Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 7 năm 2015 | 9:22

Tiếp bài “22 hộ dân ở Thanh Hóa sống trong sợ hãi”: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia “né” trách nhiệm?

Báo Kinh tế nông thôn số 27, ra ngày 3/7/2015 có bài “22 hộ dân ở Thanh Hóa sống trong sợ hãi” , phản ánh việc 22 hộ dân ở thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) nằm dưới hành lang đường điện 220kV Ninh Bình - Thanh Hóa từ nhiều năm nay, luôn nơm nớp lo âu, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, bị hạn chế xây mới, mở rộng nhà cửa. Đặc biệt, là tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào nếu như xảy ra cháy nhà, cháy cây rơm…

>> 22 hộ dân ở Thanh Hóa sống trong sợ hãi

Năm 2009, UBND huyện Thiệu Hóa đề nghị với ngành điện nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân đang sinh sống, sử dụng hợp pháp nhà, đất ở và các công trình khác dưới hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được bồi thường, hỗ trợ. Nhưng 6 năm qua, ngành điện, trực tiếp là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, chưa hề đả động gì đến việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết, huyện sẽ kiến nghị đối với các ngành chức năng có trách nhiệm giải quyết các quyền lợi hợp pháp cho người dân. Trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân là của ngành điện.

Nằm dưới hành lang đường điện, người dân bị hạn chế xây cao, mở rộng nhà cửa.

Còn theo ông Phạm Minh Đức, Chánh văn phòng Công ty Truyền tải điện 1 (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) thì Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia phải đứng ra phân xử.  Nếu Tổng công ty giao Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc giải quyết thì ban phải đứng ra chịu trách nhiệm. Tổng công ty giao cho Truyền tải 1 giải quyết thì Truyền tải 1 phải chịu trách nhiệm.

Cũng theo ông Đức, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc giải quyết cũng là tiền của Tổng công ty, Công ty Truyền tải điện 1 giải quyết cũng là tiền của Tổng công ty. Thế thì chi bằng mình làm việc luôn với Tổng công ty, Tổng công ty sẽ có câu trả lời là ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết, giải quyết đến chừng mực nào thì để bên đó phải giải trình, từ đó Tổng công ty cấp kinh phí.

Mới đây, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có văn bản cung cấp thông tin cho Báo Kinh tế nông thôn về vụ việc. Tuy nhiên, nội dung mà Tổng công ty đề cập chỉ tập trung vào các quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn từ đường dây điện tới nhà của người dân. Tổng công ty cho rằng, người dân có thể yên tâm sinh sống mà không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mấu chốt của vấn đề là đề nghị của UBND huyện Thiệu Hóa và các  hộ dân về việc ngành điện, trực tiếp là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, nghiên cứu chính sách hỗ trợ, bồi thường cho người dân thì Tổng công ty lại “né” không đề cập tới.

Có hay không việc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia “né” trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân? Có phải vì thế mà 6 năm qua huyện Thiệu Hóa đề nghị ngành điện hỗ trợ, đền bù cho người dân nhưng bà con vẫn ngày đêm “dài cổ” chờ?

Để đảm bảo sức khỏe, tạo điều kiện cho người dân xây mới, mở rộng nhà cửa, bà con đề nghị ngành điện hỗ trợ để họ di dời tới nơi ở mới. Rất mong nguyện vọng chính đáng của 22 hộ dân thôn Nguyên Tiến sớm được đáp ứng.

Hoàng Đình Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top