Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 7 năm 2017 | 8:45

Tiếp bài "Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng (Tổng cục DS-KHHGĐ): Bao che cho cán bộ vi phạm?": Có việc quyết toán khống!

Ông Hồ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, khẳng định với phóng viên, việc quyết toán khống tại Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng là có nhưng số tiền quyết toán khống là bao nhiêu thì Tổng cục đang tiến hành điều tra, xác minh.

Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) vừa tổ chức buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, cung cấp thông tin liên quan đến tố cáo lãnh đạo Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng (thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ) đã quyết toán khống để rút tiền từ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ. Ông Hồ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định với phóng viên, việc quyết toán khống là có, còn số tiền quyết toán khống là bao nhiêu thì Tổng cục đang tiến hành điều tra, xác minh.

>> Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng (Tổng cục DS-KHHGĐ): Bao che cho cán bộ vi phạm?

Lãnh đạo Tổng cục DS - KHHGĐ làm việc với phóng viên báo Kinh tế nông thôn.

Đặt câu hỏi về việc người tố cáo đã tố cáo lãnh đạo Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng (Trung tâm)  thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ vi phạm các quy định về quản lý tài chính, làm khống chứng từ để rút gần 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ theo Quyết định số 48/QĐ-TCDS ngày 19/3/2014 của  Tổng cục Dân số - KHHGĐ phân bổ kinh phí cho hoạt động “Xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ đạt chuẩn viên chức cho cán bộ dân số cấp xã, huyện”, ông Hùng khẳng định: Việc tố cáo lãnh đạo Trung tâm làm chứng từ để quyết toán khống là có, nhưng số tiền quyết toán khống gần 200 triệu đồng như tố cáo là chưa chính xác".  

Theo ông Hùng, năm 2014, Tổng cục DS-KHHGĐ giao nhiệm vụ cho Trung tâm xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ đạt chuẩn cho viên chức cán bộ cấp xã, huyện, với kinh phí 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ chậm trễ, nghiệm thu chưa đạt yêu cầu, nên Tổng cục trưởng yêu cầu Trung tâm hoàn thiện lại chứ không phải là không làm.

Còn ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ), thành viên tham gia làm việc với phóng viên, cho biết: Trong nhiệm vụ xây dựng tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ DS-KHHGĐ có nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động tổ chức các hội thảo để đóng góp ý kiến cho nội dung tài liệu, viết tài liệu… Tuy nhiên, có một số hoạt động như tổ chức hội thảo chưa được diễn ra trên thực tế nhưng đều đã được quyết toán.

"Trong tổng số 6 cuộc hội thảo được quyết toán thì có 3 cuộc không được tổ chức. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã bóc tách được số tiền chưa dùng hết nhưng đã được quyết toán là 89.254.000 đồng, số tiền này được Trung tâm chuyển sang cho các hoạt động của năm 2015", ông Sơn nói.

Đặt câu hỏi với ông Phạm Minh Sơn về việc chuyển số tiền không dùng hết nhưng đã được quyết toán để chuyển sang hoạt động của năm 2015, Trung tâm có làm văn bản báo cáo Tổng cục biết không?, ông Sơn cho biết: Trung tâm không có văn bản báo cáo nào.

Về mặt quản lý Nhà nước, nếu công việc đó chưa được thực hiện mà đã tổ chức thanh quyết toán là hoàn toàn sai. Ông Hùng cho biết, về việc này, lãnh đạo Tổng cục đã tiến hành xem xét để có hình thức kỷ luật cho từng cán bộ vi phạm.

Nói như ông Phạm Minh Sơn,  89.254.000 đồng là số tiền đã được quyết toán nhưng chưa dùng hết liệu có phải là số tiền đã được lãnh đạo Trung tâm quyết toán khống hay không? Vì đây là số tiền sau khi có đơn tố cáo, Tổng cục đã thành lập đoàn thanh tra nên đã bóc tách được số tiền chưa chi hết này. Căn cứ nào để khẳng định việc Trung tâm đã kết chuyển 89.254.000 đồng chưa sử dụng hết của Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ  năm 2014 sang năm 2015? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ.

Như vậy có thể khẳng định, việc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã làm khống chứng từ để quyết toán theo tố cáo là hoàn toàn chính xác, số tiền quyết toán khống là con số mà ông Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng tiền chưa dùng đến nhưng đã được Trung tâm quyết toán. Việc quyết toán khống này của lãnh đạo Trung tâm và một số cán bộ được giao đã cấu thành tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Đề nghị Bộ Y tế, Tổng cục DC-KHHGĐ và các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ ngoài số tiền thừa nêu trên, Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng còn qua mặt các cơ quan quản lý để quyết toán khống những khoản tiền ngân sách nào khác.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục đăng tải những sai phạm khác của Trung tâm mà Tổng cục DS-KHHGĐ đã có kết luận.

Phạm Ngọc Thủy

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top