Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2019 | 13:39

Thuận Thành: Xã đa nghề, người dân và địa phương cùng giàu

Đến xã Hoài Thượng (Thuận Thành - Bắc Ninh) trong dịp tổng kết 10 năm XDNTM giai đoạn 2010 - 2020, chúng tôi thấy người dân các làng nghề luôn bận rộn với những đơn hàng phải sớm hoàn thành để kịp giao cho khách trong và ngoài nước.

Khó có thể tưởng tượng, người dân làng nghề lại có thu nhập “khủng”, 15-20 tỷ đồng/năm, đóng thuế cho nhà nước gần 1 tỷ đồng/năm.

 

tr19.JPG
Bà Sáu cùng các lãnh đạo huyện, xã thăm cơ sở may.

 

Xưởng may xuất khẩu 20 tỷ đồng/năm

Đến xưởng may màn tuyn cho Liên Hợp quốc của chị Lê Thị Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Hoài An (thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng), chúng tôi thấy, cơ sở của chị khang trang, không kém gì các đơn vị làm hàng xuất khẩu ở các khu công nghiệp lớn.

Chị Sáu cho biết, chị sinh ra trong gia đình từ bao đời làm nông nghiệp, nhưng có thêm nghề dệt màn cổ truyền, nên từ nhỏ chị đã phải dệt màn sợi bằng khung cửi. Sau thời gian dài dệt màn ta, giá chỉ vài hào, sang thời kỳ xoá bao cấp, chị chuyên đi mua vải màn nội địa ở TP. Hồ Chí Minh, các nhà máy dệt trong nước và của Trung Quốc, may màn cung cấp cho các địa phương ở miền Bắc.

Công việc cứ liên tục như vậy đến năm 2006, chị được xã Hoài Thượng cho thuê gần 500m2 đất, để làm xưởng may và sản xuất ổn định đến năm 2016. Đây cũng là năm ghi nhớ một dấu mốc quan trọng khác, xưởng may của chị được tỉnh Bắc Ninh cho thuê thêm 13.000m2, với thời hạn 50 năm, ngay tại khu trung tâm hành chính xã, để tiếp tục mở rộng khu sản xuất. Cơ sở có đơn hàng may màn tuyn cho Liên Hợp quốc, phục vụ chương trình chống sốt rét cho các nước khu vực châu Phi.

Trao đổi với chúng tôi về việc Công ty Hoài An được chọn là đơn vị may màn cho Liên Hợp quốc, chị Sáu trả lời, rất đơn giản, do công ty thường nhận may hàng gia công cho Xí nghiệp May 10/10. Tình cờ, cách đây 15 năm, có lần màn của đơn vị được chọn làm hàng  mẫu, gửi đi nước ngoài và được chấp nhận. Vậy là Công ty Hoài An nhận được đơn hàng từ Liên Hiệp quốc từ bấy đến nay.

Hiện, công ty có tới 30 mẫu màn, nhưng xuất khẩu chỉ có 2 loại màn đôi: rộng 1,6m - dài 1,8m và rộng 1,8m - dài 1,9m.

Chị Sáu chia sẻ: “Để đảm nhận công việc trên, công ty phải mua sợi của nước ngoài về, tự dệt màn, nhuộm màu xanh chàm. Sau đó, cắt may, đóng gói, chuyển hàng đi, tất cả đều do công nhân của Hoài An đảm nhận. Hiện, đầu ra bình quân của Công ty đạt 7 triệu màn/tháng, trong đó, xuất khẩu 5 triệu màn/tháng. Số công nhân dao động  180-200 người; lương bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; bộ phận điều hành 12 người, 6-10 triệu đồng/người/tháng; Ban giám đốc 5 người, lương 10-12 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 15-20 tỷ đồng, đóng thuế cho nhà nước xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, thời gian tới, Hội  Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đưa máy dệt và máy kéo sợi về Công ty để hợp tác. Một bên có máy móc, một bên có đất, có xưởng, sẽ liên kết hợp tác cùng phát triển, cả 2 đều có lợi”.

Giữ gìn, phát huy nghề mộc cổ truyền

Hoài Thượng nổi tiếng là xã đa nghề, ngoài nghề may màn xuất khẩu, còn có nghề mộc cổ truyền, lưu giữ đến nay đã 4 - 5 đời.

 

tr19a.JPG
Anh Hà (trái) bên gian nhà thờ đã hoàn thiện.

 

Anh Đỗ Quang Hà (thôn Bình Cầu) cho biết, anh là đời thứ 5 của dòng họ Đỗ, trước đây, các cụ tự thiết kế và đóng bàn ghế, nhà thờ, đồ thờ tổ của các dòng họ trong làng. Ngoài ra, còn làm nhà ở, đóng giường, ghế, tủ, kệ… Đến nay, anh vẫn duy trì, nối nghiệp các cụ làm đồ thờ, nhà thờ, đình chùa. Khách hàng chủ yếu là ở Thái Bình, Thanh hoá, Nghệ An, Sơn Tây (Hà Nội), Bắc Giang, Bắc Ninh. Sản phẩm gồm: hoành phi câu đối; long ngai để ngồi, bộ ỷ,… Dù khách hàng ở địa phương nào, cũng phải đến tận nhà gia chủ để đặt hàng, thống nhất kích thước, mẫu mã, chất liệu gỗ, sau đó chủ nhà mới tiến hành làm.

Tuỳ theo khách yêu cầu, mỗi gia đình thường sử dụng 1-2m3 gỗ/nhà thờ; nhà to làm hết 2m3 gỗ. Chủ yếu là gỗ dổi và lim, trung bình đủ bộ, trọn gói cho 1 nhà thờ như vậy phải làm liên tục 6 tháng mới xong. Chi phí trọn gói khoảng 200 - 300 triệu đồng/nhà thờ. Cứ làm  như vậy quanh năm, mỗi năm thuê 4-5 thợ, trả công 5-6 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của gia chủ 120-150 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, anh Đỗ Quang Tĩnh, cùng thôn với anh Hà, do có mặt bằng rộng hơn, quy mô sản xuất lớn hơn, với các mặt hàng chủ yếu là cầu thang, cửa ra vào, giường, ghế, tủ, bằng gỗ lim và dổi, nên có thu nhập cao hơn. Hiện, xưởng của anh Tĩnh lúc cao điểm có  17 công nhân, ít nhất cũng 5-7 người, trả lương quanh năm, bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Theo đó, 1 bộ cầu thang nhiều nhất có 5 tầng, ít nhất 2-3 tầng.

“Công việc diễn ra quanh năm, chỉ nghỉ khoảng 1 tháng để đón Tết cổ truyền và thu hoạch mùa vụ. Khách hàng chủ yếu là khu vực miền Bắc. Doanh thu bình quân đạt 1,3 - 1,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 350- 400 triệu đồng/năm.

Hoài Thượng có 9 thôn, khoảng 40- 50 hộ làm nghề mộc truyền thống, song tập trung nhiều ở thôn làng nghề Bình Cầu, khoảng 20 hộ, thu nhập trung bình 100 - 500 triệu đồng/năm. Cá biệt, có hộ đã thành lập công ty, thu nhập còn cao hơn rất nhiều”, anh Tĩnh chia sẻ. 

NTM: Đích đến không còn xa

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quảng, Trưởng phòng Nông nghiệp Thuận Thành, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo 17/17 xã đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện XDNTM giai đoạn 2010 - 2020. Đồng thời, đề nghị tỉnh rà soát phân bổ các hạng mục năm 2019.

Đối với 14/17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, cần nâng cao chất lượng các tiêu chí.  Hiện, Thuận Thành đã đạt 8/9 tiêu chí, còn tiêu chí giao thông chưa đạt, huyện đang lập hồ sơ, dự kiến triển khai trong quý III/2019. Mặc dù XDNTM đã đạt được khá nhiều thành tích, song vẫn còn một số xã thực hiện vệ sinh môi trường thôn, xóm chưa thường xuyên, liên tục, kể cả tuyến đường tự quản ở một số cơ sở.

Về nhiệm vụ còn lại trong năm, các thành viên Ban chỉ đạo đang tích cực rà soát, tổng hợp và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, đường hoa, vệ sinh môi trường, treo băng rôn, khẩu hiệu về XDNTM. Chỉ đạo các xã phấn đấu chuẩn NTM năm 2019 đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí còn thiếu.

Trao đổi với chúng tôi về công cuộc XDNTM ở Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền XDNTM tiếp tục phát huy hiệu quả, người dân đã hiểu rõ hơn về XDNTM nên đồng sức, đồng lòng và tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, để cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt tại địa phương.

Đặc biệt, Văn phòng điều phối NTM của tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn cho 1.700 cán bộ, hội viên các đoàn thể và nhân dân về Chương trình XDNTM. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cách làm hay, mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp hay trong XDNTM; đồng thời, phản ánh những bất cập, khó khăn của Chương trình, để kịp thời giải quyết. Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, tỉnh chủ trương huy động tối đa nguồn vốn, trong đó, ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn và các tiêu chí thiết yếu, phục vụ trực tiếp đời sống, sinh hoạt của người dân”.

Ngoài ra, ông Quỳnh còn cho biết, 100% tuyến đường đến UBND xã, 90% tuyến liên thôn đã được kiên cố hóa, thông suốt đến  xã, thôn, xóm. Công trình thủy lợi được tăng cường, xây mới, đảm bảo sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. 100% số xã, 8/8 huyện, thị, thành phố đều đạt tiêu chí điện. 98,5% phòng học các cấp được xây dựng kiên cố; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 91,4%, cao nhất cả nước. 100% số xã có nhà văn hóa xã, trong đó, có 75 nhà văn hóa đạt chuẩn; 475/583 thôn, làng đã xây dựng nhà văn hóa; còn lại 108 thôn, làng sử dụng đình làng làm nhà văn hóa.

Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn tiêu chí chợ nông thôn, nhiều địa phương có siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, kinh doanh tổng hợp. 100% số  trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; 97/97 xã đạt chuẩn y tế; 7/7 bệnh viện tuyến huyện được công nhận bệnh viện hạng 2; 97/97 xã đạt chuẩn tiêu chí thông tin - truyền thông. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, ít nhất  60 lít/người/ngày.

“XDNTM đã thực sự làm đổi thay bộ mặt nông thôn Bắc Ninh, nhất là trong phát triển kinh tế. Đó là nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân nơi đây, tất cả đều đồng sức, đồng lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”, ông Quỳnh cho biết.

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top