KTNT - Người dân hai thôn Cổ Điển, Yên Hà, xã Hải Bối (Đông Anh - Hà Nội) phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn về việc hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp gần chân đê sông Hồng bỗng dưng mọc lên hàng loạt công trình, nhà biệt thự kinh doanh dịch vụ: nhà trọ, nhà hàng, quán càfé, karaoke… và đặt câu hỏi có hay không “bàn tay” che chắn cho việc làm sai trái này?!Thực địa xác minh thông tin, trước mắt chúng tôi, cả dải đất ven đê sông Hồng thuộc địa bàn hai thôn Cổ Điển, Yên Hà bị lấn chiếm đến sát chân đê, đúng như những gì người dân phản ánh.
Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất lưu không chân đê và nơi chưa có quy hoạch xây dựng. Bên cạnh những căn biệt thự, dãy nhà cấp 4 xây kiên cố chạy dọc chân đê là các nhà hàng, nhà xưởng, quán càfé, karaoke… với diện tích lớn, theo phản ánh của người dân diện tích đất lấn chiếm ước tính lên đến hàng nghìn mét vuông.
|
Theo phản ánh của người dân, nơi đây là đất nông nghiệp và những biệt thự lộng lẫy đều không phép! |
Nhằm có thêm thông tin khách quan, trong vai người cần thuê đất mở xưởng sửa chữa ô tô, được người dân địa phương cho biết: “Nếu thuê đất ở đây thì nên thuê lại các nhà đã dựng thành xưởng. Còn thuê đất để dựng xưởng thì không thể làm được, đất ở đây đều là đất lấn chiếm và đất nông nghiệp, không có giấy tờ. Các chú là người lạ đến nếu dựng xưởng sẽ bị phá dỡ ngay, còn là người trong thôn, trong xã, muốn xây dựng thì phải “ok” với chính quyền, ngày trước ao, hồ ở đây rộng lắm, giờ đã bị lấp hết”.
Được biết, trước đây chỉ có những hộ sống gần ven đê đổ đất cát lấn chiếm đất lưu không chân đê, sau đó những nhà có ruộng cũng tiếp tục đổ, san nền và trồng cây. Một thời gian sau thì mọc lên nhiều biệt thự, dãy nhà cấp 4 cho thuê, nhà hàng....
Cũng theo người dân nơi đây, vi phạm trên xảy ra từ bao năm nay, ngay cạnh UBND xã nhưng chính quyền sở tại vẫn “lặng thinh” không có động thái ngăn chặn? Thực tế trên cho thấy, trách nhiệm, vai trò quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng của chính quyền còn buông lỏng, hoặc cố tình làm ngơ?
Ngoài ra, nếu chiếu theo Điều 23 về phạm vi bảo vệ đê điều, chương III, Luật Đê điều thì:
“1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:
a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;
b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.
3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê trở ra mỗi phía 50 mét.
4. Trường hợp cần mở rộng hành lang bảo vệ đê đối với vùng đã xảy ra đùn, sủi hoặc có nguy cơ đùn, sủi gây nguy hiểm đến an toàn đê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa”.
|
Ngoài việc xây dựng sai phép, liệu những công trình như thế này có vi phạm hành lang đê điều? |
“Nhà nào có nhiều đất thì chiếm nhiều rồi làm biệt thự, nhà xưởng, cho thuê cửa hàng, quán xá… Bên cạnh đó là việc mua đi bán lại “ngấm ngầm” với nhau. Trước đây một năm, ở ven đê như một đại công trình xây dựng, nhà nào cũng tranh thủ tập kết vật liệu để xây cho nhanh. Tuy nhiên, không nhà nào bị xử lý”, một người dân chia sẻ.
Rõ ràng, đằng sau sự việc này có trách nhiệm của chính quyền xã Hải Bối để xảy ra sai phạm cũng như không kiên quyết trong việc xử lý vi phạm.
Điều đáng nói, những căn biệt thự sang trọng, dãy nhà cấp 4, những nhà hàng, nhà xưởng to như vậy xây trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp mà chính quyền không hề biết? điều này càng khiến người dân băn khoăn liệu “con voi” có chuôi lọt “lỗ kim?” và có chăng “bàn tay” nào che chở cho sai phạm trên?!
Liệu rồi hoài nghi của người dân có được giải thích thỏa đáng và cách lập luận của chính quyền sở tại như thế nào?!
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.
Nhất Nam - Thắng Đạt
KTNT