Đã 2 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu ra “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, tình hình xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam bị tác động rõ rệt. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU tụt xuống vị trí thứ 5.
Tuy nhiên, hoạt động nghề cá đã có những thay đổi mang hướng tích cực. Vậy, hải sản Việt Nam có được gỡ “thẻ vàng”?
Đó là câu hỏi đang rất được mong đợi một kết quả tốt đẹp trong đợt Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu sẽ quay trở lại Việt Nam kiểm tra lần thứ 2 việc khắc phục “thẻ vàng” với hải sản. Dự kiến, từ 6/11, Đoàn kiểm tra của EU sẽ sang Việt Nam làm việc và đi kiểm tra ngẫu nhiên bất cứ tỉnh nào.
Hai năm... và những gì hôm nay
Hai năm qua, tác động rõ rệt nhất của việc Ủy ban châu Âu ra “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam là sản lượng đánh bắt giảm, chi phí chuyến ra khơi tăng cao nên ngư dân không mặn mà với việc gắn thiết bị định vị và nhật ký đánh bắt.
Đáng nói hơn, do khó xử phạt nên việc ngư dân vi phạm cấm đánh bắt IUU kéo theo hàng hoạt hệ lụy cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thủy sản Việt Nam đã mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu sang EU. Dự kiến năm nay, kim ngạch thị trường này chỉ đạt 1,35 tỷ USD, giảm 8%.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh vận động trực tiếp, cần công bố công khai và cập nhật thường xuyên danh sách các tàu cá vi phạm IUU, kiên quyết từ chối cho bốc dỡ sản phẩm khai thác trái phép, không thu mua nguyên liệu của các tàu vi phạm, đặc biệt là thời điểm Ủy ban châu Âu tiếp tục có đợt đánh giá về thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam vào tháng 11 này để ngành xuất khẩu thủy sản có cơ hội phát triển bền vững.
Đánh giá ở góc độ tích cực, “thẻ vàng” của châu Âu đối với thủy sản khai thác của Việt Nam được xem là cú hích cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Vấn đề lúc này là cần sự chia sẻ khó khăn với ngư dân và những chính sách hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi vượt qua những thay đổi để sau thẻ vàng, đội tàu chúng ta không yếu đi mà ngược lại sẽ là những ngư dân chuyên nghiệp tiếp tục vươn khơi mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo rà soát, khắc phục ngay những tồn tại mà EC nêu ra, chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra của EC.
“Từ Chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn để khắc phục những khuyến nghị mà EC nêu ra. Đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC: Thứ nhất, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật (trong quá trình xây dựng cũng lấy ý kiến của EC). Thứ hai, trong công tác kiểm soát tàu cá, các địa phương và lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát nghề cá, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, rồi kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng vi phạm khai thác ở quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Nhiều tỉnh đã ngăn chặn và giảm được số lượng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Về công tác tổ chức thực thi pháp luật, sau khi có Luật Thủy sản, các địa phương đã triển khai tập huấn cho ngư dân hiểu biết các quy định về chống khai thác cá bất hợp pháp. Đáng ghi nhận nhất là về triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản, hiện nay công tác ghi sổ nhật ký của ngư dân đã có chuyển biến tốt, tăng dần lên.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cũng cho hay, hiện các tỉnh đang tích cực, chủ động rà soát hồ sơ kiểm soát sản lượng thủy sản lên bến, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng, đảm bảo tính chính xác về nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển. Các chi cục thủy sản làm việc có hiệu quả hơn khi chứng nhận xuất khẩu cho các sản phẩm thủy sản khai thác sang các thị trường, nhất là sang thị trường châu Âu, giảm thiểu được những sai sót, từng bước đáp ứng yêu cầu của EC.
Mấu chốt là ý thức người dân
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, ngoài các công tác ráo riết thực hiện từ trước đến nay, mấu chốt nhất vẫn là làm sao ngăn chặn và thực sự chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
“Hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam (kể cả kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển...) rất hạn chế về nguồn lực, không thể kiểm soát hết được với gần 100.000 tàu cá và gần 1 triệu ngư dân. Quan trọng nhất là địa phương phải tuyên truyền cho bà con, khai thác hợp lý, không khai thác trộm. Chống khai thác bất hợp pháp, chủ yếu là ý thức của ngư dân, phải chấp hành tuân thủ pháp luật. Đề nghị các địa phương có giải pháp tuyên truyền, vận động ngư dân. Ngư dân mà không tuân thủ, không hưởng ứng là rất khó”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm, tái phạm, hiện nay, các tỉnh đều có báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua Tổng cục Thủy sản để tổng hợp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục, cũng như công bố tại các tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nêu tên và có hình thức xử lý, xử phạt đảm bảo tính răn đe.
Đề nghị các tỉnh tiếp tục và thường xuyên cập nhật danh sách các tàu vi phạm về Tổng cục Thủy sản, đảm bảo chính xác. Những tàu cá đã khắc phục hậu quả, đã giải quyết xử phạt vi phạm hành chính, sẽ được đưa ra khỏi danh sách tàu cá vi phạm để tiếp tục khai thác.
Nâng cao uy tín thương hiệu cho thuỷ sản
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (chiều 6/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chúng ta phải xác định, EU kiến nghị 9 nội dung để xóa “thẻ vàng”cũng trùng với lợi ích của Việt Nam, phải cơ cấu lại nghề cá tự phát thành nghề cá có trách nhiệm bền vững, không chỉ nuôi dưỡng tài nguyên. Việc này không chỉ thực hiện cho những năm tới mà còn lâu dài cho con cháu chúng ta, đảm bảo hiệu quả cho những đối tượng ngư dân tham gia hoạt động này.
“Xuất khẩu hải sản sang EU chỉ có giá trị mấy trăm triệu USD, không có ý nghĩa quá lớn về kinh tế. Nhưng đây là danh dự của Việt Nam. Thông qua việc xóa được thẻ vàng EU, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Hay như vừa rồi Hoa Kỳ công nhận chất lượng cá tra và cũng vì lợi ích lâu dài của con cháu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tham gia giải trình với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm một số giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về câu chuyện gỡ “thẻ vàng” và nâng cao uy tín thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ sản, trong những năm qua, ngành thuỷ sản đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 7,7 triệu tấn và xuất khẩu đạt giá trị trên 9 tỷ USD. Riêng 10 tháng năm 2019, đạt giá trị xuất khẩu 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có những sản phẩm thuỷ sản đứng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, trong giai đoạn tới, để ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, cần phải phát triển ngành thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Trong đó, trước hết phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc ngành thuỷ sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.
Trên cơ sở tái cấu trúc ngành thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ liên quan cùng các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật Quy hoạch.
“Yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng biển quốc gia mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì lập. Trong đó xác định đầy đủ các khu vực biển đảo có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản khai thác và nuôi biển, từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển; Quy hoạch sử dụng biển quốc gia phải gắn với việc điều tra, đánh giá đầy đủ về nguồn lợi thuỷ sản trên biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác thuỷ sản phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Hợp tác để phân định vùng biển lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh bắt cá với các quốc gia trong khu vực và các vùng đại dương để huy động các nguồn vốn; giải quyết dứt điểm tình trạng tàu thuyền Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội phối hợp với các địa phương cùng các bộ, ngành tập trung trước mắt khắc phục tình trạng mà EC đã khuyến nghị để có thể sớm gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu thuỷ sản Việt Nam.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.