản, có phân loại, có chế biến, có sơ chế, có đóng gói bao bì, làm ngay được một HTX ở xã nông thôn đó thì sẽ tạo ra việc làm và tạo ra được giá trị gia tăng. Nếu chúng ta vẫn bán nông sản thô, dù chúng ta dồn điền đổi thửa, một sào lên 10 sào, 1ha lên 50ha mà vẫn là bán thô thì giá trị nó cũng không tăng lên bao nhiêu. Vì vậy, chỉ khi chúng ta chuyển hóa, để trở thành một chuỗi ngành hàng, lúc đó giá trị mới gia tăng. Do đó, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra điểm mới, đó là phát triển kinh tế nông thôn. Điểm mấu chốt ở đây là vai trò dẫn dắt thị trường của DN, DN có thể thay đổi được cách thức sản xuất của người nông dân. Lúc đó chúng ta sẽ chuẩn hóa lại ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi, theo đúng xu thế thị trường”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, cần có chính sách tạo đà đủ mạnh để thu hút ngày càng nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp và đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top