Nhiều người dân ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (Mê Linh) phản đối không cho doanh nghiệp vào thi công một dự án tại xã này vì sau hơn 10 năm bị thu hồi đất, chưa hộ dân nào được chính quyền địa phương giao đất dịch vụ theo quy định. Còn UBND xã cho biết, đã có đất nhưng đang đợi ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội.
Người dân có đất bị thu hồi dựng lều không cho chủ đầu tư thi công vì chưa được giao đất dịch vụ .
Hơn 10 năm “chờ” giao đất dịch vụ
Nhiều hộ dân ở thôn Yên Nhân cho biết, đầu năm 2004, xã Tiền Phong có doanh nghiệp vào đầu tư Dự án Khu đô thị làng hoa Tiền Phong. Để có mặt bằng, chính quyền địa phương vận động người dân có đất bị thu hồi nhận tiền đền bù; nhận tiền xong sẽ giao đất dịch vụ với diện tích mỗi sào (360m2) bị thu hồi được giao 10m2, mỗi khẩu có diện tích thu hồi được giao 2m2. Hàng trăm hộ dân đã giao đất cho chính quyền để doanh nghiệp thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm bị thu hồi đất, vẫn chưa hộ dân nào được giao đất dịch vụ theo quy định. Đầu tháng 3/2016, khi Công ty CP Đầu tư bất động sản Prime Land (chủ đầu tư dự án) tiến hành khởi công động thổ thi công san nền hạ tầng kỹ thuật dự án thì bị người dân thôn Yên Nhân phản đối. Người dân yêu cầu công ty phối hợp với chính quyền địa phương có phương án giao đất dịch vụ và đền bù cho các hộ dân xong thì mới thi công.
Ngày 17/4, chủ đầu tư đưa máy móc san lấp nền, người dân kéo xuống dựng lều yêu cầu dừng thi công nhưng công ty vẫn cứ triển khai. Kết quả là, công ty đã ủi và làm hư xe máy của người dân. Theo người dân, đêm 30/4, người của Công ty CP Đầu tư bất động sản Prime Land đã ra đốt, phá lều mà bà con dựng để giữ đất. Ngay sau đó, công an đã vào cuộc nhưng đến nay chưa có kết quả xử lý.
Người dân thôn Yên Nhân yêu cầu chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương giao đất dịch vụ cho các hộ dân đủ điều kiện theo Quyết định 2502/2004/QĐ-UB ngày 22/7/2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước kia; đền bù cho các hộ chưa nhận tiền. Làm xong hai việc này người dân sẽ đồng ý cho doanh nghiệp thi công bình thường.
Hơn 10 thu hồi đất, đầu tư dự án đến nay chỉ duy nhất trụ sở Ban quản lý dự án được xây hoàn chỉnh nhất
Đợi thành phố!
Theo bà Đỗ Thị Thùy Liên, Trưởng phòng Tổ chức, Công ty CP Đầu tư bất động sản Prime Land, thông tin máy ủi ủi hỏng xe máy của người dân bà không nắm rõ, bà sẽ hỏi lại các phòng ban chức năng. Còn người dân phản ánh công ty đốt, phá lều, việc này công ty không làm. Sau khi xảy ra vụ việc, công ty đã có văn bản gửi công an vào cuộc xác minh xử lý.
Cũng theo bà Liên, tổng diện tích của Dự án Khu đô thị làng hoa Tiền Phong là hơn 40ha, với 637 hộ có đất bị thu hồi. Diện tích đã đền bù xong là 39,48ha, diện tích chưa đền bù 0,57 ha. Trong thời gian qua, có 51 hộ dân ra lấn chiếm để canh tác với diện tích 13,3ha. Hiện, công ty đang GPMB, tiến hành đền bù cho các hộ dân chưa nhận tiền đền bù cũng như các hộ lấn chiếm đất đã được GPMB.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: “Theo quyết định của tỉnh Vĩnh Phúc thì các hộ dân ở thôn Yên Nhân đều thuộc diện được giao đất dịch vụ. Tuy nhiên, lúc này tỉnh chưa có quy trình cụ thể nên chưa thể giao đất dịch vụ cho người dân. Sau khi huyện Mê Linh nhập về Hà Nội, năm 2009, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 108 và Quyết định 23 (năm 2014) nói rõ những hộ đã nhận tiền đền bù ở tỉnh Vĩnh Phúc vẫn được giao đất dịch vụ, còn những hộ nào nhận tiền đền bù ở Hà Nội sẽ tính theo giá đền bù mới nhưng không được giao đất dịch vụ”.
“Chúng tôi thấy kiến nghị của người dân là chính đáng nên đã yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công, phối hợp với chính quyền giải quyết. Hiện, đã có đất để giao cho người dân nhưng đang phải đợi xin ý kiến của thành phố”, ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Trung, ngày 17/4, trong lúc san ủi, do xe máy để trong bụi chuối nên chủ đầu tư đã ủi vào xe máy của người dân. Sau đó, 2 bên thỏa thuận dân sự nên công an không vào cuộc. Riêng việc 1 lều bị đốt, 1 lều bị phá, Công an huyện đang vào cuộc điều tra.
Ông Trung đặt câu hỏi, không biết tại sao dự án Khu đô thị làng hoa Tiền Phong lại chậm tiến độ như vậy? Hiện, dự án này đang chậm tiến độ nhất trong 40 dự án có mặt tại xã.
Được biết, ngày 24/7/2015, UBND huyện Mê Linh có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị cho phép huyện thực hiện việc giao đất dịch vụ cho nhân dân các xã còn lại, trong đó có xã Tiền Phong nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được đất.
Thiết nghĩ, UBND TP.Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, xem xét xử lý sớm vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, dư luận nghi ngờ về năng lực tài chính của Công ty CP Đầu tư bất động sản Prime Land sau hơn 10 năm vẫn chưa đền bù GPMB xong?!
Hoàng Văn
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.