Không cắm mốc giới, đổ bãi thải ra ngoài ranh giới thuê đất, cố tình thi công vào vị trí có than khi đã yêu cầu dừng, hạ cốt thấp hơn so với thiết kế… là những hành vi được cho là xem thường pháp luật của Công ty TNHH Viễn Đông (Công ty Viễn Đông).
Dư luận cho rằng, dấu hiệu vi phạm đã rõ nhưng công ty này vẫn chưa bị xử lý bởi có sự dung túng, tiếp tay của chính quyền TX. Đông Triều, mà trực tiếp là ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND thị xã.
>> Cho thuê đất trên vỉa than ở Quảng Ninh: Xây nhà máy hay khai thác than trá hình?
Ngày 16/11/2016, Tổ công tác giám sát cho biết, có dấu hiệu xuất lộ than, tổ công tác đã yêu cầu Công ty Viễn Đông không được san mặt bằng tại vị trí có than.
Xem thường pháp luật
Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định cho Công ty Viễn Đông thuê 15,24ha đất, hình thức thuê trả tiền hàng năm để xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Tràng Lương, thời gian 50 năm. Cuối năm 2016, Công ty Viễn Đông khởi công, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mặc dù đã bị chính quyền “thổi còi” nhiều lần nhưng Công ty Viễn Đông vẫn cố tình xem thường pháp luật.
Cụ thể, trong biên bản kiểm tra hiện trường dự án ngày 16/11/2016 của tổ công tác giám sát cho thấy, tại vị trí mặt bằng có tọa độ X=2333714m, Y=386019m đã xuất hiện đất đá màu đen (dấu hiệu xuất lộ than) chiều dài khoảng 10m, rộng 2m. Công ty Viễn Đông đã đổ đất đá tràn xuống ranh giới đã được thuê đất làm dự án lộ vỉa 24 tuyến XIV-XV của Công ty than Hồng Thái - TKV. Không dừng lại ở đó, Công ty Viễn Đông vẫn chưa cắm mốc ranh giới dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2017, 4.700m3 than đã bị Công ty Viễn Đông khai thác đưa ra bên ngoài, đây là hành vi xem thường pháp luật.
Trước dấu hiệu vi phạm, tổ công tác đã yêu cầu Công ty Viễn Đông dừng khai thác mặt bằng tại vị trí đã xuất hiện đất đá màu đen (than); dừng việc đổ đất đá thải ra ngoài phạm vi thuê đất; triển khai ngay việc cắm mốc bê tông ranh giới dự án. Tuy nhiên, công ty này vẫn “bỏ ngoài tai”.
Ngày 15/2/2017, Đoàn công tác của Đảng ủy xã Tràng Lương kiểm tra thì thấy Công ty Viễn Đông đã khai thác vào vỉa than 24 và 25, đưa ra bên ngoài khoảng 300 tấn than; diện tích đổ bãi thải tràn ra ngoài mốc giới lên đến 5.000m2; công ty vẫn cố tình không cắm mốc giới.
Theo báo cáo kiểm tra của UBND xã Tràng Lương ngày 24/2/2017, ngoài diện tích đổ thải tràn ra ngoài mốc giới hàng nghìn mét vuông thì sản lượng than Công ty Viễn Đông khai thác đã tăng lên 4.700m3. Sau gần 3 tháng bị nhắc nhở, công ty vẫn cố tình chưa cắm mốc giới dự án.
Bốn dấu hiệu vi phạm tại Công ty Viễn Đông đã nhiều tháng nhưng vẫn chưa bị xử lý (đến 7/4/2017).
Trong Thông báo ngày 7/4/2017 của UBND TX. Đông Triều gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, ngoài đổ bãi thải 5.000m2 (ở phía Tây) nằm ngoài quy hoạch thì ở phía Bắc Công ty Viễn Đông còn đổ bãi thải vượt quy hoạch 4.000m2. Nghiêm trọng hơn, công ty đã hạ cốt khu vực nhà máy thấp hơn so với thiết kế 14m, thiết kế cốt cao +182 nhưng công ty hạ thấp +168m.
Các biên bản kiểm tra từ ngày 16/11/2016 đến ngày 24/2/2017 của UBND xã Tràng Lương cho thấy rõ hành vi xem thường pháp luật của Công ty Viễn Đông.
Dư luận cho rằng, Công ty Viễn Đông đã có hành vi ăn cắp khoáng sản Quốc gia, có dấu hiệu hình sự, UBND tỉnh Quảng Ninh, TX. Đông Triều cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND TX. Đông Triều tiếp tay cho vi phạm?
Hành vi xem thường pháp luật của Công ty Viễn Đông diễn ra trong thời gian khá dài, vậy trong khoảng thời gian đó, ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND TX. Đông Triều, các phòng, ban tham mưu, giúp việc cho UBND thị xã ở đâu?
Trong khi vi phạm chưa được xử lý thì ông Hà Hải Dương lại đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Viễn Đông mở rộng ranh giới đối với diện tích đổ bãi thải nằm ngoài quy hoạch, thuê đất.
Trong báo cáo ngày 16/11/2016 của UBND Tràng Lương nêu rất rõ: “Biên bản làm cơ sở báo cáo UBND TX.Đông Triều cho ý kiến chỉ đạo”, nếu ông Hà Hải Dương, các phòng, ban tham mưu có trách nhiệm, vào cuộc một cách kịp thời, quyết liệt ngay từ đầu thì chắc chắn Công ty Viễn Đông không có cơ hội để vi phạm.
Thay vì chỉ đạo các phòng, ban xử lý nghiêm vi phạm và yêu cầu Công ty Viễn Đông khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng theo quy định (đến ngày 7/4 vẫn chưa lập biên bản vi phạm xử lý theo quy định - PV) thì ông Hà Hải Dương lại đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Viễn Đông mở rộng ranh giới đối với diện tích đổ bãi thải nằm ngoài quy hoạch, thuê đất. Việc làm này chả khác gì tiếp tay, hợp thức hóa cho sai phạm.
Công ty Viễn Đông có tới 4 dấu hiệu vi phạm nhưng ông Dương chỉ đạo Phòng TN&MT xử lý có 1 dấu hiệu là đổ bãi thải nằm ngoài quy hoạch, thuê đất.
Công ty Viễn Đông có tới 4 dấu hiệu vi phạm, vậy mà trong Thông báo kết luận ngày 7/4/2017, ông Hà Hải Dương chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu cho UBND thị xã ban hành quyết định xử phạt đối với phần diện tích đổ bãi thải nằm ngoài quy hoạch của dự án. Vậy, 3 dấu hiệu vi phạm còn lại, tại sao ông Dương không đề cập tới?
Sự vào cuộc xử lý vi phạm một cách khó hiểu của Chủ tịch UBND TX.Đông Triều khiến dư luận nghi ngờ ông Dương đang dung túng, tiếp tay cho vi phạm.
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty Viễn Đông theo quy định, đồng thời làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Hoàng Văn
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.