Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh công trình không phép “mọc” trên đất khoán trồng cây ăn quả lâu năm thuộc quy hoạch vùng khai thác đặc biệt của Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhưng chính quyền và các ngành chức năng chưa vào cuộc quyết liệt khiến việc xử lý sai phạm vẫn “dậm chân tại chỗ”.
“Con khóc”...
Sự “bất lực” của chính quyền và ngành chức năng trong xử lý sai phạm khiến dư luận hoài nghi việc có “mờ ám” nên sự việc đến nay vẫn giải quyết theo kiểu “nửa vời”.
Sai phạm vẫn chưa được xử lý do sự đùn đẩy trách nhiệm.
Cụ thể, Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương có Báo cáo số 26/BC-BQLR ngày 03/9/2015 về việc xây dựng công trình trái phép trên đất nhận khoán, trong đó nêu rõ: “Trạm quản lý rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc đã gửi 2 lần giấy tờ liên quan đến việc xây dựng công trình trái phép theo đường bưu điện cho bà Trần Thị Thu Thủy, hộ nhận khoán diện tích trồng cây ăn quả đến đúng địa chỉ nhưng không nhận giấy tờ thông báo và bưu điện đã hoàn trả lại. Đến ngày 1/9/2015, Trạm lại gửi trực tiếp thông qua người bảo vệ đơn vị khí công. Bà Đặng Thị Vượng nhận được giấy tờ liên quan theo đường bưu điện nhưng đến nay cả hai hộ nhận khoán vẫn không đến Trạm để làm việc”.
Mặc dù Ban quản lý rừng đã có thông báo đình chỉ xây dựng trái phép tại khu vực Hố Sâu, phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh và quyết định thu hồi hợp đồng giao khoán đối với 2 hộ (Trung tâm khí công và Dạy nghề nhân đạo) nhưng 2 hộ vẫn lẩn tránh không đến làm việc”.
Đồng thời Trạm “cầu kiến”: “Ban ngành chức năng xem xét, chỉ đạo và có biện pháp xử lý cưỡng chế nếu hộ vi phạm không tự tháo dỡ để công tác quản lý bảo vệ rừng tỉnh Hải Dương được tốt hơn”.
Còn UBND thị xã Chí Linh có Công văn số 552/UBND-VP, ngày 25/8/2015 xin ý kiến chỉ đạo xử lý việc xây dựng công trình trái phép trên đất giao khoán rừng: “Hiện nay, trên địa bàn thị xã xảy ra sự việc có 2 hộ nhận khoán đất do Ban quản lý rừng tỉnh quản lý tại khu vực Hố Sâu, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa (hộ bà Đặng Thị Vượng nhận khoán 1ha đất trồng cây ăn quả; hộ bà Trần Thu Thủy nhận khoán 0,5ha đất trồng cây ăn quả) đã không thực hiện đúng theo hợp đồng giao khoán, tự ý chặt phá vườn vải khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; đặc biệt là, 2 hộ đã tự ý xây dựng các công trình hàng trăm mét vuông trái phép trên đất nhận khoán (vị trí được nhà nước cấp quy hoạch là vùng khai thác đặc biệt của Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc).
Từ khi xảy ra vụ việc, UBND thị xã đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh họp bàn giải quyết, tích cực chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị vào cuộc để xử lý; đã áp dụng các biện pháp cần thiết, như động viên thuyết phục chủ hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng đất như ban đầu, đình chỉ xây dựng, xử lý phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn cố tình chống đối, dùng mọi biện pháp để tiếp tục xây dựng các công trình trái phép”.
Và không quên nhấn mạnh: “Để đảm bảo ổn định tình hình địa phương, bảo vệ tốt quy hoạch cho Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, UBND thị xã kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo để xử lý dứt điểm vụ việc nêu trên”.
...“Mẹ nhởn nhơ”
Cấp dưới “khóc” là vậy nhưng UBND tỉnh Hải Dương lại có Công văn số 1983/UBND-VP ngày 01/9/2015 về việc giải quyết vi phạm trên đất rừng giao khoán theo kiểu “đá bóng trách nhiệm”: “Giao UBND thị xã Chí Linh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết dứt điểm việc hai hộ vi phạm trên đất rừng giao khoán theo đúng quy định của pháp luật; các sở Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét nội dung đề nghị của UBND thị xã Chí Linh tại Công Văn số 552/UBND-VP ngày 25/8/2015, hướng dẫn UBND thị xã Chí Linh thực hiện theo quy định”.
Mặc dù đang tìm cách xử lý sai phạm nhưng ông Bùi Đoàn Thể, Phó giám đốc Ban quản lý rừng rừng Hải Dương, cho biết: “Vừa qua, họ lại tiếp tục vận chuyển nấm vào khu vực sai phạm. Hiện nay, chúng tôi vẫn giám sát và đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
Liệu các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Hải Dương có xử lý dứt điểm sai phạm trên, trả lại sự bình yên cho vùng khai thác đặc biệt của Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc? Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.
Nhất Nam
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.