KTNT - Trong khi nhiều hộ dân tại khu vực phố Tây Kết đang sinh sống tại các khu nhà tập thể E1, E2, D1, D2 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội vẫn chưa nhận được lời giải thích về việc thi công đường ống nước sạch thì mới đây, một số hộ ở nhà tập thể E1, E2 lại tố cáo Tổ trưởng Tổ dân phố 66 về việc làm giả biên bản cuộc họp để cho doanh nghiệp kinh doanh nước sạch được tiếp tục thi công.
Báo Kinh tế nông thôn có bài viết "Hà Nội: Người dân hoang mang vì “bỗng dưng” được cấp “nước sạch”!", phản ánh nhiều hộ dân tại khu vực phố Tây Kết, cụ thể tại các khu tập thể E1, E2, D1, D2 cảm thấy phiền hà, lãng phí khi bỗng dưng lại lắp hệ thống nước sạch mới.
Mới đây, nhiều người dân tiếp tục phản ánh trong biên bản họp tổ dân phố 66, phường Bạch Đằng có dấu hiệu bị làm giả để chuyển từ việc người dân không ủng hộ làm đường ống thành đồng tình ủng hộ.
Biên bản cuộc họp của dân tổ dân phố 66, người họp cho rằng Tổ trưởng đã làm giả thay đổi ý kiến của người dân giúp cho công ty kinh doanh nước sạch tiếp tục thi công.
Chủ trì cho cuộc họp là ông Nguyễn Văn Rược, Tổ trưởng Tổ dân phố 66. Ông Rược thông báo về việc công ty nước tiến hành thay đổi hệ thống cấp nước mới, cụ thể dẫn nước trực tiếp vào các hộ tại tầng 1, các tầng 2,3,4,5 sẽ chuyển hệ thống đồng hồ nước ra khu vực ban công giữa các hộ của từng tầng.
Ý kiến của người dân xoay quanh việc: “Không đồng ý cho công ty nước đục nhà dân ở khu nhà E1, E2, hệ thống ống nước cũ đều được ngầm hóa và đang được dùng ổn định, việc di chuyển đồng hồ, cùng với thi công hệ thống ống nổi dẫn đến mất mỹ quan tòa nhà nên không đồng ý”.
Kết thúc cuộc họp, biên bản được trao lại cho ông Rược, để ông này thay mặt cho tổ dân phố gửi tới cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, để yêu cầu phía doanh nghiệp có giải trình cụ thể cho việc thi công “lãng phí” vào hệ thống ống nước mới.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, văn bản họp Tổ trong tay ông Rược đã bị làm “giả”. Thay vì ý kiến không đồng thuận, trong biên bản giả lại ghi: “Toàn thể các hộ dân tầng 1 thuộc tòa nhà E1, E2 không làm lại đường nước, còn lại các hộ từ tầng 2 đến tầng 5 đồng ý cho công ty nước sạch di chuyển đồng hồ, kinh phí di chuyển do công ty cấp nước phải chịu. Các hộ từ tầng 2 đến tầng 5 sẽ tạo điều kiện cho công ty cấp nước hoàn thành nhiệm vụ”.
Trước dấu hiệu bất thường về nội dung trong biên bản cuộc họp, người dân không khỏi “băn khoăn”: Không rõ vì lý do gì đã khiến ông Tổ trưởng Tổ dân phố, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, là người đại diện cho nhân dân khu phố, lại có dấu hiệu làm giả giấy tờ để thay đổi ý kiến giúp cho Công ty Nước sạch Hà Nội tiếp tục thi công?
Để làm rõ nhưng thắc mắc của người dân, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND phường Bạch Đằng. Bà Trần Thị Huyền Lan, cán bộ quản lý đô thị cho biết, đây là Dự án cải tạo đường nước sạch chống thất thoát nước. Dự án này bắt đầu từ khu dân cư số 10 trở về đến khu dân cư số 8, 9A, 9B, khu Đầm Trấu, khu đô thị.
Việc nước sạch hay nước bẩn là không phải. Người ta có phê duyệt của Công ty Nước sạch Hà Nội, phê duyệt cả về mặt kỹ thuật, kể cả mạng lưới chống thất thoát nước sạch. Có giấy phép đào đường, ngõ, ngách.
Trước khi làm công trình này, phía công ty nước sạch, bên dự án đã phối hợp với phường tổ chức cuộc họp tại UBND phường. Chúng tôi đã mời Bí thư, Mặt trận tổ quốc, các cán bộ ở khu dân cư để bên Ban dự án phổ biến triển khai. Trách nhiệm của cán bộ cơ sở là phải thông báo với dân, bên cạnh đó phường lại thường xuyên tuyên truyền trên loa truyền thanh. Do vậy, dân nói không biết là không phải.
Còn người dân nói không đồng ý là không đúng mà chỉ có một số người. Thực ra họ chưa hiểu được tầm quan trọng của việc thất thoát nước, không biết rằng khi công nhân làm như thế này, nhà nước làm như thế là để cho người dân có nước sạch, luôn luôn có nước.
Làm công trình này người dân không phải đóng góp gì, trừ khi người dân muốn thay đường ống bên trong gia đình nhà người ta – bà Lan cho biết thêm.
Ông Tiến và bà Lan trong buổi làm việc với phóng viên.
Ông Vương Quốc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, cho biết, hôm trước tôi cùng Bí thư Chi bộ xuống nghe trao đổi. Tôi yêu cầu ông Rược Tổ trưởng Tổ dân phố chuyển văn bản về báo cáo.
Hôm vừa rồi xuống thực địa, tôi yêu cầu bên xây lắp đang thi công tại nhà E2 tạm dừng việc thi công để họp dân, vừa tuyên truyền giải thích, vừa thống nhất việc làm. Nếu đa số các hộ không nhất trí việc cải tạo này thì sẽ báo cáo lên đơn vị thi công dự án dừng thi công.
Trao đổi về việc trong biên bản họp dân ở tổ 66 người dân không đồng thuận việc cải tạo của công ty nước sạch và cho rằng có một biên bản làm giả nói rằng nhận được sự đồng thuân của người dân để vị thi công tiếp tục thực hiện. Ông Tiến cho biết, ngay sau khi nghe thông tin, tôi trao đổi luôn với ông Rược (trao đổi bằng miệng). Ông Rược có nói mặt trước ông ấy có thay, còn các ý kiến và nội dung không thay đổi. Việc này tôi sẽ làm việc cụ thể hơn.
Được biết, theo Quyết định 881/QĐ/NSHN ngày 11/6/2014, của Công ty Nước sạch Hà Nội về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Dự án: Cải tạo mạng lưới cấp nước và chống TTTT Ô21B quận Hai Bà Trưng (giai đoạn 2) thì chủ đầu tư là Công ty Nước sạch Hà Nội; tổng mức đầu tư là 14.959.712.000 đồng; thời gian thực hiện từ quý III/2014 đến quý IV/2014.
Trong giấy phép đào hè, đào đường của Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội và giấy phép đào đường, ngõ, ngách của UBND Quận Hai Bà Trưng cấp cho Công ty Nước sạch Hà Nội, chỉ rõ, đơn vị được cấp phép chỉ được đào đường vào ban đêm (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau), phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực này thông suốt, êm thuận và an toàn, kết hợp với đơn vị bàn giao lại đường, hè để hoàn trả kịp thời.
Tuy nhiên, theo người dân phản ánh thì đơn vị thi công lại thực hiện vào ban ngày. Việc này đã làm trái với giấy phép của Sở Giao thông vận tải và UBND quận Hai Bà Trưng.
Kinh tế nông thô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Hoàng Văn
KTNT