Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 8 năm 2015 | 9:45

Tiếp bài "Phú Yên: Rừng bị tàn phá không thương tiếc!": “Chúng tôi chưa biết”

Đường từ bìa rừng Hòn Đát (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đến nơi lâm tặc khai thác gỗ rộng thênh thang, đủ chỗ cho xe tải loại lớn qua lại nhưng chính quyền địa phương lại không hề hay biết?

>> Phú Yên: Rừng bị tàn phá không thương tiếc!

Triệt hạ những cây gỗ lớn để làm đường cho xe ô tô vào chở gỗ lậu. Con đường mòn này lớn thênh thang với nhiều vệt bánh xe ngang dọc, nhiều đoạn lún sâu, đọng nước thành vũng

Đến rừng Hòn Đát những ngày này, điều dễ nhận thấy là con đường mòn ngày nào giờ đã thành đường lớn thênh thang với nhiều vệt bánh xe ngang dọc, nhiều đoạn lún sâu, nước đọng thành vũng. Theo đường này, mỗi ngày có từ 2 - 3 chuyến xe áp tải chở gỗ ra bìa rừng. Nhiều người dân địa phương bức xúc cho biết: "Hơn 1 tháng qua, một doanh nghiệp được cấp phép trồng rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa đã thuê người triệt hạ rừng Hòn Đát. Cả một cánh rừng tự nhiên rộng hàng ngàn hecta, trước kia có nhiều cây gỗ, thân to đến hai người ôm, nay đã thành rừng trọc. Điều không bình thường là không những triệt hạ những cây to, có giá trị mà cả những cây bụi thấp, nhỏ, cây còi cọc cũng bị triệt hạ không thương tiếc. Cây nào có thể xẻ thành gỗ hộp, lâm tặc xẻ ngay tại chỗ, tập kết lại để xe tải chuyển ra khỏi rừng. Còn lại cành nhánh, những phần gỗ thừa hoặc cây ít giá trị chúng đem đi đào hầm đốt thành than. Tiếng cưa lốc, tiếng người nói chuyện rôm rả vang động cả một góc rừng.

Triệt hạ những cây gỗ to quý không thương tiếc.

Cũng theo một số người dân địa phương, trước đây, khi rừng còn giàu, nếu người dân “vô tình” vào rừng kiếm mấy cây gỗ tạp về làm nhà hoặc một số vật dụng trong nhà đều bị kiểm lâm phát hiện, xử lý nghiêm. Thế nhưng không hiểu vì sao, từ ngày doanh nghiệp thuê người đến phá rừng một cách công khai, ngang nhiên, người dân chẳng thấy cán bộ bảo vệ rừng nào xuất hiện. Điều đáng nói là khoảng cách từ nơi rừng bị phá đến trụ sở các cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa chưa tới 7km. “Người ta thường nói “ai cũng biết, chỉ chính quyền không biết” là vậy. Tiếng cưa máy ầm ầm, xe tải chở gỗ ra vô rừng ngang nhiên, thậm chí họ còn chạy băng băng ngoài đường mà sao không thấy ông kiểm lâm nào tới “hỏi thăm”. Thiệt lạ!”, ông H., một người dân sống ở khu vực này bức xúc nói.

Lâm tặc phá rừng công khai giữa thanh nhiên bạch nhật.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực rừng Hòn Đát, nhiều người dân địa phương thấy lâm tặc phá rừng, lấy gỗ quá nhiều nên cũng tranh thủ vào rừng tận dụng cưa lấy gỗ và chuyển về nhà một cách công khai trên các tuyến đường. Khi chúng tôi hỏi: “Các chú không biết làm vậy là trái luật à?”, một người trong nhóm này giãi bày: “Chúng tôi chỉ lấy xíu gỗ về làm bàn ghế trong nhà thôi. Với lại mấy ông doanh nghiệp thuê lâm tặc phá nát cả khu rừng có sao đâu. Chính mấy ổng là người bỏ tiền ra san ủi, làm đường cho xe chạy thuận tiện từ nơi khai thác gỗ ra bìa rừng chứ còn ai vào đây nữa, vì dân chúng tôi làm gì có tiền. Trước đây, đường này chỉ là đường mòn đi bộ, giờ đã rộng thênh thang, cả xe tải chạy qua còn lọt mà”.

Người dân tranh thủ vào rừng tận dụng cưa lấy gỗ và chuyển về nhà một cách công khai.

Người này còn tiết lộ, trong quá trình doanh nghiệp thuê nhân công khai thác gỗ, đã có một người bị gỗ đè tử vong nhưng không thấy cơ quan chức năng đến điều tra nguyên nhân.

Trong quá trình khai thác gỗ, đã có một người bị gỗ đè dẫn tới tử vong. (Trong ảnh là nơi thờ cúng người thanh niên đã tử vong trên núi).

Đem sự việc này đến làm việc với lãnh đạo huyện Sơn Hòa nhưng cái chúng tôi nhận được là câu trả lời rất thiếu trách nhiệm. Vị lãnh đạo huyện này cho biết họ không thể cung cấp thông tin liên quan vì trước nay chưa hề biết đến vụ phá rừng này (?!).

Lâm tặc làm đường, triệt hạ cây rừng, xẻ gỗ tại khu rừng cách trụ sở UBND huyện Sơn Hòa chưa đầy 7km. Sự việc diễn ra ngang nhiên, công khai trong một thời gian dài mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Liệu cách giải thích của vị lãnh đạo này có hợp lý? Liệu có sự bao che trong việc này không?

Những băn khoăn, bức xúc của người dân vẫn đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ các cấp chính quyền.

Những con đường rộng lớn rất thuận lợi để lâm tặc vận chuyển gỗ ra ngoài mà không gặp một trở ngại nào.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc./.

PV điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top