Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 10 năm 2021 | 10:16

Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp nghi say xỉn lái xe gây tai nạn chết người

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 15 giờ ngày 17/10, trên tuyến đường huyện chạy qua dốc Đỏ, gần đường rẽ vào Quân khu 1, thuộc xóm An Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ - Thái Nguyên), làm 1 người chết, 2 người bị thương.

Gây tai nạn bên làn ngược chiều
 
Anh Mạc Văn Hưng, trú quán tại xóm Đông Thái, xã Hóa Thượng, cho biết, chiếc xe ô tô gây tai nạn cho các nạn nhân nằm trên làn đường ngược chiều. Cú va chạm giữa xe ô tô và xe đạp điện làm cho nạn nhân đi xe đạp điện và chiếc xe đạp điện bay xa khoảng 20m, nạn nhân nữ nằm trên đường.
41bc7615908359dd0092.jpg
Xe ô tô gây tai nạn nằm toàn bộ trên phần đường ngược chiều. 
 
Còn bà Dương Thị Nguyệt, trú thôn An Thái, xã Hóa Thượng, thì cho biết, vị trí xe ô tô đâm vào cháu gái đi xe đạp điện cách vị trí bắt đầu va chạm rất xa. Trước đó, xe ô tô này đã va chạm với 2 người đi xe máy.
 
Hiện trường vụ việc cho thấy, ô tô BKS 20A - 299.70 nằm toàn bộ bên phần đường ngược chiều, gần sát vỉa hè phần đường ngược chiều. Điều này có thể khẳng định, xe ô tô đã lấn hết phần đường ngược chiều, đâm liên tiếp vào 2 xe máy và 1 xe đạp điện lưu thông theo chiều ngược lại.
 
Điều mà nhiều người dân ở đây bức xúc nhất là sau khi gây tai nạn, tài xế điều khiển ô tô BKS 20A - 299.70 đã xuống xe, đứng khoanh tay, ung dung nhìn các nạn nhân mà không tham gia sơ cứu trước khi rời khỏi hiện trường.
 
Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Công an xã Hóa Thượng đã cử lực lượng đến bảo vệ hiện trường, cùng các đội nghiệp vụ Công an huyện Đồng Hỷ triển khai các biện pháp khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc theo quy định.
 
Tại hiện trường lúc này có 3 nạn nhân bị thương nặng đều đã được người dân địa phương và cơ quan chức năng đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.
 
Sau đó, do vết thương quá nặng, nạn nhân Phạm Thị Hương G. (SN 2003, trú tại xóm Vải, xã Hóa Thượng) đã tử vong tại bệnh viện.
 
Theo nhiều người có mặt tại hiện trường, lúc xảy ra vụ việc, nhiều khả năng tài xế này có biểu hiện say xỉn?
 
 
Cần điều tra làm rõ nguyên nhân gây tai nạn
 
Theo người nhà của nạn nhân Phạm Thị Hương G., gia đình đã tổ chức hậu sự cho cháu. Sau khi xảy ra vụ việc, tài xế gây ra vụ TNGT trên là Thượng tá Phạm Sơn Hải có nhờ người nhà và cơ quan đến gặp gia đình nói muốn bồi thường tiền và nhờ gia đình ký giấy bãi nại nhưng gia đình chưa đồng ý.
 
“Gia đình rất bức xúc vì kết quả kiểm tra nồng độ cồn ban đầu của tài xế điều khiển ô tô là 0,032mg/l nhưng nay lại có thông tin đã kiểm tra lại”, đại diện gia đình nạn nhân nói.
8a142720ceb607e85ea7.jpg
Lái xe gây tai nạn là Thượng tá QNCH Phạm Sơn Hải

 

 
Còn theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đồng Hỷ, vụ việc đã được chuyển đến Cơ quan điều tra của Quân khu 1 thụ lý, điều tra, xử lý theo thẩm quyền nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí.
 
Tuy nhiên, Đại tá Phạm Quang Nhật, Trưởng phòng Điều tra hình sự Quân khu 1 lại khẳng định, đơn vị chưa nhận được hồ sơ vụ việc này. Hiện vụ việc vẫn đang được Công an huyện Đồng Hỷ thụ lý, thiết lập hồ sơ ban đầu theo quy định.
 
Qua điện thoại trả lời với báo chí, tài xế Phạm Sơn Hải khẳng định: Việc điều khiển ô tô trong tình trạng say xỉn chỉ là phỏng đoán của người dân. Tôi đã đi kiểm tra cho kết quả là không có nồng độ cồn, tôi cũng đang chờ kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc.
 
Qua tìm hiểu, phóng viên Kinh tế nông thôn được biết, Thượng tá Phạm Sơn Hải là quân nhân chuyên nghiệp, Trợ lý Phòng Tham mưu thuộc Cục Kỹ thuật, Quân khu I. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đồng Hỷ điều tra ban đầu, sau đó sẽ chuyển sang cho Điều tra Hình sự Quân khu I để thực hiện theo đúng thẩm quyền.
 
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra và làm rõ có hay không việc Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Sơn Hải say xỉn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?
 
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có phản hồi từ các cơ quan chức năng.
 

Theo điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

  1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Làm chết người;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

    b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

    c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

    d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

    đ) Làm chết 02 người;

    e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top