KTNT - Liên quan đến việc vợ, con của nhiều cán bộ lãnh đạo xã Nga Thanh được ghép tên vào hộ nghèo để hưởng lợi chính sách, ông Nghiêm Xuân Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), cho biết, sẽ đề nghị xem xét kỷ luật nghiêm đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức liên quan theo quy định của pháp luật.
Người nhà lãnh đạo xã Nga Thanh được ghép tên vào hộ nghèo?
Cụ Hóa bày tỏ bức xúc trước vụ việc.
Trục lợi chính sách
Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Vũ Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Nga Thanh khẳng định, không hề biết tên vợ mình được ghép vào hộ nghèo.
Theo ông Tiến, quy trình rà soát hộ nghèo được thực hiện rất nghiêm túc, từ dưới thôn lên xã. Sau khi bầu ra hộ nghèo, danh sách niêm yết tại nhà văn hóa để lấy ý kiến người dân một lần nữa. Khi không có ai còn ý kiến gì sẽ chuyển danh sách đó cho chủ tịch xã duyệt, ký xác nhận.
Khi được hỏi, ông là người duyệt, ký danh sách hộ nghèo của xã, thấy có tên vợ và con của các lãnh đạo xã sao ông không có ý kiến, ông Tiến trả lời, do nhiều việc nên ông không để ý.
Người dân xã Nga Thanh phản ánh, quy trình bình xét hộ nghèo được bình xét rất kỹ lưỡng. Khi niêm yết danh sách hộ nghèo công khai ở dưới thôn không có tên vợ, con của các lãnh đạo xã, không hiểu vì lý do gì trong danh sách cuối cùng được xã phê duyệt lại có tên những người này.
Cụ Trịnh Thị Hóa (xóm 2) cho biết, khi niêm yết danh sách hộ nghèo ở nhà văn hóa thôn, bản thân cụ có ra xem, không thấy tên bà Phạm Thị Tươi trong hộ nhà mình, nhưng danh sách trên xã lại được ghép vào khiến cụ vô cùng ngạc nhiên.
Ông Trần Văn Thông, xóm trưởng xóm 4, cho biết, để có được danh sách hộ nghèo phải có sự bình xét và thống nhất từ dưới thôn. Việc một số người được ghép vào hộ nghèo như vậy là do “linh động” của lãnh đạo cấp trên, tạo điều kiện cho họ được hưởng chế độ bảo hiểm, hưởng chính sách cho con cái đi học, vay vốn học sinh - sinh viên, vay vốn ngân hàng.
Điển hình như trường hợp bà Mai Thị Loan (vợ Phó bí thư Đảng ủy xã), sau khi có tên trong danh sách hộ nghèo, đã tham gia bảo hiểm y tế từ tháng 4/2017; bà Vũ Thị Sen (vợ Chủ tịch UBND xã) và bà Phạm Thị Tươi (cán bộ văn hóa xã) tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 2/2017.
Dối trên, lừa dưới
Trao đổi về vụ việc, ông Nghiêm Xuân Hà cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, ông đã trực tiếp xuống kiểm tra. Kết quả cho thấy việc ghép tên vợ cán bộ xã vào hộ nghèo là đúng sự thật.
Cần sớm xử lý nghiêm những sai phạm ở xã Nga Thanh.
Nguyên nhân được cho là do ông Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ làm thay cán bộ chính sách đang nghỉ sinh. Trong quá trình lập danh sách, ông Thể chèn những tên của người này vào các hộ nghèo để hưởng lợi chính sách.
“Trong danh sách hộ nghèo do UBND xã công nhận và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ký xác nhận ban đầu không có tên những trường hợp trên. Tuy nhiên, khi gửi dữ liệu file mềm danh sách hộ nghèo lên cho huyện thì ông Thể đã ghép thêm những người này vào, sau đó lưu lại một cuốn tại xã để che mắt người dân và cơ quan chức năng”, ông Hà nói.
Cũng theo lời ông Hà, sau khi kiểm tra thực tế tại địa phương, đoàn kiểm tra đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Nga Thanh họp kiểm điểm theo quy định hiện hành và tiến hành rà soát lại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trên địa bàn về vấn đề sai phạm tương tự để báo cáo về huyện.
“Quan điểm của chúng tôi là không bao che sai phạm, nhất là liên quan tới chế độ chính sách. Phòng đã tham mưu đề nghị Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện xem xét kỷ luật nghiêm đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức liên quan theo quy định của pháp luật”, ông Hà khẳng định.
Xuân Sơn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.