Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2013 | 8:3
Tiếp bài "Chủ tịch UBND xã 4 lần lấn chiếm đất công": Khai man lý lịch đảng, gian dối bằng cấp
KTNT- Không chỉ bị Thanh tra tỉnh Phú Thọ kết luận sai phạm vì nhiều lần lấn chiếm đất công, Chủ tịch UBND xã Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) còn bị Công an tỉnh phát hiện thêm một loạt sai phạm khác như: khai man tên khi đi nghĩa vụ quân sự, kết nạp vào đảng; học bổ túc THPT khi chưa có bằng tốt nghiệp THCS...>> Lâm Thao (Phú Thọ): Chủ tịch UBND xã 4 lần lấn chiếm đất côngKhai man lý lịchTheo tìm hiểu của phóng viên, tên khai sinh của ông Hoành là Cao Ngọc Tường, sinh ngày 02/9/1970. Năm 1989, khi làm thủ tục đi nghĩa vụ quân sự, ông Hoành đã tự đổi tên từ “Tường” sang “Hoành” khi chưa được pháp luật công nhận. Năm 1995, khi làm hồ sơ kết nạp Đảng, ông Tường vẫn khai là Hoành. Đến cuối năm 1998, ông Hoành mới đến UBND xã làm thủ tục đổi tên từ “Tường” sang “Hoành”.
|
Năm 1995, khi kết nạp vào Đảng ông Tường đã khai tên trong hồ sơ là Cao Ngọc Hoành, nhưng đến cuối năm 1998 ông này mới làm thủ tục đổi tên. |
Tại Văn bản số 170/CAT-PA83 ngày 20/7/2012, Công an tỉnh Phú Thọ khẳng định việc tự thay đổi tên từ Cao Ngọc Tường thành Cao Ngọc Hoành từ năm 1989 là không đúng với quy định của pháp luật đã quy định Nghị định số 04/CP ngày 16/1/1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ đăng ký hộ khẩu. Như vậy, ông Sơn tố cáo ông Hoành là đúng.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Ngọc Hoành thừa nhận: “Theo giấy khai sinh tên tôi là Cao Ngọc Tường nhưng tên Tường lại trùng với một người bác họ nên bố mẹ thường gọi là Hoành. Năm 1989, khi đi nhập ngũ, tôi đã khai tên là Hoành, mặc dù lúc đó tôi chưa làm thủ tục đổi tên. Năm 1995, khi kết nạp vào Đảng tôi vẫn lấy tên là Hoành. Đến cuối năm 1998, tôi mới đến UBND xã làm thủ tục đổi tến từ Tường sang Hoành”.
Sau khi sai phạm của ông Hoành đã được làm rõ, Công an tỉnh Phú Thọ đã gửi công văn sang Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ cho biết quan điểm xử lý sai phạm của ông Cao Ngọc Hoành. Ngày 21/2/2012, Sở Tư pháp đã có văn bản số 56/STP-HCTP gửi Công an tỉnh với nội dung, việc ông Cao Ngọc Hoành thay đổi tên thường gọi thành tên khai sinh nhưng không làm thủ tục theo đúng quy định của pháp luật xảy ra từ năm 1989 là do trình độ dân trí thấp, không hiểu biết, nắm vững pháp luật việc tự ý thay đổi tên của ông Hoành không vì mục đích vụ lợi cá nhân.
Về hướng xử lý vi phạm, Sở này cho biết: Theo điều 14 của Nghị định 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ thì hành vi “tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ” bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, theo Điều 4, khoản 1 của Nghị định thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là 1 năm kể từ ngày vi phạm. Vì vậy, việc xử phạt hành chính đối với ông Hoành đã quá thời hiệu.
Cũng theo Sở Tư pháp việc áp dụng Điều 4, khoản 1, của Nghị định thì ông Hoành đã quá thời hiệu để xử phạt hành chính là đúng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ một lần nữa “lại quên”, tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định chỉ rõ: “ Nếu quá thời hiệu nói trên (tức quá 1 năm - PV) mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này”. Vậy, trong sự việc này, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đang “quên” hay cố tình làm sai Nghị định của Chính phủ để bỏ lọt sai phạm của ông Hoành?!.
|
Kết luận của Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện thêm một loạt sai phạm của ông Cao Ngọc Hoành. |
Vi phạm quy chế Bộ GD&ĐT
Cũng tại Văn bản số 170/CAT-PA83 ngày 20/7/2012, Công an tỉnh Phú Thọ đã khẳng định nội dung trong đơn tố cáo ông Cao Ngọc Hoành vào học Bổ túc THPT ở Trung tâm GDTX huyện Phong Châu năm 1998 khi chưa có bằng tốt nghiệp THCS là đúng (đăng ký vào học từ 04/9/1998 nhưng đến 28-29/10/1998 mới thi tốt nghiệp THCS).
Theo xác minh của Công an tỉnh, cuối tháng 8/1998 ông Cao Ngọc Hoành là cán bộ nguồn của xã nên được Huyện ủy huyện Phong Châu (cũ) cử đi học lớp bổ túc văn hóa THPT theo hình thức vừa học vừa làm. Theo báo cáo của ông Hoành, vào thời điểm này ông đã báo cáo với Trung tâm giáo dục thường xuyên về việc ông đang trong thời gian ôn thi tốt nghiệp vào 28-29/10/1998.
Ngày 10/9/1998, ông Phạm Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Phong Châu đã lập và ký, đóng dấu vào doanh sách xét tuyển 27 học viên, trong đó có tên ông Hoành. Sau đó danh sách này được ông Quách Văn Khái, Trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng (Sở Giáo dục và Đào tạo) phê duyệt ngày 15/9/1998. Như vậy, việc xét duyệt ông Cao Ngọc Hoành vào học lớp 10 bổ túc THPT năm 1998 đã được Trung tâm GDTX huyện Phong Châu và Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đồng ý xét duyệt.
Về vấn đề này, theo quan điểm của Bộ GD&ĐT việc vận dụng hướng dẫn trên để xét tuyển cho các học viên vào bổ túc THPT đối với những trường hợp cụ thể thuộc trách nhiệm của Trung tâm GDTX huyện Phong Châu và Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ.
|
Trước sai phạm của ông Hoành, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ lại đá quả bóng trách nhiệm cho Trung tâm GDTX huyện Phong Châu. |
Ngày 11/7/2012, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ có Báo cáo số 981/BC-SGD&DT gửi về Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) lại “đá” quả bóng trách nhiệm cho Trung tâm GDTX huyện Phong Châu.
Báo cáo của Sở GD&ĐT cho biết, ngày 29/9/1997, Bộ GD&ĐT có Công văn số 10272/GDTX hướng dẫn thực hiện chương trình bổ túc THCS và bổ túc THPT ban hành kèm theo Quyết định số 3004/GDĐT ngày 25/9/1997 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ giải thích, có thể Trung tâm GDTX huyện Phong Châu đã vận dụng mục 7, Công văn số 10272/GDTX ngày 29/9/1997, Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình bổ túc THCS và bổ túc THPT ban hành kèm theo Quyết định số 3004/GDĐT ngày 25/9/1997 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để chấp thuận cho ông Cao Ngọc Hoành đi học.
Sự việc nêu trên đến nay chưa xác minh được do điều kiện thực tế là người trực tiếp giải quyết thủ tục nhập học cho ông Hoành lúc đó là ông Phạm Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm và bà Đào Kim Lan làm công tác văn thư lưu chữ đều đã qua đời.
|
Ông Hoành cho biết, ông nộp hồ sơ được trường gọi đi học thì ông đi, còn tại sao trường chấp nhận thì không biết. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tại mục 7 của Công văn số 10272/GDTX ngày 29/9/1997, Bộ GD&ĐT ghi rõ: “Ngay từ khi tuyển vào lớp 10, học viên phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp do Sở GD&ĐT cấp. Riêng đối với những cán bộ, các tổ chứ xã hội, công chức nhà nước, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, người lao động (từ 18 tuổi trở lên) bị mất hoặc bị thất lạc bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp vì bất cứ lý do gì đều phải dự kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở ngay khi đang học lớp 10 để được cấp lại bằng”.
Trong trường hợp này, tuy ông Hoành được Huyện ủy cử đi học nhưng ông này không nằm trong các trường hợp bị mất hoặc thất lạc bằng, giấy chức nhận tốt nghiệp nên không phải là đối tượng được hưởng tại mục 7 của Công văn như Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ viện dẫn.
Trao đổi vấn đề này với ông Cao Ngọc Hoành cho biết: “Lúc bấy giờ tôi được Huyện ủy cử đi học. Tôi mang hồ sơ tới trường nộp, được trường chấp nhận và gọi đi học thì tôi đi học. Còn tại sao trường chấp nhận thì tôi không biết, vấn đề này cứ lên hỏi trường là rõ”.
Sai phạm của ông Cao Ngọc Hoành đã rõ như ban ngày nhưng vì sao vẫn chưa bị xử lý, câu trả lời đang chờ từ phía cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về các sai phạm khác của ông Cao Ngọc Hoành đến bạn đọc.
Chúng tôi tiếp tục thông tin về vụ việc trên./.
KTNT