Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 1 năm 2016 | 3:47

Tiền hậu bất nhất, Sở GTVT TP. Hải Phòng đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản

Để xây dựng bến xe Thượng Lý, TP.Hải Phòng kêu gọi  doanh nghiệp tham gia, cam kết sẽ điều chuyển các xe đang chạy liên tỉnh từ bến Tam Bạc về bến này. Tuy nhiên, khi bến xe hoàn thành, Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng, đơn vị trúng thầu đầu tư xây dựng Bến xe Thượng Lý mới “ngã ngửa” khi các cam kết không được thực hiện, bởi Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng có văn bản cho phép các xe lựa chọn bến sau khi giải tỏa bến xe Tam Bạc.

UBND TP. Hải Phòng phê duyệt quy hoạch Bến xe liên tỉnh.

Bảy tháng sau khi đi vào hoạt động, bến xe Thượng Lý hiện đang rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách, hàng ngày chỉ có một vài chuyến xe ra vào. Bến xe được đầu tư trên 50 tỷ đồng bằng hình thức xã hội hóa nhằm thay thế bến xe Tam Bạc đứng trước nguy cơ lãng phí, còn doanh nghiệp đầu tư đứng trước nguy cơ  phá sản.

Thông  báo 347 của Sở GTVT Hải Phòng về việc đóng cửa bến xe Tam Bạc và điều chuyển các tuyến vận tải khách.

Chủ trương đóng cửa bến xe Tam Bạc để chỉnh trang dải trung tâm thành phố, xây dựng thành công viên cây xanh đã có từ năm 2011. Sau nhiều lần “khất lần”, đến ngày 16/6/2015, bến xe Tam Bạc mới chính thức bị đóng cửa. Để thay thế bến xe Tam Bạc và tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân đi lại, TP.Hải Phòng đã khảo sát và lựa chọn vị trí phù hợp. Theo đó, bến xe được thay thế là bến Thượng Lý (địa chỉ tại 52 đường Hà Nội, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng), cách bến xe cũ 2,4km, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng đầu tư, quản lý theo hình thức xã hội hoá.

Công văn 955 của Sở GTVT Hải Phòng cho phép các nhà xe lựa chọn bến.

Tuy nhiên, phương án điều chuyển các tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội về bến Thượng Lý đã vấp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp khai thác kinh doanh tuyến vận tải hành khách Tam Bạc đi Hà Nội. Thay vì hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải hành khách thực hiện theo đúng quyết định của UBND TP.Hải Phòng thì Sở GTVT Hải Phòng lại ra văn bản cho phép các doanh nghiệp đang khai thác tuyến Hải Phòng - Hà Nội được lựa chọn bến hoạt động khi đóng cửa bến xe Tam Bạc.

Quá bất ngờ trước quyết định này, ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng, đơn vị đầu tư, quản lý bến xe Thượng Lý, cho rằng: Lời hứa với doanh nghiệp khi kêu gọi đầu tư đã bị thành phố “bỏ rơi” sau khi bến xe Thượng Lý hoàn thành. “Để có trên 50 tỷ đồng xây bến với quy mô hiện đại như hiện nay, doanh nghiệp phải vay ngân hàng, nhiều cổ đông, có cả đảng viên, thương binh, gia đình chính sách đã gom tiền bạc, vay mượn đầu tư. Nhưng hiện nay, bến xe Thượng Lý hoạt động chỉ khoảng 10% công suất, nguy cơ phá sản rất rõ. Vì thế, dù công ty không có ý định thì các cổ đông cũng yêu cầu khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho gia đình họ”, ông Đông cho biết.

Bên trong bến xe Thượng Lý  hiện chỉ có 1-2 xe khách thường trực.

“Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất xe của Công ty TNHH vận tải Bus Hải Phòng (thương hiệu Hải Âu) ra vào bến để chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội; còn các nhà xe khác chạy cùng tuyến và các tuyến liên tỉnh đều không được điều chuyển vào bến của chúng tôi. Có một vấn đề rất khó nói ở đây là, phải chăng có lợi ích nhóm, không phải các nhà xe không chịu vào bến mà vì họ bị chi phối bởi một thế lực nào đó khiến họ không dám xin đăng ký hoạt động tại bến dù rất muốn?”, ông Đông than thở.

Được biết, ngày 20/12/2015, đơn vị quản lý bến xe Thượng Lý đã có văn bản kiến nghị khẩn cấp đến UBND TP. Hải Phòng và Sở GTVT. Theo đó, đại diện công ty cho rằng, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, UBND TP.Hải Phòng và Sở GTVT đã không điều động các tuyến vận chuyển khách cố định từ bến xe Tam Bạc về bến xe Thượng Lý như phê duyệt ban đầu mà lại điều chuyển các tuyến xe từ bến Tam Bạc về bến Niệm Nghĩa hoạt động, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và phá vỡ quy hoạch giao thông của thành phố.

Bến xe Thượng Lý cũng là bến xe duy nhất ở TP.Hải Phòng kết nối xe buýt từ trung tâm thành phố đến bến xe. Thống kê cho thấy, 7 tháng qua, số lượng xe khách ra vào bến cao điểm chỉ 49 chuyến/ngày, bằng 1/10 công suất thiết kế và phải chịu thua lỗ trên 400 triệu đồng/tháng.

Với việc không thực hiện cam kết đưa xe khách vào bến xe Thượng Lý của Sở GTVT TP. Hải Phòng, các cổ đông Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng như bị dội gáo nước lạnh, bởi họ đang đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản. Đằng sau việc thực hiện Công văn 955 của Sở GTVT Hải Phòng là gì? Liệu có thấu tình đạt lý?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục  thông tin về vụ việc.

Minh Thọ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top